Sống bên miệng tử thần vẫn không di dời

Nỗi lo triều cường xâm thực của người dân Hoài Hải. Ảnh: Hoài Văn.
Nỗi lo triều cường xâm thực của người dân Hoài Hải. Ảnh: Hoài Văn.
TP - Gần 300 hộ dân xã Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) tuy phải sống trong nơm nớp lo sợ bị biển “nuốt”, sông xâm thực, nhưng hầu hết chưa chịu di dời đến khu tái định cư (TĐC). Bởi theo họ, tiền hỗ trợ quá thấp, nơi ở mới cũng không đáp ứng đủ điều kiện an toàn.

Vừa ở vừa run

Nhiều hộ dân thuộc các thôn Kim Giao Bắc, Kim Giao Trung, Kim Giao Nam, Kim Giao Thiện, Diêu Quang (xã Hoài Hải) vẫn nơm nớp lo sợ bởi một bên là cửa biển An Dũ chực nuốt, một bên là sông Lại Giang sạt lở, xâm thực.

Bà Phùng Thị Sương (76 tuổi, thôn Kim Giao Bắc) sống cùng con trai mắc chứng tâm thần trong ngôi nhà sát biển. Nhiều lần triều cường “xông” vào tận nhà, cuốn trôi cả dãy nhà phía trước nên bà mất ăn mất ngủ. Thế nhưng, cán bộ xã đến vận động dời đến khu TĐC, nhưng vì tiền hỗ trợ ít ỏi nên khó thể dựng nhà mới. Theo bà Sương, nhà bà có hai mảnh đất (trên 200 m2) gần nhau, ngôi nhà bà đang ở được cất dựng cách đây 6 năm cũng mất gần cả trăm triệu đồng. Nếu hộ bà chịu di dời sẽ chỉ được nhận hỗ trợ 40 triệu đồng cùng 100m2 đất.

Tương tự là trường hợp hộ ông Trần Văn Tô và bà Võ Thị Năm. Theo ông Tô, tổng diện tích đất ở nhà ông là 320 m2, nếu đồng ý đi sẽ chỉ được nhận khoản hỗ trợ là 20 triệu đồng tiền xây dựng nhà cửa cùng 100m2 đất ở nơi ở mới. “Giá vật liệu tăng vùn vụt, 20 triệu đồng thì cất dựng nhà sao được?” - ông nói.

Hơn 40 năm sống ở thôn Kim Giao Bắc, ông Lê Ngọc Ninh (61 tuổi) cảm thấy lo lắng khi nạn biển, sông xâm thực ngày càng nặng nề, nguy hiểm. Trước đây ngôi nhà ông dựng cách sông cả mấy cây số, nay thì mấp mé, có đoạn chỉ còn cách nhà khoảng hơn chục mét.

“Nhiều ngôi nhà khang trang cũng bị cuốn đi hoặc phải đập bỏ dọn đi nơi khác do sạt lở. Hãi quá chúng tôi tự trồng cây, đổ đá để chặn bớt nạn sạt lở”, ông Ninh cho biết. Nhà ông Phan Đậm (60 tuổi) chỉ còn cách sông chừng 10m. Mỗi ngày lại thấy sông “tiến” sát, hàm ếch ăn sâu nên nhiều đêm mất ngủ.

“Trước kia còn một lớp nhà ở phía trước nữa nhưng rồi cũng bị phá hết, giờ thì cứ lui dần. Lo thì lo lắm nhưng chính sách chỉ hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để di dời thì lấy gì để dựng nhà ở nơi mới. Chúng tôi chỉ mong có cái bờ kè để đảm bảo an toàn, yên tâm mà làm ăn thôi”, ông Đậm lo lắng.

Tái định cư vẫn không yên tâm?

Theo ông Huỳnh Có - Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, nạn xâm thực cửa biển, sông diễn ra mạnh khoảng từ sau năm 2005, ảnh hưởng trực tiếp đến 265 hộ dân thuộc các thôn Kim Giao Bắc, Kim Giao Trung, Kim Giao Nam, Kim Giao Thiện, Diêu Quan. Năm 2006- 2007 biển xâm thực mất khoảng 3 lớp nhà. Mỗi năm biển xâm thực 5 - 10m. Hiện cán bộ xã đã vận động di dời được 107 hộ.

Năm 2006 có quyết định di dời lần đầu tiên, song chỉ có những gia đình có nhà bị sập hoặc ảnh hưởng nặng lắm mới chịu đi. Người dân ít muốn di dời do mức hỗ trợ quá thấp. Mức hỗ trợ áp dụng từ năm 2006 - 2010 trở về trước chỉ 2 triệu đồng/hộ; năm 2012 về trước 10 triệu đồng/hộ, hiện tại mức hỗ trợ là 20 triệu cùng 1 lô đất 100m2.

Trong khi đó, nơi ở mới cũng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, việc đi lại làm ăn đánh bắt bất tiện. Hệ thống ống cống thực hiện ở giai đoạn 1 chưa đảm bảo, thiếu nắp cống. Trong khi thói quen của người dân lại xả nước thải cá nhân gây ô nhiễm. Hệ thống nước sạch chưa có, người dân quanh năm phải sử dụng nước giếng nhưng nước ở đây bị nhiễm mặn, phèn.

“Đây cũng là điểm khó của địa phương. Xã cũng chỉ biết vận động di dời chứ cũng không thể có biện pháp nào khắc phục khả quan hơn” - ông Có nói. Ngoài ra, nơi ở mới nền đất mới còn yếu, chưa ổn định khiến dân lo ngại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Rèn (50 tuổi) dời đến nơi ở mới từ 7 năm nay. Bà kể, năm 2006 triều cường dâng cao, nhà cửa bị sập, đồ đạc trôi hết ra biển. Nhận 2 triệu đồng tiền hỗ trợ, cả nhà chuyển đến khu TĐC. Tích cóp, vay mượn rồi cũng cất dựng được ngôi nhà tương đối vững chắc. “Nhưng chỉ được một thời gian thì nhà bị nứt do đất nền yếu. Vết nứt không lớn lắm nhưng nếu để lâu dài cũng rất lo”.

Nhà chị Lê Thị Nương (35 tuổi) cũng tương tự. Nhiều vết nứt lớn, lan rộng trên tường khiến chị Nương lo lắng. “Nhà xây cách đây 4 năm, nhưng chỉ sau khi xây vài tháng là nứt hết. Bao nhiêu công sức tiền của vay nợ để cất dựng được cái nhà mà nứt kiểu này nó sập lúc nào không hay”, chị Nương thở dài.

Theo ông Có, dự án thiết kế làm bờ kè cho sông không thực hiện được do kinh phí quá lớn (dự kiến trên 10 tỷ đồng) cho 500m. Mùa mưa bão địa phương bị ảnh hưởng nặng nề, gió xoáy nguy hiểm, nhiều lớp nhà bị cuốn. Nếu muốn an toàn phải làm bờ kè chắn sóng khoảng 2km, nhưng cũng rất khó thực hiện được.

MỚI - NÓNG