Tiếp bài “Gói thầu 282 tỷ thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang”:

Sở Y tế Kiên Giang nhận lỗi rồi, khuất tất khác thì sao?

Buổi mở thầu có nhiều dấu hiệu bất thường tháng 1/2019 tại Ban Quản lý dự án Kiên Giang. Ảnh: Quyền Thành
Buổi mở thầu có nhiều dấu hiệu bất thường tháng 1/2019 tại Ban Quản lý dự án Kiên Giang. Ảnh: Quyền Thành
TP - Báo Tiền Phong số ra ngày 22/1/2019 đăng bài “Gói thầu 282 tỷ thuộc dự án Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang: Có dấu hiệu chỉ định thầu” . Bài báo được dư luận quan tâm, sau đó vài ngày, một vài tờ báo khác cũng đã lên tiếng về vụ đấu thầu lạ đời này. Nhà thầu gửi nhiều đơn thư, song phải đến ngày 26/2/2019, chủ đầu tư dự án là Sở Y tế Kiên Giang mới trả lời thừa nhận sai sót từ khâu mời thầu.

Trong khi báo chí viết bài phản ánh sự thật là cuộc đấu thầu gói thầu thiết bị y tế gần 300 tỷ đồng nhiều sai sót, cả chục nhà thầu phản ứng gay gắt ngay từ khi phát hồ sơ mời thầu…, thì các cơ quan chức năng ở Kiên Giang vẫn im lặng kéo dài.  Kiến nghị Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành dân dụng và công nghiệp Kiên Giang (Ban Quản lý dự án Kiên Giang), không được trả lời, một số doanh nghiệp tiếp tục đơn từ đến Sở KH&ĐT Kiên Giang, rồi UBND tỉnh Kiên Giang. So với quy định về thời gian phải trả lời các kiến nghị của nhà thầu ghi trong Luật Đấu thầu thì gần như tất cả các cơ quan của tỉnh Kiên Giang đều không trả lời đúng theo quy định của luật. Điều này càng cho thấy dấu hiệu khuất tất trong đấu thầu ở dự án này là đáng nói.

Ngày 28/2/2019, Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Phát triển công nghệ y tế Việt Nam (Công ty PTCN) tiếp tục gửi cho PV Tiền Phong công văn trả lời đầu tiên của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang (chủ đầu tư dự án) về những kiến nghị của công ty này.

Trong Công văn số 294, ngày 26/2/2019 của Sở Y tế gửi nhà thầu, ông Hà Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách sở này thừa nhận lỗi sơ đẳng của hồ sơ mời thầu chưa đủ cơ sở pháp lý là do bên mời thầu (Ban Quản lý dự án Kiên Giang-PV). Tuy nhiên, Sở Y tế biện luận rằng: “Lỗi sử dụng dấu phô tô và pháp nhân chưa đúng thẩm quyền của đơn vị tư vấn mời thầu không ảnh hưởng đến nội dung hồ sơ mời thầu, vì đã có chữ ký và dấu pháp nhân của bên mời thầu. Các bên liên quan sẽ rút kinh nghiệm về sai sót này. Trường hợp nhà thầu khi mua hồ sơ mời thầu nhận thấy bên mời thầu phát hành không phù hợp với quy định, nhà thầu có thể từ chối nhận và yêu cầu cung cấp đúng bản chính, nhằm đảm bảo quyền lợi của mình”. Điều này khiến các doanh nghiệp phải kêu lên là không hiểu vì sao một đơn vị đi mời thầu, tư vấn mời thầu mà không hiểu quy định đơn giản chính tắc của nhà nước. Bởi, theo quy định của Chính phủ tại nghị định số 110 năm 2004 thì văn bản giao dịch chính thức của một pháp nhân chỉ có giá trị pháp lý khi đảm bảo đầy đủ các yếu tố thể thức theo quy định, được người có thẩm quyền ký chính thức, cán bộ văn thư đóng dấu…Hồ sơ mời thầu của Ban Quản lý dự án Kiên Giang với chữ ký của ông Trần Ngọc Tính là chữ ký bản phô tô, do đó không có giá trị pháp lý. Khi hồ sơ không có tính pháp lý thì toàn bộ quá trình khác đều trở nên vô nghĩa.

Sở Y tế Kiên Giang nhận lỗi rồi, khuất tất khác thì sao? ảnh 1 Ông Phước Thiện có lúc chỉ ngồi không trả lời được nhà thầu

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Công ty PTCN, công ty đã 3 lần gửi đơn đến 3 cơ quan: Ban Quản lý dự án Kiên Giang; Sở Y tế và UBND tỉnh Kiên Giang để kiến nghị về vụ đấu thầu vi phạm Luật Đấu thầu cho biết: Công văn của Sở Y tế càng làm cho nhà thầu cảm thấy các cơ quan chức năng tham gia đấu thầu đã ngầm bắt tay nhau, ngồi trên luật.

Về hồ sơ mời thầu khu biệt các thông số kỹ thuật làm lộ dấu hiệu chỉ định thầu, tại buổi mở thầu ngày 7/1/2019, các nhà thầu đã phản ứng gay gắt, khiến đại diện bên tư vấn thầu - ông Nguyễn Phước Thiện (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư Nam Sài Gòn có lúc chỉ ngồi cau mặt, không trả lời được nhà thầu. Đến nay, Sở Y tế Kiên Giang căn cứ giải trình của Ban quản lý dự án Kiên Giang khẳng định trong công văn rằng: “Cấu hình và thông số kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu tuân thủ theo hồ sơ thẩm định và các ý kiến lưu ý của Bộ Y tế là mở rộng cấu hình, tính năng kỹ thuật để có thể nhiều nhà thầu tham gia…không làm thay đổi về cơ bản bản chất chất lượng của thiết bị…”.

Trước khẳng định này, các nhà thầu đã phản ứng bằng văn bản với dẫn chứng rằng: Về gói thầu 59, đối với máy, siêu âm Doppler màu tổng quát máy siêu âm Doppler màu, 4D chuyên tim…đã được Bộ Y tế thẩm định, hướng dẫn với yêu cầu kỹ thuật cao. Song, phía mời thầu đã hạ tiêu chí kỹ thuật quá mức, làm thay đổi hoàn toàn bản chất, chất lượng của thiết bị y tế!

Trong khi ngay tại buổi mở thầu và bằng văn bản 3 lần gửi các cơ quan chức năng phản đối cuộc đấu thầu bất thường, chỉ ra hàng loạt vấn đề thể hiện bên mời thầu “dẫn lối chỉ định thầu” và chờ đợi rất lâu nhà thầu mới nhận được ý kiến của duy nhất Sở Y tế Kiên Giang qua email gói gọn trong hơn một trang viết. Điều lạ là công văn trả lời sơ sài của Sở Y tế Kiên Giang còn đề nghị nhà thầu: Trong 5 ngày tính từ khi nhận được văn bản nếu không có ý kiến phản hồi thì xem như đã đồng thuận với ý kiến của Sở Y tế Kiên Giang. Đề nghị này đi ngược Luật Đấu thầu!

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.