Công bố tập thư tình của một liệt sĩ tuổi 20 được giải thưởng HCM:

Sống để yêu thương và dâng hiến

Sống để yêu thương và dâng hiến
“Sống để yêu thương và dâng hiến” là cuốn sách tập hợp những bức thư tình của liệt sĩ Hoàng Kim Giao, người có công lớn trong việc rà phá bom từ trường và hy sinh khi mới 27 tuổi...
Sống để yêu thương và dâng hiến ảnh 1

Cũng như Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm...Hoàng Kim Giao thuộc thế hệ lên đường đánh Mỹ “mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Mới ngoài đôi mươi, chàng trai đất Cảng này đã có 3 bằng đại học, thông thạo ít nhất 2 ngoại ngữ, được đào tạo về vật lý hạt nhân. Nhà khoa học – chiến sĩ  ấy đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng HCM đợt I.

Kể từ số báo này, Tiền Phong xin trân trọng giới thiệu cuộc đời và những lá thư đầy xúc cảm của một con người, tựa một nốt nhạc trầm hùng, tráng lệ trong bản đại anh hùng ca của dân tộc mà nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét đã “thể hiện giá trị đích thực của lẽ sống tuổi trẻ VN”

Bức tranh sơn mài có nền vàng treo trang trọng giữa phòng khách dường như làm ngôi nhà của cô giáo Hoàng Liên Thái trong một ngõ nhỏ sâu hút ở quận Lê Chân thành phố Hải Phòng dường như sáng và ấm áp hơn lên.

Trên nền vàng của bức tranh in chân dung một chàng trai có gương mặt thanh tú, bên cạnh ghi dòng chữ: “Viện Kỹ thuật quân sự 1-  Bộ Quốc phòng tặng đồng chí Hoàng Kim Giao có đóng góp giải pháp khoa học công nghệ vào công trình “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông1967 -1972”, đã được trao giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I”. 

Những dòng chữ ngắn ngủi ấy dĩ nhiên chưa thể nói hết về một nhà khoa học  đã mãi mãi ra đi ở tuổi 27, nhưng cho đến hôm nay cuộc đời anh vẫn khiến người ta sững sờ xúc động bởi vẻ đẹp của nó.

Sống để yêu thương và dâng hiến ảnh 2
Gia đình ông Phạm Văn Cư năm nào cũng thờ cúng ân nhân của mình

Có cái gì đó run rẩy trong giọng nói của cô giáo Hoàng Liên Thái khi chị lần giở ký ức  về anh trai mình – liệt sỹ Hoàng Kim Giao người anh trai đã hy sinh gần 40 năm...

Sinh năm 1941, tuổi Tân Tỵ, tuổi trẻ của Hoàng Kim Giao gần như sống xa gia đình theo học nhiều trường khác nhau.  Học trường thiếu sinh quân ở Quế Lâm- Trung Quốc trong 7 năm (1952 - 1959), sau đó học chuyên ngành Vật lý Hạt nhân ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, đồng thời là Học viên Trường sỹ quan Kỹ thuật của quân đội.

“Thông minh vốn sẵn tính trời” lại chịu khó, say mê học tập, nên mới 26 tuổi, anh đã có 3 bằng đại học.  Sau đó, Giao được điều về công tác tại Cục Nghiên cứu Kỹ thuật, thuộc Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng (nay là Phân viện Điện tử – Viễn thông, thuộc Viện kỹ thuật quân sự – Bộ Quốc phòng). 

Trong thời gian này, anh tranh thủ học thêm chuyên ngành vô tuyến điện ở Đại học Bách khoa, Hà Nội và còn tự học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha.

Mỗi lần anh Giao về thăm nhà lại bế cô em Hoàng Liên Thái lúc đó còn bé xíu, hôn những cái rất kêu ở bên má, rồi những lời khuyên răn. Anh Giao còn trẻ nhưng có những suy nghĩ khiến bố mẹ cũng phải “giật mình”. Thấy mẹ cho các em mỗi đứa một chiếc hộp nhỏ để đựng tiền tiết kiệm, anh phản đối việc này vì cho rằng như thế sẽ tạo cho các em tính tư hữu ngay từ nhỏ.

Bản thân anh, những lần về phép, tự mình lục hết các túi, có bao nhiêu tiền đưa hết cho mẹ, để rồi sau đó, trước khi đi anh lại xin. Với việc làm tưởng như thừa ấy, anh muốn nhắc nhở các em đừng tiếp xúc với đồng tiền quá sớm.

Những suy nghĩ sâu sắc có phần khác lạ của anh có lẽ được thừa hưởng người bố – ông Hoàng Văn Luận,  từng là Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng.

Sau đó, ông chuyển sang lĩnh vực kinh tế, giữ chức Bí thư Đảng ủy nhà máy cơ khí Duyên hải. ít ai biết rằng ông Luận chính là tác giả của phong trào thi đua sản xuất nổi tiếng một thời, góp nên câu: “Gió Đại phong, sóng Duyên hải, cờ Ba nhất”.

Không đi nước ngoài du học, ra chiến trường phá bom

Công tác tại Cục Nghiên cứu kỹ thuật được một thời gian, Hoàng Kim Giao chuẩn bị được cử sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Nhưng lúc đó đúng vào thời điểm không quân Mỹ bắn phá ác liệt miền Bắc nước ta. Các đường giao thông huyết mạch phải hứng chịu hàng tấn bom đạn, trong đó có những loại vũ khí rất hiện đại như bom từ trường, thủy lôi nổ chậm...

Hoàng Kim Giao tình nguyện ở lại tham gia cùng nhóm kỹ sư của Cục Nghiên cứu kỹ thuật, tìm giải pháp công nghệ cho công trình “Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường đảm bảo giao thông 1967 -1972”. 

Đây là một công trình khoa học do Bộ Quốc phòng chủ trì, mang tính sống còn đối với ngành giao thông vận tải lúc bấy giờ  nên được giữ tuyệt đối bí mật, mỗi nhóm nghiên cứu chỉ được biết riêng nhiệm vụ của mình. Công trình này có sự tham gia của các nhà khoa học nổi tiếng như Đàm Trung Đồn, Trịnh Đông A. 

Giao đã nghiên cứu công trình khoa học quan trọng này bằng tất cả sự đam mê. Có lần được cử về huyện Thuỷ Nguyên gần nhà để sửa chữa dàn ra đa của một đơn vị tên lửa.

Giấy công tác cho phép 7 ngày, nhưng chỉ cần 2 ngày Giao đã sửa xong. Anh có quyền dùng 5 ngày còn lại để ở lại thăm nhà, một niềm khao khát bấy lâu. Nhưng chàng trai ấy đã vội vàng về đơn vị vì “nhiều công việc đang chờ con”. 

Công việc nghiên cứu bom từ trường không chỉ và không thể diễn ra trong phòng thí nghiệm, nó cần thực tiễn trên các tuyến đường đang đầy máu lửa. Hoàng Kim Giao đã xung phong ngay vào đoàn công tác đặc biệt vào chiến trường liên khu IV để  đối mặt với những quả bom từ trường tối tân nhất của Mỹ ném xuống.

Mặt khác đoàn sẽ huấn luyện cho bộ đội và thanh niên xung phong cách phá bom từ trường nổ chậm. Thiếu úy Hoàng Kim Giao được cử làm Trưởng đoàn, hạ sỹ Lưu Tuấn Kiệt  phó đoàn, còn lại là các chiến sỹ Cư, Tước, Thái, Tín.

Khi đoàn đến Hà Tĩnh, địch thả bom chặn đường giao thông, 500 chiếc xe bị ách lại. Vì am hiểu kỹ thuật, anh Giao  đã một mình lên mặt đường phá bom. Lúc đó, máy bay địch lại ào đến dội bom, anh đã di chuyển từ hố bom này sang hố bom khác.

Bị sức ép nhiều lần, nhưng không hề sợ hãi, nhà khoa học trẻ này tiếp tục công việc của mình. Đêm đến, lợi dụng ánh trăng, Hoàng Kim Giao cùng anh em phá bom đến 3 giờ sáng để thông đường cho đoàn xe đi an toàn. 

Có lần, địch thả bom trên sông,  anh đã nhảy xuống dòng nước đầy nguy hiểm đó để vô hiệu hoá quả bom trước sự kinh ngạc rồi khâm phục của mọi người.

Anh đã viết cho em gái những dòng như thế này: “Chiến tranh sẽ ngày càng khốc liệt vì “Càng về sáng trời càng lạnh”, nhưng dù trong trường hợp nào anh cũng sẽ vì nguồn vui, vì hạnh phúc của mọi gia đình chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.

Cuối tháng 12/1968, đoàn của Hoàng Kim Giao được lệnh của cấp trên gọi về ra Hà Nội báo cáo kết quả chuyến công tác. Ngày 30/12, tới địa phận xã Nam Hưng (Nam Đàn, Nghệ An), chứng kiến người dân ở đây đang cần phá một số bom làm cản trở sản xuất, Giao quyết định  cho đoàn dừng lại...

Đã đối mặt với không biết bao nhiêu loại bom, nhưng chưa lần nào anh gặp một trường hợp như thế: Quả bom cắm dọc, nửa dưới đất, nửa trên mặt đường, dù đã ba lần nhân dân dùng bộc phá để phá, nhưng bom vẫn nằm im. Lần thứ tư, anh phá bom theo phương pháp mới, bom vẫn không nổ...Đêm trước hôm phá bom, dường như có linh tính mách bảo, Hoàng Kim Giao thức nói chuyện suốt đêm với chiến sỹ Lương Ngọc Tước.

Anh nói về tình yêu, hạnh phúc gia đình, dự định tương lai...Anh bảo: “Hồi chiều, đi khảo sát địa hình, chuẩn bị cho trận đánh ngày mai, cả nhóm phát hiện ra rất nhiều hài cốt bên cạnh một hố bom. Chắc bom Mỹ ném trúng mộ của các liệt sỹ thanh niên xung phong? Không hiểu sao mình thấy rờn rợn và linh cảm một điều gì đó không bình thường vào ngày mai...”.

Sống để yêu thương và dâng hiến ảnh 3
Tang lễ của liệt sĩ Hoàng Kim Giao

“Anh  ấy đã chết thay cho tôi”

Hôm ấy đúng ca của chiến sỹ Phạm Văn Cư phá quả bom lạ. Nhưng với vẻ mặt xúc động khác thường, Hoàng Kim Giao đã nói với Cư : “Vợ cậu vừa sinh con trai, cậu xuống đi để cho con còn được nhìn mặt bố”.

Mới đầu Phạm Văn Cư nhất quyết không chịu, nhưng cuối cùng anh đành  rời vị trí khi nhìn vào nét mặt của người chỉ huy. 

Hôm đó, chiến sỹ Lương Trung Tín mới qua tuổi 18, lái xe của đoàn cũng xung phong phá quả bom MK 42 chứa 300 kg thuốc nổ. Sau khi trực tiếp đào hố, làm lộ quả bom xong, anh Giao ra hiệu cho Tín mang quả bộc phá vào. 

Một chớp lửa loé lên, tiếp theo là tiếng nổ rung chuyển núi đồi.  Khi đồng đội đến, chỉ thấy trước mắt chiếc hố rộng, sâu hoắm. Cả một trung đội dân quân vạch từng bụi sim mua, bới từ nắm đất nhưng cũng chỉ thu gom được một phần nhỏ thi thể của hai anh và không thể phân biệt được đâu là Hoàng Kim Giao, đâu là Lương Trung Tín. 

Đám tang diễn ra vào khoảng 2 giờ sáng, tất cả mọi người đều khóc. Và cho đến hôm nay có một người đồng đội vẫn thắp hương, cúng lễ cho anh Hoàng Kim Giao trong những ngày giỗ Tết. Người đó là cựu chiến binh Phạm Văn Cư, với lời giải thích chẳng thể khác hơn: “Anh Giao đã chết thay cho tôi”.

Hôm đó, 3 chị em Hoàng Liên Thái đang sơ tán ở huyện Kiến An – Hải Phòng. Bố mẹ họ bỗng bất ngờ đến thăm con, mang theo nhiều quà, nhưng hầu như chỉ im lặng, song đôi mắt tràn ngập nỗi đau.

Khi bố mẹ ra về, cô trông trẻ bảo: "Các cháu phải ngoan đừng làm bố mẹ buồn. Anh các cháu vừa hi sinh”. Ba đứa trẻ sau đó đã đi bộ một mạch từ Kiến An về thành phố Hải Phòng. Về đến nhà, bố mẹ và các con vừa nhìn thấy nhau đã oà khóc.

Gần 40 năm sau tiếng nổ định mệnh ấy, tĩnh tâm lần giở lại những bức thư  của liệt sỹ Hoàng Kim Giao, cô giáo Hoàng Liên Thái vẫn không khỏi xúc động, bàng hoàng trước vẻ đẹp nội tâm toát ra từ những con chữ đã úa màu... Tập thư không đơn giản là những con chữ mà là những trang đời của một con người đầy quả cảm và tình yêu thương.

Và cũng trên bước đường tìm mộ anh trai ở Nam Trung, Nam Đàn, cô giáo Hoàng Liên Thái cùng người nhà tình cờ phát hiện liệt sỹ Hoàng Kim Giao đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh mà gia đình nhà khoa học trẻ này lại không hề hay biết. Tập thư và giải thưởng Hồ Chí Minh của liệt sỹ Hoàng Kim Giao là  cả một câu chuyện nghe như tiểu thuyết...

Trong đó chỉ riêng những bức thư tình  anh viết cho người bạn gái, sau này trở thành người vợ yêu dấu ở hậu phương thôi cũng đủ để “đất bằng dậy sóng” và có lẽ ngay cả những ai lạnh lùng nhất cũng sẽ rưng rưng. Chuyện tình của liệt sỹ Hoàng Kim Giao và những bức thư tình đầy xúc cảm và lấp lánh vẻ đẹp tâm hồn đó, Tiền Phong xin được giới thiệu trong các số báo tiếp theo.   P.N

Kỳ II:  Tình sử bằng thư và hành trình đi tìm mộ liệt sỹ Hoàng Kim Giao.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".