Số bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 kỷ lục: 60 trường hợp/ngày

Số bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 kỷ lục: 60 trường hợp/ngày
TP - Chiều qua, Bộ Y tế thông báo, trong ngày, Việt Nam ghi nhận thêm 60 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 (miền Nam 52 ca, miền Bắc bốn ca, miền Trung hai ca, Tây Nguyên hai ca).

Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 27/7, Việt Nam đã ghi nhận 672 trường hợp dương tính, không có tử vong. Số bệnh nhân đã ra viện là 375; 297 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.

Ông Đỗ Lê Huấn – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, cho biết, ngoài trường hợp nhân viên tòa nhà Viettel (số 1 phố Giang Văn Minh, quận Ba Đình, Hà Nội) bị nhiễm cúm A/H1N1, còn có thêm ba nhân viên có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi và bảy người khác ho, váng đầu nhưng chưa sốt.

Mười người này đã được Viện Vệ sinh Phòng dịch Quân đội lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm nhưng chưa có kết quả. Ông Huấn cho biết thêm, dù mới có một bệnh nhân nhưng tòa nhà Viettel có thể coi là một ổ dịch.

Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết bệnh nhân đầu tiên tại Hà Tĩnh được xác nhận mắc cúm A/H1N1 là chị N.T. Đ (SN 1962) ở xóm Yên Thịnh, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh.

Bệnh nhân N.T.Đ. là giáo viên trường trung học tư thục Nguyễn Khuyến (nơi là một ổ dịch cúm A/H1N1) tại TPHCM trở về quê xã Kỳ Tiến.

Trưa 24/7, chị Đ bắt đầu sốt và được giám sát y tế tại nhà. Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm tại Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho thấy chị Đ nhiễm cúm A/H1N1.

Tử vong không liên quan đến cúm A/H1N1

Liên quan đến bệnh nhân Đ là trường hợp bệnh nhân T (cháu ruột chị Đ.). Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân T có dấu hiệu sốt từ ngày 22/7. Nhưng đến ngày 24/7 gia đình mới đưa bệnh nhân vào khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh trong tình trạng sốt cao, suy hô hấp nặng. Bệnh quá nặng nên bệnh nhân T. tử vong tại bệnh viện vào ngày 26/7.

Điều tra của các chuyên gia y tế cho thấy diễn biến lâm sàng và dịch tễ có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa việc anh T tử vong và chị Đ dương tính với cúm A/H1N1 sau khi trở về địa phương vào cùng thời điểm. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm đã xác định bệnh nhân T. tử vong không liên quan đến cúm A/H1N1.

Về việc có ba trường hợp hành khách đi trên chuyến tàu hỏa số hiệu TN2 ngày 24/7 vừa qua bị phát hiện nhiễm cúm A/H1N1, TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, cho biết, việc xét nghiệm hành khách nhiễm cúm thường mất vài ngày trong khi các đoàn tàu và máy bay hoạt động liên tục nên việc khử trùng cho các đoàn tàu, máy bay rất khó.

Cùng ngày 27/7, TS Trương Quốc Cường – Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thuốc Tamiflu (Oseltamivir) vẫn là thuốc điều trị nhiễm cúm A/H1N1 có hiệu quả.

MỚI - NÓNG