Bí thư Đinh La Thăng:

Sớm khắc phục tình trạng nghiên cứu xong không ứng dụng được

Sớm khắc phục tình trạng nghiên cứu xong không ứng dụng được
TPO - Ngày 20/12, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã cùng lãnh đạo thành phố gặp gỡ 230 đại biểu là những trí thức hàng đầu thuộc tất cả các lĩnh vực, đại diện cho 1 triệu trí thức của thành phố.

TheoPGS.TS. Hồ Thanh Phong - Hiệu trưởng Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM), giới nghiên cứu từ trước đến nay thường “đề cao” tính khiêm tốn, nên ngại “khoe” các công trình, đề tài nghiên cứu của mình. Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều công trình khoa học chưa phát huy được tác dụng, khó tiếp cận được các nguồn kinh phí hỗ trợ, quảng bá.

Trong khi đó, PGS.TS. Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM - cho biết, hiện nay kinh phí dành cho đề tài nghiên cứu khoa học còn khá hạn hẹp, khó tiếp cận. Một đề tài mất khá nhiều thời gian, công đoạn mới có thể tiếp cận được các nguồn kinh phí.

Thế nhưng, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm lại cho rằng, nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học của thành phố khá dồi dào. Theo bà, vấn đề “khó” là nhà khoa học chưa có cách tiếp cận hợp lý. “Cứ mạnh dạn nghiên cứu và đề xuất đi, thành phố sẵn sàng mua toàn bộ đề tài của nhà khoa học và cả kết quả ứng dụng thực tiễn”, bà Tâm nói.

Kết luận tại cuộc gặp mặt trí thức, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng khẳng định, mọi tiến bộ của thành phố cũng như việc hình thành nên những giá trị tốt đẹp, đều in dấu ấn quan trọng, không thể thay thế của đội ngũ trí thức. “Dù được thu hút, tập hợp từ nhiều ngành, nhiều địa phương khác nhau nhưng đặc điểm và ưu điểm lớn nhất của đội ngũ trí thức TPHCM là tình yêu thành phố sâu sắc, là bản lĩnh, trí tuệ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, là tự trọng bản thân, là khát vọng, quyết tâm vì sự phát triển vươn lên của thành phố và đất nước”, ông Thăng nói.

Theo ông Thăng, có thể kể ra những cống hiến của đội ngũ trí thức thể hiện trong muôn hình, muôn vẻ những hoạt động trí tuệ. Đó là hàng ngàn công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội phong phú nhằm cung cấp luận cứ khoa học, các đề xuất, hiến kế cho lãnh đạo thành phố trong xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển…

Ông Thăng cũng nói lên niềm cảm kích sâu sắc với những đóng góp và sự thiện tâm mong cho đất nước hùng cường, mong cho thành phố tươi đẹp của các chuyên gia, trí thức Việt kiều đang làm việc, hợp tác với các Viện nghiên cứu, trường đại học, các trung tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật của thành phố.

“Tôi nhất trí là thành phố cần sớm cải tiến các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ một cách hiệu quả như cơ chế đồng đầu tư, cơ chế đặt hàng, mua sản phẩm trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cùng với đó là hệ thống chính sách khuyến khích hình thành các mô hình liên kết hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu phát triển, chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ, chuyên gia khoa học công nghệ v.v… Cần khắc phục sớm tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu xong nhưng không ứng dụng được, vì cả nguyên nhân cơ chế cũng như sự thiếu tính thực tế. Thành phố sẽ nghiêm túc xem xét đề nghị cần phải nhìn nhận các sản phẩm nghiên cứu dưới góc độ kinh tế thị trường, coi như một thứ hàng hóa đặc biệt, cũng như kiến nghị về việc còn nhiều thủ tục hành chính phức tạp, nhiêu khê trong việc tạo mối liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, thị trường, nhà nước làm nản lòng các nhà khoa học”, ông Thăng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG