Sợ trách nhiệm, cán bộ không dám đổi mới

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu không nâng cao được chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thì có cải cách bao nhiêu đi nữa cũng khó phát huy được hiệu quả. Ảnh: Văn Kiên.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu không nâng cao được chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thì có cải cách bao nhiêu đi nữa cũng khó phát huy được hiệu quả. Ảnh: Văn Kiên.
TP - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra rằng, còn một bộ phận cán bộ, công chức đi muộn về sớm, vô cảm, sợ trách nhiệm, không dám đổi mới, sáng tạo...

Ngày 5/8, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra rằng, còn một bộ phận cán bộ, công chức đi muộn về sớm, vô cảm, sợ trách nhiệm, không dám đổi mới, sáng tạo... Vì thế, nếu không nâng cao được chất lượng phục vụ của công chức đối với người dân, doanh nghiệp thì cải cách khó phát huy được hiệu quả.

Sợ trách nhiệm nên “chạy” lòng vòng

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt nhiều tiến bộ, nhất là trên các lĩnh vực cải cách thể chế, cải cách TTHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh… Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực vẫn còn tồn tại, hạn chế khi vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác cải cách TTHC. Một số thành viên Ban Chỉ đạo còn chưa chủ động, tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ cải cách chế độ công vụ, công chức tại bộ, ngành mình.

Ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho rằng, muốn cải cách hành chính đi vào thực chất, phải xây dựng mô hình quản lý phù hợp, cũng như đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, việc áp dụng này lại gặp lực cản rất lớn vì tư duy cũ của cán bộ, chỉ muốn duy trì quản lý thủ công. “Chúng ta có nói gì thì nói, có áp dụng quy trình sản xuất mới bao nhiêu đi nữa, nhưng trách nhiệm của công chức, quản lý không cao thì không thể có hiệu quả. Như vừa qua ngành Thuế đã áp dụng công nghệ thông tin, nhưng cán bộ thuế thiếu trách nhiệm dẫn đến ra thông báo về thuế sai”, ông Trung nói.

Ông Trung cũng cảnh báo một thực trạng đáng lo ngại là việc cán bộ, công chức ngày càng sợ trách nhiệm. Vì sợ nên không dám đề xuất, không dám đổi mới, sáng tạo, hoặc có đề xuất cái mới thì “chạy” lòng vòng, xin phép khắp nơi. “Anh em sợ rằng làm 10 cái, 8 cái đúng nhưng chỉ 1-2 cái sai là theo quy chế đánh giá cán bộ sẽ bị xử lý ngay. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu có cơ chế để bảo vệ cán bộ, công chức cho phù hợp hơn”, ông Trung nói.

Gánh nặng làm báo cáo

Một thực trạng cũng bị coi là nguyên nhân gây khó khăn cho các đơn vị trong thực hiện cải cách TTHC là gánh nặng làm báo cáo. “Báo cáo nhiều quá khiến các đơn vị cứ phải làm suốt ngày, mất rất nhiều thời gian và lãng phí, trong khi sử dụng thông tin từ báo cáo cũng rất hạn chế. Do đó, chúng ta cần có giải pháp về vấn đề trên”, ông Trung nói. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc công nhận, nhiều đơn vị đang than phiền về gánh nặng báo cáo. “Chúng ta phải làm báo cáo đầu năm, 6 tháng, cuối năm đến lúc họp Quốc hội lại phải báo cáo. Tôi đề nghị Chính phủ nên giao cho Bộ Tư pháp xây dựng đề án để làm sao giảm được gánh nặng báo cáo cho các đơn vị”, ông Ngọc kiến nghị.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, viết báo cáo cần đơn giản, dài mấy trang, không cần đến mấy chục trang. Ông Phúc khẳng định, cải cách TTHC chính là mũi nhọn, đột phá để phát triển, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức vô cảm, thiếu trách nhiệm với người dân. Trong giờ hành chính còn uống rượu, phì phèo thuốc lá; đi làm thì đến muộn về sớm. “Sự phục vụ nhân dân mà không tốt thì cải cách cũng khó mà phát huy hiệu quả, bởi con người vốn là nhân tố quyết định. Vì thế, các đơn vị cần phải coi trọng, giáo dục để cán bộ, công chức nâng cao chất lượng phục vụ”, ông Phúc nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đề nghị các đơn vị chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức hết lòng phục vụ Tổ quốc, nhân dân, không được vô cảm, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. “Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ giải quyết TTHC”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định.

MỚI - NÓNG