Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Ban Kinh tế T.Ư:

Sớm phát hiện những vướng mắc, sai phạm

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: TTXVN.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Ảnh: TTXVN.
TP - Ngày 11/2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, làm việc với Ban Kinh tế Trung ương. Tiền Phong trân trọng trích đăng bài phát biểu của Tổng Bí thư tại cuộc làm việc.

“…Hôm nay, tôi muốn trao đổi, nhấn mạnh thêm một số vấn đề để Ban ta tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao trong năm 2017 và cả nhiệm kỳ khóa XII.

Một là, phải tập trung ưu tiên thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Sau 30 năm đổi mới, đến Đại hội XII, Đảng và Nhà nước ta đã hình thành được một hệ thống khá cơ bản và hoàn chỉnh các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách về đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để nước ta phát triển nhanh và bền vững đúng với tiềm năng, lợi thế của đất nước và mục tiêu, yêu cầu đề ra thì cần phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn nữa, hay như có người nói là phải đổi mới theo chiều sâu. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ những nội dung, vấn đề và định hướng tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển. Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã xác định rõ những đề án, báo cáo cần được triển khai xây dựng. Ban Kinh tế Trung ương cần bám sát, quán triệt thật sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII, nhất là hai Nghị quyết của Hội Nghị Trung ương 4 khóa XII nêu trên, nghiêm túc tổng kết lý luận và thực tiễn để có những đề xuất bổ sung, phát triển cần thiết, đúng đắn…

Hai là, cần chủ động, tích cực tham gia quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội. Là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế Trung ương phải phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động cụ thể trên lĩnh vực này…

Ba là, cần thường xuyên quan tâm đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, các quyết sách của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong phần Tổ chức thực hiện, các văn kiện của Đảng về kinh tế - xã hội thường quy định: Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết; định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thực tế thời gian qua cho thấy, các ban đảng nói chung, Ban Kinh tế Trung ương nói riêng mới chủ yếu tập trung sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà chưa thường xuyên giám sát, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là rất ít có báo cáo đột xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

…Hôm nay, tôi muốn nhấn mạnh thêm, các đồng chí cần chú ý sớm phát hiện những vướng mắc, sai phạm trong việc cụ thể hóa, thể chế hóa, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng để kịp thời trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, tìm biện pháp điều chỉnh, tháo gỡ hoặc xử lý, chứ không phải chờ 3 năm, 5 năm mới sơ kết, 10 năm mới tổng kết và có báo cáo. Ví dụ như trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xã hội hóa các dịch vụ công, khi phát hiện một số cảng biển, sân bay được công bố sẽ bán cho nước ngoài hoặc một số trường học, bệnh viện công lập được cổ phần hóa thì phải kịp thời nắm bắt, phân tích, đề xuất trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kịp thời có điều chỉnh cần thiết. Tôi có cảm giác là vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương chưa chú trọng đúng mức việc này, lơi lỏng nhiệm vụ này. Tôi đề nghị trong thời gian tới, Ban phải chú trọng nhiều hơn nữa việc hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm đường lối, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống một cách đúng đắn, có hiệu quả. Kịp thời phát hiện những thành tích, ưu điểm để tổng kết, phát huy; những vướng mắc để tháo gỡ, những khuyết điểm, sai phạm để uốn nắn, xử lý. Vừa qua, một loạt những doanh nghiệp, những cơ quan, đơn vị có vi phạm, làm ăn thua lỗ, nhiều dự án, công trình “đắp chiếu”, nhưng hầu như không thấy Ban Kinh tế Trung ương có ý kiến gì. Đây là do không phát hiện được hay phát hiện được mà không có dũng khí báo cáo, đề xuất xử lý?

Ban Kinh tế Trung ương cũng cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương để phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Trong quá trình thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra của mình, Ban có kiến thức và điều kiện để nắm bắt, phân tích các thông tin liên quan đến các vụ việc tham nhũng, lãng phí. Các đồng chí phải nhanh nhạy, sắc bén và kiên quyết hơn trong việc này, kịp thời báo cáo Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng về các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và đề xuất các giải pháp thanh tra, điều tra, ngăn ngừa và khắc phục, bảo đảm an ninh kinh tế.

Bốn là, để thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Ban Kinh tế Trung ương và cán bộ của Ban phải nắm rất chắc và quán triệt sâu sắc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Đảng được nêu trong Cương lĩnh, các nghị quyết đại hội Đảng; căn cứ vào Chương trình công tác toàn khóa và hằng năm của Trung ương Đảng; đồng thời thường xuyên bám sát thực tiễn, theo sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới để tổng kết, đề xuất những cái mới, sáng tạo…

-----------

Tít bài do Tiền Phong đặt

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.