Sống khổ sở, bất an trong biệt thự cổ

Thực trạng xuống cấp ở biệt thự cổ số 1 Nguyễn Biểu (Hà Nội)
Thực trạng xuống cấp ở biệt thự cổ số 1 Nguyễn Biểu (Hà Nội)
TP - Hàng trăm ngôi biệt thự kiểu kiến trúc Pháp cổ có tuổi đời cả trăm năm nhưng hầu như không được sửa chữa, cải tạo với hàng ngàn người dân vẫn phải sống trong cảnh xập xệ, khổ sở và bất an.

Nhà cổ xập xệ vẫn bám trụ

Ghi nhận của phóng viên hầu hết các khu nhà cổ, biệt thự cổ kiến trúc Pháp tập trung tại khu vực các đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng… (quận Hoàn Kiếm). Trong đó, nhiều khu nhà lộ rõ sự xuống cấp nhưng vẫn được tận dụng hết công năng. Biệt thự cổ 2 tầng số 87 Lý Thường Kiệt với diện tích 350m2 được chủ nhân cải tạo phần mặt trước để xây dựng nhà hàng “Làng tôi” với phong cách hiện đại, bắt mắt. Tuy nhiên, khi đi vào mặt sau, là tường gạch bong tróc, hệ thống dây điện, dây cáp mạng…nối chằng chịt. Hai bên toà nhà được người dân tận dụng làm chỗ để xe, gửi xe, phơi đồ, bán hàng nước và kinh doanh nhỏ. Mật độ người qua lại và sinh hoạt tại khu vực này khá đông nên không gian chật chội và nhếch nhác.

Tương tự, khu nhà cổ kiến trúc Pháp số 90B Trần Hưng Đạo cũng có hàng chục hộ dân sinh sống, mỗi hộ diện tích khoảng vài chục mét vuông. Tầng 1 mặt trước tòa nhà được cải tạo thành cửa hàng bán đồ thể thao trong khi các tầng trên và các nhà phía sau vẫn giữ nguyên kết cấu cũ. Bên cạnh đó, toà nhà số 90 Trần Hưng Đạo, anh Trung một người dân sinh sống ở đây cho biết, bản thân cũng không nắm được toà nhà được xây dựng từ năm nào. “Nhà tôi vẫn chắc chắn, nhưng gia đình 7 người sống trong diện tích 80m2 bao gồm cả ban công nên chật chội, bất tiện. Hơn nữa, toà nhà người Pháp xây cách đây một đoạn mới bị sập nên tôi cũng lo lắng. Gia đình cũng muốn bán căn hộ này đi để mua chung cư ở song khó bán vì giá cao”, anh Trung chia sẻ.

“Cha chung không ai khóc”

Trưa 23/9, nhóm phóng viên có mặt tại ngõ 57B Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm), ông Việt (67 tuổi) đang cặm cụi đóng từng tấm ván để che chắn cho những ngày mưa bão. Ông Việt ở đây hơn 60 năm, cho hay, khu biệt thự Pháp cổ này được xây dựng từ năm 1905, diện tích 2.100 m2, ngoài căn biệt thự diện tích 200m2, còn lại là sân vườn. Tuy nhiên, hiện nay, có tới 33 hộ sinh sống. Tất cả khu sân vườn đều thành nhà bê tông cao tầng. “Chỉ khổ 12 hộ dân sống trong căn biệt thự Pháp cổ. Nhà hơn 100 năm, đã xuống cấp trầm trọng, nhưng sửa không được, chỉ được chắp vá rồi sống tạm cho qua ngày. Ngôi nhà thì ngày càng xập xệ nhưng vẫn phải sống trong cảnh cha chung không ai khóc”, ông Việt nói.

Bà Thảo, Tổ phó Tổ dân phố cho biết, gia đình 2 vợ chồng già sống trong diện tích nhỏ hẹp chỉ 9 m2. “Mang tiếng sống giữa Thủ đô mà ngày nào cũng lo mưa dột, cũng lo sập mái”, bà Thảo than thở. Chỉ vào tấm sàn gỗ đầy vết chắp vá, bà cho biết, dù sàn đã mục hết, gia đình bà muốn lát bê tông cho an toàn nhưng không làm được vì còn nhà dưới. Sát vách với nhà bà Thảo là nhà bà Tứ, có diện tích lớn hơn một chút nhưng gia đình bà Tứ cũng sống trong tình trạng sợ hãi quanh năm. Mở cửa căn bếp chưa đến 1m2, đập vào mắt chúng tôi là vết nứt của cột trụ nhà. Bà Tứ cho biết, vết nứt này càng ngày càng rộng ra, phần trên cột thì ngày càng nghiêng về một phía. “Mong cơ quan chức năng cho chúng tôi một giải pháp để sửa chữa cải tạo, chứ mang tiếng sống ở biệt thự nhưng khổ sở và bất an lắm ”, bà Tứ nói.

Ông Chu Trọng Xa, Chủ tịch UBND phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm) cho biết, đến thời điểm này, phường vẫn chưa nhận được phân loại biệt thự, nên vẫn chưa cấp phép hoạt động tu sửa gì đối với các công trình trên địa bàn.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trương Đình Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện nay có 181 công trình biệt thự Pháp cổ thuộc nhóm 2 trên tổng số hơn 380 công trình biệt thự Pháp cổ nhóm 2 của Hà Nội. “Ngôi biệt thự số 107 Trần Hưng Đạo vừa bị sập cũng là dạng công trình biệt thự Pháp cổ thuộc nhóm 2 (được xếp ở mức có giá trị đáng chú ý-PV). Dù nói các biệt thự dạng này nếu bị xuống cấp sẽ được phép cải tạo sửa chữa, thậm chí được xây dựng lại như cũ, nhưng việc này để thực hiện được không phải dễ”, vị cán bộ này nói.  

Tháng 7/2013, HĐND thành phố Hà Nội ra nghị quyết, trong đó nêu rõ biện pháp thực hiện việc cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, đối với các nhà cổ, nhà biệt thự cũ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp, nằm trong danh mục nhà nguy hiểm, thành phố lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tổ chức xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì theo quy định. Hiện trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.100 nhà chung cư cao 4 - 6 tầng. Đặc biệt có 10 khu nhà cũ (1 - 3 tầng) và 460 chung cư cũ nát có tuổi trên 30 năm.

* Theo kiến trúc sư Mai Lê Minh, chuyên viên trung tâm bảo tồn di tích- Sở Văn hóa thể thao TPHCM, hiện nay tại TPHCM còn khoảng hơn 1.000 căn biệt thự, nhà cổ từ thời Pháp. Hiện tại UBND TPHCM đang lập dự án nghiên cứu về những căn biệt thự này để có phương án sửa chữa, khắc phục.  

MỚI - NÓNG