Sống lại đêm hội đại ngàn

Lễ hội bên nhà Rông Tây Nguyên
Lễ hội bên nhà Rông Tây Nguyên
TP - Khi những tia nắng cuối ngày dần tắt trên đỉnh núi thiêng Nâm Nung cũng là lúc bà con dân tộc bản địa M’nông Preh xúng xính trong sắc màu thổ cẩm, tề tựu về nhà văn hóa cộng đồng buôn Ja Rah vui hội Tăm Blang M'prang Bon. Trong sương đêm lạnh giá, họ quẳng gánh âu lo, thả hồn theo nhịp cồng chiêng, ngất ngây bên ché rượu cùng điệu dân ca da diết vang vọng khắp núi rừng.

Ðộc đáo Tăm Blang M'prang Bon

Để chuẩn bị cho lễ hội này, bà con buôn Ja Rah (xã Nam Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông) đã lên kế hoạch, phân công mỗi người một việc. Đàn ông đảm nhận khâu lễ vật; phụ nữ lo chuyện bếp núc, chế biến món ăn... Trưởng buôn Y Xuyên giải nghĩa: “Tăm Blang M'prang Bon” là lễ hội trồng cây rào bon xuất phát từ truyền thuyết xa xưa của tộc người M’nông Preh. Thuở xưa có bộ tộc tên là Lao Bô (ma rừng) chuyên ăn thịt người. Chúng hay vào buôn làng quấy phá, bắt người nhất là phụ nữ và trẻ em khiến dân làng khiếp sợ chạy vào rừng ẩn trốn. Con ma rừng không sợ bất cứ thứ gì nhưng khi nhìn thấy loại cây có lớp vỏ sần sùi màu đỏ thẫm có nhiều gai nhọn (người Tây Nguyên gọi là cây Blang, Pơ-lang; người miền Bắc gọi là cây gạo) thì lập tức biến mất. Từ đó, người M’nông tin rằng Blang là cây thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh sẵn sàng bảo vệ, che chở dân làng. Và cứ 3 - 5 năm một lần, người dân lại tổ chức lễ hội trồng cây ngăn ma rừng xâm nhập phá hoại buôn làng.

Cây được chọn trồng là Blang có sức sống mãnh liệt, dẫu nắng cháy da hay mưa lạnh thấu buốt vẫn sừng sững tỏa hương hoa cho đời. Blang không chỉ là cây thiêng bảo vệ buôn làng mà còn là biểu tượng cho ý chí vươn lên cùng tấm lòng thành thẳng và ước muốn được trường tồn, sống lâu, bất khuất kiên trung của cộng đồng người M’nông trong mọi hoàn cảnh. Do đó trong tất cả các lễ hội của đồng bào M’nông luôn lấy cây Blang làm cột lễ.

Sống lại đêm hội đại ngàn ảnh 1 Cây Blang được trồng trước cổng nhà văn hóa cộng đồng buôn Ja Rah

Thông thường lễ “Tăm Blang M'prang Bon” được tổ chức vào mùa khô, khi vụ mùa thu hoạch xong, người dân đóng góp ít lễ vật dâng Yàng (thần linh). Sáng sớm trước ngày diễn ra lễ, các già làng, nghệ nhân tham gia lễ hội sẽ làm lễ cúng ở nhà xin phép thần linh cho dựng cây nêu đồng thời báo cáo ông bà tổ tiên biết trong bon làng sắp tổ chức lễ hội. Buổi chiều, già làng cùng thanh niên trong buôn dựng hàng rào, trồng cây Blang trước nhà văn hóa cộng đồng. Trồng xong, già làng làm lễ cúng gồm  1 ché rượu cần, một cành cây Blang, 1 con gà, 1 chén cơm trắng, 3 quả cà, gạo, ớt xanh, ống đựng rượu cần đèn sáp ong và than quấn bông gòn (bông của cây Blang). Tối đến, dân làng tập trung đầy đủ thì lễ “Tăm Blang M'prang Bon” mới chính thức bắt đầu. Già làng tiếp tục cúng lễ trước cây nêu cao to đặt giữa nhà văn hóa cộng đồng buôn. Cây nêu cao từ gần 5 m, chia làm ba tầng: Tầng trên cùng được gắn hai “dếp lếp” (chùm lồ ô) gắn nơi đầu các nhánh cây trên ngọn nêu, bên dưới là một mô hình tròn được làm bằng quả bầu, tượng trưng cho đất, xung quanh quả bầu có gắn bông gòn trắng tượng trưng cho nước. Bốn góc của tầng này có những chùm tua lồ ô, tượng trưng cho những bông lúa trĩu hạt. Tầng giữa là tầng cho các vị thần linh về trú ngụ, được làm bằng tấm đan bằng lồ ô, bốn góc được gắn những con vật đan bằng tre nứa như: Dê, trâu, chim, gà…

Tầng dưới cùng của cây nêu là nơi có cái sạp được làm rất kiên cố. Đây là nơi làm lễ của người đại diện buôn làng có uy tín, hiểu biết nhiều. Giữa đất trời, già làng Ama Xênh khấn bằng tiếng M’nông với nội dung: Hỡi các thần linh, ngày hôm nay tại nơi này, chúng con xin các thần linh hãy chứng giám cho lễ rào bon trồng cây Blang. Chúng con trồng cây Blang này xin các thần linh hãy phù hộ cho cây tươi tốt để bảo vệ buôn làng, bảo vệ chúng sinh không bệnh tật, ốm đau... Lời khấn vừa dứt, nhịp chiêng vang lên rộn rã, già Ama Xênh tiến hành nghi thức châm đuốc vào đống củi gọi Thần lửa về.

Ðắm say “bữa tiệc” âm nhạc

Ngọn lửa thiêng được thắp lên, đêm hội kết nối cộng đồng bắt đầu. Buôn làng dần dần đắm mình trong “bữa tiệc” âm nhạc đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên. Bản hòa tấu cồng chiêng “Buôn làng sum họp” như lời mời gọi dân làng nhanh chóng nhập hội. Các Ama, Amí ngày thường lam lũ nương rẫy nay hội về họ trở thành những nghệ nhân điệu nghệ. Thân hình rám nắng, đôi bàn tay thô gầy của các Amí cũng hóa thành mềm mại, uyển chuyển theo điệu múa. Amí Hinh tâm sự: Lâu lắm rồi mới được một hôm vui như thế này. Trước đây, buôn Ja Rah hay tổ chức nhiều lễ hội như lễ cầu mùa, cúng sức khỏe, cúng nhà mới, cúng thần rừng... Mỗi lễ hội như vậy thường tổ chức từ 2-3 ngày. Bà con buôn làng có nhiều cơ hội tụ tập tại nhà cộng đồng cùng nấu ăn, vui chơi thâu đêm. Nhưng vài năm trở lại đây, buôn làng ít khi tổ chức hội khiến bà con trong buôn nhớ tiếng chiêng, tiếng cồng da diết. Nay được nghe lại âm thanh của núi rừng, Amí Hinh rất vui và quyết say hết đêm.

Sống lại đêm hội đại ngàn ảnh 2 Người dân thưởng thức đêm hội bên ánh lửa bập bùng

 Vừa thưởng thức cồng chiêng, người dân thay nhau vít rượu cần, ăn món cơm lam, thịt heo, gà nướng thơm ngon theo kiểu đồng bào. Men rượu vào càng làm cho họ quên đi sự e thẹn ban đầu và thăng hoa hơn qua các làn điệu dân ca sâu lắng. Hết dân ca, chị em M’nông lại trổ tài thổi M’buôt - một loại nhạc cụ được làm từ ống tre nhỏ. Âm thanh M’buôt khi trầm thiêng như sấm, lúc róc rách như suối nguồn, khi buông lơi như giọt nắng cuối ngày... khiến người nghe miên man. Chị H’ Bơr (nghệ nhân thổi M’buôt) chia sẻ, biết chơi gần hết loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Mỗi nhạc cụ có cái khó nhất định, như muốn thổi được M’buôt phải biết cách lấy - nhả hơi điều độ mới tạo ra âm thanh. Để làm chủ được loại nhạc cụ bằng tre này, chị H’ Bơr phải mất cả tháng trời. Ngoài chơi nhạc cụ chị còn thuộc nhiều làn điệu dân ca M’nông. Mỗi khi lên rẫy hay gặp chuyện không vui, chị lại hát nghêu ngao như một cách để “xốc” lại tinh thần, cân bằng cuộc sống.

Trong bữa tiệc âm nhạc Tây Nguyên còn có sự xuất hiện của đồng bào Thái sống ở làng bên. Họ đem đến tiết mục Khua Luống - một loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng của dân tộc mình. Dụng cụ diễn khá đơn giản gồm loóng giã gạo và “co xạc” (tức cái chày giã gạo). Người khua luống chia thành các cặp, trong đó cử ra một người làm cái, một người gõ nhịp và các cặp còn lại dùng những chiếc gậy gỗ gõ vào thành của một cây gỗ đã rỗng ruột, theo nhịp phách do người làm cái gõ, tạo thành một loại âm thanh vừa rộn ràng, chắc gọn lại mộc mạc và giản dị. Màn Khua Luống còn thêm hấp dẫn sinh động khi kết hợp với trống, chiêng. Đêm về khuya, Nâm Nung càng trở lạnh, gió rào rạt, sương đêm len lỏi vào từng kẽ lá song đêm hội càng thêm tưng bừng. Những chàng trai cô gái da nâu mắt sáng tay siết chặt tay, vòng xoang mở rộng nhún nhảy theo nhịp chiêng ngân…

Sương lạnh đã có ánh lửa trại bập bùng, tâm hồn cô đơn đã có đôi tay đoàn kết siết chặt. Ðêm nay, người dân buôn Ja Rah sẽ được sống lại những ký ức đẹp về những đêm hội lung linh đậm chất núi rừng Tây Nguyên. Họ sẽ trút bỏ đi hết lo âu phiền muộn của cuộc sống để hòa mình vào thiên nhiên, đất trời.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.