Sóc Trăng: Trả đất cho dân thiếu minh bạch

Sóc Trăng: Trả đất cho dân thiếu minh bạch
TP - UBND tỉnh Sóc Trăng trả 362,61 ha cho bà con ở xã Mỹ Phước, Mỹ Thuận (Mỹ Tú) bị mất đất nhưng việc triển khai thiếu minh bạch khiến người dân thắc mắc...
Sóc Trăng: Trả đất cho dân thiếu minh bạch ảnh 1
Bà Hà Thị Út chưa được trả đủ đất

Năm 1983, lâm trường Mỹ Phước (Mỹ Tú) đào kinh xáng nới rộng địa bàn làm cho hàng trăm hộ dân ở xung quanh mất đất. Năm 1994, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định trả 362,61 ha cho bà con ở xã Mỹ Phước, Mỹ Thuận (Mỹ Tú) bị mất đất nhưng việc triển khai thiếu minh bạch khiến người dân thắc mắc.

Không nhận được đất theo quyết định

Ngôi nhà lá của bà Hà Thị Út (Út Trong), 65 tuổi ở ấp Phước An A (Mỹ Phước) là nơi lui tới của những nông dân mất đất. Bà Út Trong bức xúc: “Danh sách niêm yết thì ấp Phước An A có 67 hộ được nhận lại 103,34 ha đất nhưng cán bộ ấp, xã bao chiếm làm thiếu của dân. Chỉ riêng ở tổ 3 có 8 hộ trắng tay, nhiều hộ không nhận đủ đất bị lâm trường lấy trước đó”.

Gia đình bà Út Trong bị mất 41,6 công, được xét trả 30 công nhưng chỉ nhận được 20 công. Hàng xóm với bà, anh Dương Quốc Việt, ở ấp Phước An A, bị mất 24,8 công nhưng chỉ được trả 4 công.

Gia đình anh Nguyễn Văn Rỡ, bộ đội phục viên và chị Huỳnh Thị Hồng Sương ở xã Mỹ Hương (Mỹ Tú) bị mất 23,4 công, được xét trả 18 công nhưng chưa nhận được một cục đất.

Anh Rỡ kể: “Vừa rồi, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mỹ Tú gọi tôi đến để trả 9,5 công bằng tiền mặt, trị giá 2 triệu đồng/công. Giá đất chuyển nhượng hiện tại hơn 1 cây vàng/công thì sao tôi mua được đất? Nông dân không đất thì làm sao sống? Tôi không chịu nhận tiền, họ nói chờ khi nào có đất sẽ giải quyết!”.

Bị mất đất, gia đình anh chị ở đậu mé sông, anh chạy xe ôm, chị làm cỏ mướn, 2 đứa con trai bỏ học đi làm thuê. Nhiều gia đình lâm vào cảnh tương tự.

Cán bộ ấp, xã chiếm đất

Theo quy định, việc trả đất cho dân, với hộ cần đất thì trả đất, với không cần đất thì trả tiền 120.000 đ/công. Bà Hà Thị Út cho biết, trong ấp Phước An A có nhiều gia đình cán bộ, người giàu vừa được nhận đủ tiền vừa bao chiếm đất rộng hơn.

Ông Nguyễn Minh Tới, Bí thư chi bộ ấp Phước An A chiếm 32 công. Bà con tố giác ông chiếm nhiều hơn diện tích đất bị mất. Cuối cùng ông bị cắt bớt 10 công, ông còn hơn 20 công. Khi chia tách một phần ấp Phước An A về xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú), ông Tới lèo lái một số cán bộ, người thân quen không có đất bị lâm trường Mỹ Phước bao chiếm để được nhận thêm đất.

Ông Trương Minh Tú là cán bộ ấp Phước An A, không có đất lọt vô diện tích Lâm trường Mỹ Phước cũng chiếm 30 công. Nay, ông Trương Minh Tú làm Trưởng ban nhân dân ấp Phước Bình.

Ông Võ Văn Suột - Trưởng ban giáo dục xã Mỹ Phước thời điểm năm 1994, chiếm 25 công. Ông Võ Văn Suột đã bán cho vợ chồng ông Võ Bé Ba 14,8 công vào năm 1999.

Mới đây, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú Huỳnh Tấn Nguyên đã ra quyết định thu hồi của ông Võ Bé Ba 7.200 m2 vì sang bán trái phép. Như thế cán bộ chiếm đất, sang bán thì không bị xử lý, còn ông Võ Bé Ba mua đất của cán bộ thì vừa mất vàng vừa mất đất.

Ông Phạm Minh Kết - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước, nói với PV Tiền phong: “UBND huyện đã ra quyết định thu hồi 30 trường hợp với 30,1 ha bao chiếm để trả cho 21 trường hợp. Hiện trong xã vẫn còn 12 hộ chưa được nhận hoặc chưa nhận đủ đất”.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.