Sở Công thương Nghệ An lên tiếng việc thẩm định thêm dự án thủy điện

Khu vực rừng sẽ biến mất nếu thủy điện Tiền Phong được triển khai.
Khu vực rừng sẽ biến mất nếu thủy điện Tiền Phong được triển khai.
TPO - Sở Công thương Nghệ An vừa có công văn số 1164/SCT-QLNL gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Thông tin truyền thông và báo Tiền Phong về việc xử lý vấn đề báo nêu trong bài viết “Dày đặc thủy điện: Vẫn thẩm định thêm dự án?”.

Công văn vừa dẫn trên cho biết, toàn tỉnh Nghệ An có 47 dự án thủy điện với tổng công suất 1.407,1 MW đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Quá trình thực hiện đã tiến hành rà soát, loại bỏ, rút khỏi quy hoạch 15 dự án còn 32 dự án với 1.360,95 MW. Trong số đó, đã có 18 nhà máy đi vào phát điện với tổng công suất 892,9 MW, 1 dự án đang làm thủ tục tích nước, chạy thử, phát điện thương mại; 6 dự án đang triển khai thi công xây dựng; 3 dự án đang làm thủ tục đầu tư xây dựng…

Với 32 dự án thủy điện mà Sở Công thương Nghệ An nêu lên đều tập trung tại 5 huyện miền núi, có khúc sông tập trung tới 9 nhà máy thủy điện. Chỉ tính riêng hai huyện Kỳ Sơn và Quế Phong đã có gần 20 dự án thủy điện. Nghịch lý thay, 5 địa phương chứa 32 dự án thủy điện nhưng 185 thôn bản chưa có điện lại được chia đều cho 5 địa phương này.

Sở Công thương Nghệ An lên tiếng việc thẩm định thêm dự án thủy điện ảnh 1 Công văn phản hồi ý kiến báo nêu của Sở Công thương Nghệ An.

Nói về dự án thủy điện Tiền Phong, Sở Công thương Nghệ An cho biết, dự án này được phê duyệt bổ sung, điều chỉnh thủy điện vừa và nhỏ từ năm 2011 với công suất 6MW trên suối Niên, suối Co thuộc địa bàn xã Tiền Phong, huyện Quế Phong. Dự án do công ty CP Prime Quế Phong làm chủ đầu tư (đại diện chủ đầu tư là công ty TNHH MTV thủy điện Tiền Phong).

Như vậy, tính đến khi chỉ thị 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành ngày 12/1/2017 thì dự án thủy điện Tiền Phong đã có 6 năm để “chạy đà” và chuẩn bị. Tuy nhiên, phía chủ đầu tư vẫn “án binh bất động” thế tại sao cấp ngành tỉnh Nghệ An không đặt nghi vấn “năng lực triển khai, tính khả thi của dự án này?”.

Mặt khác, theo chỉ thị 13-CT/TW thì dự án thủy điện Tiền Phong chưa đủ điều kiện để triển khai thực hiện do chưa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp (4,75 ha thuộc đối tượng không được phép chuyển đổi, trừ dự án quốc phòng, an ninh, các dự án cần thiết do Thủ tướng Chính phủ quyết định). Bất chấp quy định, đầu tháng 3/2018, chủ đầu tư dự án thủy điện Tiền Phong phát thông báo đến chính quyền huyện Quế Phong về việc sẽ khởi công dự án. Tuy nhiên, lãnh đạo huyện này cùng Sở Nông nghiệp Nghệ An đã kiên quyết “tuýt còi”.

Trước khi bổ sung dự án thủy điện Tiền Phong vào trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 – 2025 xét đến năm 2035 thì người đứng đầu ngành công thương Nghệ An có tham vấn đến sự chậm trễ triển khai của dự án này trước khi chỉ thị 13-CT/TW ban hành, chưa nói đến mật độ dày đặc thủy điện ở huyện Quế Phong và ý kiến người dân sở tại.

Hệ lụy dày đặc thủy điện ở huyện nghèo

“Trong lần tiếp xúc cử tri mới đây, đại đa số người dân liên quan đến thủy điện trên địa bàn huyện Quế Phong đang yêu cầu cấp ngành liên quan giải quyết những bất cập, tồn tại mà thủy điện mang lại”, ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch huyện Quế Phong nói về tình hình thủy điện trên địa bàn này.

Cũng theo ông Lê Văn Giáp, Quế Phong là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2019 chiếm  62,81%. Trên địa bàn huyện lại có tới 10 dự án thủy điện (5 nhà máy thủy điện đã hoạt động, phát điện thương mại hòa vào lưới điện quốc gia), việc xây dựng các nhà máy thủy điện làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và cuộc sống người dân trên địa bàn.  

Một số công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống cấp nước sinh hoạt tự chảy, đường giao thông trường học đã xuống cấp. Tuy nhiên, nguồn ngân sách huyện Quế Phong hạn chế, không đáp ứng được sửa chữa. Huyện ủy, UBND huyện Quế Phong kiến nghị với thường trực HĐND, UBND tỉnh tại các phiên làm việc từ năm 2017 đến nay nhưng chưa được giải quyết.

Trong văn bản mới đây, UBND huyện Quế Phong kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An trích 3-5% tiền thuế thu từ các nhà máy thủy điện cho ngân sách huyện Quế Phong hàng năm để hỗ trợ sửa chữa các công trình hạ tầng tại các điểm tái định cư và hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân vùng tái định cư. Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy thủy điện trích 1-2% doanh thu sau thuế hỗ trợ cho an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Thủy điện "nóng" lên từ dân, hệ lụy khiến cuộc sống của họ lay lắt trong đói nghèo, dày đặc thủy điện đang phản chiếu tỷ lệ hộ nghèo tại huyện biên giới Quế Phong nói riêng và các huyện miền núi Nghệ An nói chung.
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.