Soạn thảo nói hay, luật ra đời thấy dở

Hình minh họa
Hình minh họa
TP - Ngày 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về Dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật (VBPL). Qua thảo luận phần lớn các ý kiến đều cho rằng, sở dĩ có nhiều luật vừa mới ra đời đã bị sửa là do việc lấy ý kiến đối tượng bị tác động còn nặng về hình thức, thiếu tính thực tế…

Đề cập đến câu chuyện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục nghề nghiệp chưa kịp có hiệu lực đã bị kiến nghị sửa đổi; hay Luật Xử lý vi phạm hành chính ban hành nhưng không phù hợp, gây bức xúc cho các thành phố lớn về việc xử lý người nghiện… nhiều đại biểu đề nghị cần bổ sung các quy định để bảo đảm việc lấy ý kiến một cách thực chất hơn.

“Việc lấy ý kiến tác động bắt buộc phải được thực hiện từ khi soạn thảo Dự thảo luật cho đến thẩm định, thẩm tra và đến quy trình cuối cùng, tức là khi trình ra Quốc hội ban hành. Chứ không là sẽ rất hình thức”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Bà Nga dẫn chứng, hiện nay chúng ta đang xây dựng Dự thảo Luật Tạm giam, tạm giữ. Theo đó, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Dự thảo luật trên trước hết là các cơ quan quản lý việc giam giữ. Do đó, phải lấy ý kiến và những cơ quan trên phải có ý kiến thể hiện bằng văn bản để đánh giá xem các chính sách, quy định như thế thì họ có thi hành được không?

Tương tự, những đối tượng là người đang bị giam giữ cũng phải lấy ý kiến để xem việc hỏi cung thì có cần ghi âm, ghi hình không? Các quyền của họ có được đảm bảo không? “Phải bổ sung vào trong dự thảo luật các tiêu chí rõ ràng, cụ thể về lấy ý kiến đánh giá tác động của luật.

Chứ nếu vẫn còn mang hình thức thì tính khả thi của các quy định trong dự luật sẽ tiếp tục không cao”, bà Nga nêu ý kiến đồng thời phản ánh thực trạng là những năm gần đây, có rất nhiều thông tư của các bộ khi ban hành đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận.

Nguyên nhân là do các bộ thường giao cho một bộ phận soạn thảo rồi chính bộ phận pháp chế của đơn vị đó lại thẩm định nên không đảm bảo tính độc lập. “Tôi đề nghị trong Dự thảo luật phải quy định giao cho Bộ Tư pháp thẩm định các dự thảo thông tư để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, bà Nga kiến nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng: “bây giờ ban hành quá nhiều văn bản, lộn xộn, chồng chéo khó thi thành, dân khó biết”. Ông Hùng đề nghị cần phải xây dựng các quy định để bảo đảm việc đánh giá tác động khi xây dựng luật, văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện nghiêm túc.

“Nói báo cáo đánh giá còn hình thức, tôi thấy rất đúng. Ông soạn thảo nói rất hay, luật nói hay nhưng khi thực hiện mới thấy nó rất dở. Phải quy định chặt chẽ để đảm bảo khả thi. Tổ chức lấy ý kiến, tổng hợp, tiếp thu ra sao? Tổ chức lấy 100 ý kiến mà về vẫn lấy ý kiến của mình là nhất để trình Quốc hội là không được”, Chủ tịch Quốc hội nói.

MỚI - NÓNG