Sở ủng hộ, Viện bênh vực, vẫn thua!

Con trai trưởng của ông Lê Đình Thảo đang chỉ tay về đầm nước từng là của gia đình anh
Con trai trưởng của ông Lê Đình Thảo đang chỉ tay về đầm nước từng là của gia đình anh
TP - Số báo 35 đã nêu: Ông Lê Đình Thảo (hộ nuôi trồng thủy sản xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) khiếu nại quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng; nguyện vọng của ông Thảo được Sở TN&MT ra văn bản ủng hộ. Số báo này nói tiếp, khi khiếu kiện hành chính, ông Thảo lại được Viện KSND Tối cao bênh vực.

> Sở ủng hộ, Viện bênh vực, vẫn thua!

Con trai trưởng của ông Lê Đình Thảo đang chỉ tay về đầm nước từng là của gia đình anh
Con trai trưởng của ông Lê Đình Thảo đang chỉ tay về đầm nước từng là của gia đình anh.

Ngày 31-12-2004, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 1588/QĐ-UB thu hồi đất đối với ông Lê Đình Thảo, theo đó, ông Thảo phải giao toàn bộ 70ha đất và các công trình có trên đất cho UBND xã Tiên Thắng quản lý, sử dụng.

Ông Thảo có đơn khiếu nại; ngày 18-12-2006, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định bác đơn của ông Thảo.

Chặng đường khiếu kiện của ông Thảo bắt đầu. Ngày 2-1-2007, ông có đơn khởi kiện ra trước TAND huyện Tiên Lãng. Bản án hành chính sơ thẩm TAND huyện tuyên ngày 22-3-2007 đã bác đơn của ông Thảo. Ông Thảo chống án, ngày 15-5-2007, TAND TP Hải Phòng xử phúc thẩm, bác đơn chống án của ông Thảo.

Ông Thảo kiên trì khiếu nại, xin được các cấp tố tụng cao nhất xử giám đốc thẩm. Khiếu nại của ông “thấu” tới lãnh đạo Viện KSND Tối cao. Ngày 24-8-2007, Viện trưởng Viện KSND Tối cao có quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa Hành chính TAND Tối cao xử hủy bản án phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng và bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng, để xét xử lại từ đầu vụ án.

Ngày 16-12-2007, Tòa Hành chính TAND Tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm (lần một), ra quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao…

Ông Thảo lại khiếu nại, và ngày 31-01-2008, Viện trưởng Viện KSND Tối cao một lần nữa ra kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy quyết định giám đốc thẩm (lần một) và các bản án trước đó. Ngày 3-4-2008, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm (lần hai), một lần nữa bác kháng nghị của Viện KSND Tối cao.

Lãnh đạo Viện KSND Tối cao căn cứ vào đâu để hai lần ra kháng nghị bênh vực ông Thảo?

Thời điểm này, nhiều cấp, nhiều ngành đang kiểm tra công tác giao đất, thu hồi đất đối với người nuôi trồng thủy sản ở huyện Tiên Lãng; thiết nghĩ, những quan điểm của Viện KSND Tối cao rất đáng được tham khảo. Tựu trung lại, Viện KSND Tối cao đưa ra hai quan điểm:

1/ Theo quy định tại Điều 20 Luật Đất đai 1993 và khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2003, Nhà nước giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài; thời hạn để nuôi trồng thủy sản là 20 năm; nếu được giao đất trước ngày 15-10-1993 thì thời hạn giao đất, cho thuê đất được tính từ ngày 15-10-1993; theo các quy định này, đất của ông Thảo được giao đến ngày 15-10-2013 mới hết thời hạn.

2/ Cả ba cấp tòa mới chỉ xem xét đến khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 43 của Luật Đất đai 2003 (đất được giao có thời hạn, không được gia hạn khi hết hạn, thì không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền trên đất), mà chưa xem xét đến khoản 2 Điều 39 Luật Đất đai 2003 để tính đền bù cho ông Thảo, là chưa đúng pháp luật, gây thiệt hại cho ông Thảo.

Về hai quan điểm trên, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, thời hạn giao đất cho ông Thảo chỉ được tính 12 năm như trong quyết định giao đất, song thừa nhận cả ba cấp tòa trước đó không chấp nhận tính thời điểm giao đất từ ngày 15-10-1993 là chưa đúng quy định pháp luật, song cho rằng việc hủy cả ba bản án để xét xử lại là “không cần thiết”.

Về việc ông Thảo phải được bồi thường tài sản trên đất, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao nhận định Nhà nước chỉ quy định bồi thường khi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; việc thu hồi đất của ông Thảo không nhằm vào mục đích này, nên… ông Thảo không được bồi thường (!?).

Nghiên cứu hồ sơ vụ án này, nhiều chuyên gia pháp luật nhận định: do giới hạn bởi yêu cầu khởi kiện của ông Thảo, còn nhiều vấn đề cả kháng nghị của Viện KSND Tối cao và quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao chưa nhận định đến.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ riêng việc UBND huyện Tiên Lãng ban hành quyết định thu hồi đất của ông Thảo khi chưa hết thời hạn giao đất, cũng đủ để tòa án tuyên hủy quyết định này.

Tiếc rằng, việc làm vừa đúng pháp luật, vừa có lợi cho người nuôi trồng thủy sản, đã không được tòa thượng thẩm chấp nhận.

Các chuyên gia cho rằng, đây là lúc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần thực hiện giám sát hoạt động tuân thủ pháp luật trong vụ kiện của ông Thảo. Đây cũng là mong mỏi của gia đình ông Thảo, và của nhiều người dân huyện Tiên Lãng.

Bà Vũ Thị Ân, 71 tuổi, thôn 2 xã Tiên Thắng: “Anh Thảo nhà con một, nhưng làm ăn giỏi. Chúng tôi mong Nhà nước giao lại cái đầm cho các con anh ấy, cho gia đình anh ấy đỡ thiệt”.

Ông Lê Văn Nhành, 66 tuổi, cùng thôn: “Xã và huyện không dám đầu tư, anh Thảo đi vay để đầu tư, nghĩ ra cách trả công cho những người đắp đê bằng ruộng, nhờ đó mới đắp được đê. Anh Thảo có ăn, những người cấy lúa cũng thu lợi. Huyện thu hồi như vậy quá thiệt thòi cho gia đình anh Thảo”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG