Vụ <EM>bẻ cong</EM> đường vành đai ngoài Tân Sơn Nhất - Bình Lợi

Sở GT-VT TPHCM:Thanh tra Bộ Xây dựng sai

Sở GT-VT TPHCM:Thanh tra Bộ Xây dựng sai
TP - Xung quanh thông tin Chánh thanh tra Bộ Xây dựng ký văn bản khẳng định TPHCM bẻ cong hướng đi tuyến đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TSN-BL-VĐN), Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM nói rằng, việc điều chỉnh này của UBND TPHCM là không sai.

Sáng 11/8, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) TPHCM Trần Quang Phượng nói với báo giới rằng, việc điều chỉnh này của UBND TPHCM là không sai, cái sai ở đây là cách nói của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã gây hiểu lầm đáng tiếc cho người dân !?

Bác bỏ ý kiến cho rằng TPHCM tự ý điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng, ông Phượng khẳng định, từ đầu năm 1997, UBND TPHCM đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án đường TSN- BL - VĐN, đính kèm phương án thiết kế tỷ lệ 1/2000.

Sau đó, Thủ tướng có công văn chấp thuận chủ trương đầu tư tuyến đường (chưa có phương án thiết kế  chi tiết cụ thể) theo hình thức hợp đồng BOT và giao cho UBND TPHCM đàm phán với đối tác Malaysia. Văn bản này của Thủ tướng không phê duyệt quy hoạch chi tiết cụ thể từng tuyến đường như một số cơ quan báo chí đăng tải.

Thủ tướng chỉ đạo, trong quá trình lập dự án các nhà đầu tư sẽ nghiên cứu đề xuất phương án theo các điểm mốc khống chế đầu và cuối các đoạn tuyến để trình các bộ thẩm định trước khi Thủ tướng phê duyệt.

Sau đó, nhà đầu tư Malaysia không tiếp tục tham gia dự án. Năm 2004, UBND TPHCM ký văn bản ghi nhớ, rồi có văn bản gửi Thủ tướng về việc Cty LG Thiết kế và Xây dựng (LG E&C) đầu tư dự án đường nối TSN-BL-VĐN và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tiếp đó, TPHCM phê duyệt quy hoạch về phương án tuyến của dự án. Phương án này được Bộ Xây dựng thông qua bằng kết quả thẩm định thiết kế cơ sở công trình đường TSN-BL-VĐN.

Một trong các nội dung thẩm định thiết kế cơ sở là xem xét sự phù hợp của thiết kế cơ sở với quy hoạch. TPHCM làm xong các thủ tục này, tháng 11/2007, Thủ tướng chấp thuận cho thực hiện dự án, cũng như chấp thuận một số nội dung cụ thể được nêu trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư là GS E&C (Hàn Quốc) đầu tư theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng.

Vì sao phải điều chỉnh?

Trả lời báo chí, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho biết vẫn kiến nghị Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho thanh tra toàn diện dự án trên, đặc biệt là việc nắn cong con đường, làm rõ tại sao lại thay đổi quy hoạch, sự thay đổi đó nhằm mục đích gì, đồng thời xác định trách nhiệm cụ thể của các đơn vị liên quan, xử lý nghiêm nếu phát hiện có sai phạm.

Theo phương án phê duyệt tiền khả thi của Thủ tướng Chính phủ về dự án đường TSN - BL – VĐN, đoạn đầu của tuyến đường có hướng đi thẳng từ nút giao Trường Sơn qua khu phố 8 (phường 2, quận Tân Bình) đến nút giao Nguyễn Thái Sơn, chiều rộng 60m.

Tuy nhiên, sau đó TPHCM đã điều chỉnh đoạn đường đi thẳng này thành hai nhánh rẽ: một nhánh là đường Bạch Đằng (thuộc tổ 82, 89, khu phố 9, phường 2, quận Tân Bình) rộng 60m và một nhánh là đường Hồng Hà (quận Tân Bình) rộng 20m.

Theo ông Trần Quang Phượng, việc điều chỉnh này là theo quy hoạch nhằm đảm bảo giải tỏa trắng ít nhất. Mặt khác, việc điều chỉnh quy hoạch trên nhằm tránh gây xáo trộn trong nhân dân và giảm chi phí mặt bằng.

Việc điều chỉnh này giảm được khoảng 3.000 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, tổng số tiền giải phóng mặt bằng khi điều chỉnh còn 8.000 tỷ so với 11.000 tỷ nếu giữ như cũ.

Ông Phượng cho hay,  hiện TPHCM đang khó khăn về vốn nên thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng. Việc làm này sẽ có lợi cả cho nhà đầu tư lẫn TPHCM.  

MỚI - NÓNG