Sóc Sơn - Hà Nội: Sống không nổi vì rác thải!

Sóc Sơn - Hà Nội: Sống không nổi vì rác thải!
Từ một bãi rác hoạt động trái quy định, người dân phải chịu sống chung với rác. Mùi hôi thối của rác thải, mùi bã sơn, mùi chất dung môi… khiến nhiều người... sống không nổi. 

Gần đây, báo Tiền Phong liên tục nhận được thông tin phản ánh của một số hộ dân ở thôn Đạc Đức, xã Phù Linh, (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), về việc Xí nghiệp Môi trường đô thị Sóc Sơn, thường xuyên vận chuyển các loại rác thải công nghiệp (CN), tập kết tại thôn đã gây ô nhiễm môi trường cho những hộ dân sống xung quanh.

Qua tiếp xúc với các hộ dân ở đây, nhiều người tỏ ra rất bức xúc trước việc làm của Xí nghiệp Môi trường đô thị Sóc Sơn (XN MTĐT). Họ cho biết, trước đây “bãi rác” Đạc Đức là nơi tập kết và xử lý rác thải của huyện, do XN MTĐT Sóc Sơn quản lý.

Khi thành phố xây dựng khu bãi rác Nam Sơn (bãi rác chung của Hà Nội), thì “bãi rác” Đạc Đức được phép ngừng hoạt động và chuyển thành vườn ươm cây xanh của XN MTĐT Sóc Sơn.

Thế nhưng lâu nay, xí nghiệp vẫn thường xuyên vận chuyển rác thải CN ở các nơi đem về đây tập kết. Từ Tết đến nay, hàng tuần đều có xe chở rác của xí nghiệp ra vào. Có hôm, có đến hai chuyến xe ôtô vào đây để đổ rác.

Điều đáng nói, các rác thải CN do xí nghiệp thu gom, trong đó có cả rác thải CN thuộc nhóm nguy hại, lại đổ một cách bừa bãi, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của những hộ dân xung quanh.

Ông Nguyễn Việt Hùng bức xúc nói: “Chúng tôi, những người sống quanh khu vực này, suốt ngày phải lãnh đủ mùi hôi thối của rác thải. Mùi bã sơn, mùi chất dung môi…, thật khó chịu, không ngửi nổi, nhức cả đầu. Lắm lúc chúng tôi phải vào trong nhà đóng kín cửa lại.

Những hôm làm vườn, làm đồng, cũng phải đeo khẩu trang, đi ủng, đi giầy, nếu không loét chân không chịu nổi. Bây giờ đã đỡ, chứ như năm ngoái mà ngồi đây thì ruồi, muỗi đầy nhà. Khó chịu nhất là những hôm gió Nam thổi sẽ lãnh đủ mùi hôi thối…”.

Nhiều lần gia đình ông và một số gia đình khác đã ra chặn không cho xe ôtô của xí nghiệp vào đổ rác. Xí nghiệp đã phải hứa sẽ có biện pháp xử lý để không có mùi hôi thối nữa. Thế nhưng, được một thời gian sự việc đâu lại vào đấy!

Trước tình hình đó, ngày 5/3/2005, các hộ dân sống xung quanh khu vực tập kết rác như hộ ông Thành, ông Hùng, ông Định, Tý, Thắng…, làm đơn khiếu kiện XN MTĐT Sóc Sơn đã đổ rác thải CN, gây ô nhiễm môi trường. Xí nghiệp đã cho người xuống thương lượng với các hộ dân khiếu kiện và thừa nhận là sai.

“Họ bảo với chúng tôi là không độc, chỉ bẩn và có mùi hôi thôi”- Một người dân kể. Tiếp đó tại hội nghị do UBND xã Phù Linh tổ chức, xí nghiệp đã cam kết với chính quyền và các hộ dân là sẽ xây bể bê tông cao lên, có mái che chắn tử tế và xin dân cho đổ hết năm 2005.

Trên thực tế, khi chúng tôi đến điều tra, “bãi rác” hơn 1 ha này chỉ có vài cây keo lá tràm được ươm, còn lại là rác thải CN. Tại đây mùi sơn, mùi của chất dung môi trong CN bốc lên nồng nặc, rất khó chịu.

Một khối lượng lớn chất rác thải CN đựng trong túi nilong, bao tải dứa được ném vào trong hai hố ximăng to, trên chỉ căng một tấm bạt xanh, mà không hề được che chắn bằng nhà mái che như cam kết của xí nghiệp.

Nguy hại hơn, tại đây một số rác thải CN theo quy định thuộc nhóm A (nhóm danh mục các chất thải CN nguy hại) như: bã sơn, đề can xe máy…, được vứt ngay ở hố nước.

Một số người dân sống ở xung quanh cho biết, có hôm xí nghiệp đem máy móc vào múc thành các hố sâu, sau đó “lấp” rác xuống. Họ cho rằng lý do mà Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn không xử lý rác thải CN ở bãi rác Nam Sơn là “vì ở đó mất tiền còn ở đây không mất xu nào”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, XN MTĐT Sóc Sơn hiện chưa có giấy phép về thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy chất thải CN nguy hại do Sở TN-MT&NĐ cấp.

Đó là chưa nói đến, việc XN MTĐT Sóc Sơn không tuân thủ đúng các điều kiện, trách nhiệm của chủ lưu giữ, xử lý chất thải CN theo như quyết định số 152, (ngày 27/9/2004), của UBND TP Hà Nội, ban hành “Quy định quản lý chất thải CN”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh-Phó giám đốc XN MTĐT Sóc Sơn cho biết: “Từ năm 2000, bãi rác Đạc Đức được chuyển sang vườn ươm cây, nhưng trong xử lý tình huống, xí nghiệp lấy làm nơi tập kết rác thải CN tạm thời tại đây. Khi đưa vào tập kết, lưu giữ tại đây, nó có khuếch tán vào không khí theo chiều gió nên gây một chút mùi hôi. Phải khẳng định việc này có ảnh hưởng ít nhiều…”.

Khi  được hỏi,  xí nghiệp có đủ giấy phép, và thực hiện đúng quy trình thu gom, lưu giữ, xử lý…, chất thải CN không? Ông Thanh cho rằng: “Quyết định mới ra, về khả năng chúng tôi đáp ứng được theo quy định đó của thành phố. Hiện chúng tôi đang xúc tiến để hoàn thành”.

Ông Thanh biện minh: "Hiện Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn có nhiều khó khăn về điều kiện khách quan, hơn nữa “trong thời kỳ đất nước ta đang kêu gọi đầu tư, nếu xử lý rác CN đúng như quy trình của Nam Sơn, thì thử hỏi có nhà đầu tư nào chịu nổi không?”.

Ông Phạm Trung Nguyên - Chủ tịch xã Phù Linh:

Sóc Sơn - Hà Nội: Sống không nổi vì rác thải! ảnh 1
Ông Phạm Trung Nguyên, Chủ tịch xã Phù Linh
“Nếu xác định được mức độ độc hại của rác thải, chúng tôi sẽ đình chỉ không cho đổ nữa”

Ông Nguyên cho biết, sau khi nhận được đơn kiến nghị của một số hộ dân ở thôn Đạc Đức, với nội dung phản ánh Xí nghiệp Môi trường đô thị Sóc Sơn vẫn đang tiếp tục đổ rác thải CN vào khu vườn ươm, UBND xã Phù Linh đã tổ chức một hội nghị mời các bên có liên quan. Bao gồm, Xí nghiệp Môi trường đô thị Sóc Sơn, các hộ dân có đơn thư kiến nghị, trưởng thôn. Tại hội nghị này, phía Xí nghiệp Môi trường đô thị Sóc Sơn đã thừa nhận việc họ tiếp tục đổ rác thải vào khu Đạc Đức là không đúng. Xí nghiệp chỉ sử dụng nơi này để tập kết rác thải rắn CN trong thời gian tạm thời, sau đó sẽ đưa lên Nam Sơn xử lý. Xí nghiệp xin được đổ rác thải CN đến hết năm 2005, vì họ đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển rác thải CN với các nhà máy, các khu CN hết năm nay rồi. “Họ hứa sẽ xây bể, che chắn, có biện pháp để chống thấm, chống mùi bay đi…, nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường đến người dân. Ngoài ra, xí nghiệp sẽ hỗ trợ giúp xã xây dựng nhà văn hóa cho thôn. Trước cam kết đó, người dân đã đồng ý cho phép xí nghiệp đổ rác đến hết năm nay. Việc xí nghiệp không thực hiện đúng cam kết để bảo đảm môi trường cho người dân là họ đã sai”-Ông Nguyên nói. “Do chưa xác định được mức độ độc hại của loại rác thải CN mà xí nghiệp đang đổ, cho nên xã đề nghị các cơ quan chức năng chuyên môn tiến hành kiểm tra mức độ độc hại của nó. Nếu xác định được mức độ độc hại của các loại rác thải CN này, chúng tôi sẽ kiên quyết đình chỉ không cho đổ nữa”.

MỚI - NÓNG