Sợ các vụ án trọng điểm càng kéo dài càng teo lại

Sợ các vụ án trọng điểm càng kéo dài càng teo lại
TP - Một trong những nội dung được cử tri chờ đón nhất trong kỳ họp Quốc hội (QH) lần này, là việc QH nghe Chính phủ báo cáo và thảo luận về thực hiện hai đạo luật: Phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 
Sợ các vụ án trọng điểm càng kéo dài càng teo lại ảnh 1
Hình ảnh vụ bắt giam ông Lương Cao Khải trong vụ việc  tại  Tổng Cty Dầu khí có liên quan đến một số cán bộ Thanh tra Chính phủ

Sau khi nghe báo cáo thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, nhiều đại biểu đã đặt vấn đề với việc xử lý 8 vụ án trọng điểm.

Đại biểu Trần Huy Hanh (Vĩnh Phúc) nói: “Đối với các vụ án trọng điểm, tuy rằng phải thận trọng, xử lý đúng pháp luật, nhưng quá kéo dài, có biểu hiện thiếu kiên quyết.

Đơn cử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn lừa đảo liên quan đến 38 bưu điện tỉnh, thành phố, lại xảy ra trong thời gian dài, diện rộng, thiệt hại cho Nhà nước trên 47 tỷ đồng, sai phạm ở 38 bưu điện cơ bản giống nhau, nhưng chỉ có 6 cán bộ bưu điện đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng:

Các vụ án tham nhũng có thể làm chậm nhưng chắc chắn

Sợ các vụ án trọng điểm càng kéo dài càng teo lại ảnh 2
Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng
Bây giờ, những vụ án mà các cơ quan chức năng đang thụ lý có nhiều, nên không thể làm nhanh, vì điều tra án tham nhũng không dễ như điều tra án hình sự.

Đối tượng tham nhũng là người có vị trí, có học thức, nên điều tra phải theo quy trình chặt chẽ, phải có chứng cứ chắc chắn mới có thể buộc tội, để làm cho đối tượng tâm phục khẩu phục.

Nên có thể quá trình hơi chậm nhưng chắc chắn, chúng ta không thể làm ẩu trong bất cứ vụ việc nào. 

Vụ Rusalka (Khánh Hoà) do Nguyễn Đức Chi cầm đầu đã được khởi tố từ năm 2005, số người vi phạm lên tới vài chục, nhưng đến nay chỉ bị đề nghị truy tố có 5 người... 

Như vậy, từ thông tin ban đầu nghiêm trọng bao nhiêu, càng về sau càng teo tóp đi, rơi rụng đi khá nhiều, làm cho dư luận xã hội bán tín, bán nghi”.

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) bộc bạch: “Nói thật với các đồng chí, cử tri cả nước rất sợ các vụ án điểm càng kéo dài càng teo lại, rồi lúc nào đó từ trái núi sẽ đẻ ra con chuột nhắt”.

Cùng mạch, đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) lên tiếng: “Phải thẳng thắn nói với nhau: tham nhũng ngày càng tăng. Có những lĩnh vực không thể hình dung là có tham nhũng, thế mà lại có, như quỹ ủng hộ người nghèo, chương trình 135, chế độ chính sách với thương binh và gia đình liệt sĩ”.

Đại biểu Hà Đức Lệnh (Bắc Kạn) lại băn khoăn với vấn đề: “Chính phủ cho biết, năm 2006 qua thanh tra phát hiện sai phạm gần 5.000 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hồi được trên 283 tỷ đồng, chưa được 10%. Trong số đối tượng có liên quan, thì trên 90% chỉ bị xử lý hành chính”.

Lãng phí thời cơ đất nước sẽ tụt hậu

Sợ các vụ án trọng điểm càng kéo dài càng teo lại ảnh 3
Tình trạng cắm biển dự án rồi bỏ hoang hóa khá phổ biến. Ảnh: Nhân dân điện tử

Thảo luận vấn đề lãng phí, ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa (Bình Dương) đã gây được sự chú ý tại hội trường, đại biểu Thoa nói: “Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM có rất nhiều mảnh đất đẹp do các cơ quan nắm giữ, nhưng sử dụng không có hiệu quả.

Đặc biệt ở TPHCM, hầu như các bộ, ngành đều có văn phòng đại diện phía Nam ở những vị trí rất đẹp và sử dụng rất lãng phí. Tôi rất tiếc ý đồ của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt 10 năm trước đây, là xây dựng một khu nhà cho toàn thể các văn phòng đại diện phía Nam cho các bộ, ngành ở đường Lê Duẩn TPHCM, nhưng đã không thành công”.

Mặc dù không có trong phạm trù của 7 đối tượng lãng phí, nhưng vấn đề lãng phí thời cơ được đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đặc biệt quan tâm, đại biểu Trân nói: “Chúng ta vào WTO đã 3 tháng, việc chuẩn bị nắm bắt thời cơ như thế nào? Thời cơ nếu chúng ta nắm bắt được thì đất nước sẽ phát triển rất nhanh, trong đó có thời cơ về đầu tư gián tiếp và thị trường chứng khoán, chỗ này không thể làm sai rồi sửa, ở những đối tượng khác làm sai rồi sửa không sao, nhưng thời cơ này không cho phép như vậy bởi chỉ cần thị trường chứng khoán sụp đổ, chúng ta lùi rất nhanh, lùi rất xa”.

Sáng nay (30/3), QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc thực hiện 2 luật: Phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.  

8 vụ án trọng điểm đã được xử lý như thế nào?

Có 8 vụ án trọng điểm, nổi cộm được dư luận quan tâm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý.

Đến nay, cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát truy tố 7 vụ việc gồm:

1. Vụ mua bán quota ở Bộ Thương mại; 2. Vụ Mạc Kim Tôn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; 3. Vụ điện kế điện tử tại Cty Điện lực TPHCM; 4. Vụ việc tại Tổng Cty Dầu khí Việt Nam liên quan đến một số cán bộ Thanh tra Chính phủ vi phạm pháp luật trong quá trình thanh tra; 5. Vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại dự án Rusalka;

6. Vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo một số đơn vị trong ngành Bưu điện; 7. Vụ PMU 18 đã hoàn thành điều tra, chuyển Viện Kiểm sát truy tố đối với các tội danh đánh bạc, đưa hối lộ và môi giới hối lộ, đang điều tra các tội danh về quản lý kinh tế, tham nhũng; 8. Vụ vi phạm pháp luật đất đai tại Đồ sơn đang được khẩn trương kết thúc điều tra để sớm truy tố theo quy định của pháp luật.

Viện Kiểm sát đã chuyển sang Toà án để xét xử 02 vụ việc gồm vụ mua bán quota ở Bộ Thương mại (xét xử sơ thẩm trong tháng 3 năm 2007) và vụ  Mạc Kim Tôn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi; đang thụ lý hồ sơ để truy tố 3 vụ việc (vụ điện kế điện tử, vụ tại Tổng Cty Dầu khí Việt Nam và vụ Nguyễn Đức Chi).

Vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo một số đơn vị trong ngành Bưu điện tuy đã có kết quả điều tra nhưng Viện Kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung để truy tố.

(Nguồn: Báo cáo thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của  Chính phủ)

MỚI - NÓNG