'Sóng ngầm' ở Bến xe Miền Đông

'Sóng ngầm' ở Bến xe Miền Đông
TP - Trong khi các Cty, hợp tác xã kinh doanh vận tải ở Bình Phước  gặp khó vì suy thoái kinh tế, thì gần đây lại đối mặt với một số bi hài do một số cấp lãnh đạo ở địa phương ngầm ưu ái cho doanh nghiệp đại gia, can thiệp làm méo mó môi trường kinh doanh.

Cty TNHH Thành Công (gọi tắt là Cty Thành Công) bắt đầu hoạt động đưa đón hành khách tuyến Bến xe Phước Long (Bình Phước) - Bến xe Miền Đông (TPHCM) từ tháng 9/2007.

Theo phương án hoạt động đăng ký với cơ quan chức năng, Cty Thành Công đưa hai xe khách (biển số 93H - 4840 và 93H - 4253) vào đưa đón hành khách và được chấp thuận.

Công văn (số 18 ngày 30/5/2008) của Phòng Công Thương gửi Sở GTVT tỉnh Bình Phước xác định phương án nói trên là phương án ma vì xe mà Cty Thành Công đăng ký là của xã viên HTX vận tải Phước Long đang quản lý, điều hành. Ngoài ra, khi đưa xe mới vào phương án, Cty Thành Công cũng không trình Sở GTVT.

Phòng Công Thương thừa nhận thiếu trách nhiệm, không xác minh cụ thể, chính xác phương án hoạt động nói trên nên đã bị Cty Thành Công qua mặt. Thế nhưng, hành vi gian lận của Cty Thành Công vẫn không bị xử lý.

Tháng 10/2007, Cty Thành Công trình phương án mới và đăng ký hai xe khác. Theo công văn số 32 của HTX Phước Long và xác nhận của chủ nhiệm HTX vận tải Bình Phú Bùi Văn Cứng, phương tiện mang biển số 93H - 8479 mà Cty Thành Công đưa vào đăng ký lần này cũng không thuộc sở hữu của Cty Thành Công mà là của bà Dương Thị Nàng - xã viên HTX Bình Phú đang hoạt động ổn định tại tuyến xe khách Đồng Xoài - TPHCM.

Phương án hoạt động của Cty Thành Công có biểu hiện gian lận nhưng đều được Phòng Hạ tầng Kinh tế huyện Phước Long có văn bản chấp thuận. Hai văn bản chấp thuận đều do ông Trần Quốc Việt – Trưởng phòng Hạ tầng Kinh tế huyện ký lần lượt vào tháng Chín và tháng 10/2007 có nội dung khác nhau nhưng đều có cùng số văn bản (số 45/HTKT).

Việc Phòng Hạ tầng Kinh tế huyện Phước Long ký một số văn bản chấp thuận phương án hoạt động của  các đơn vị vận tải… là trái thẩm quyền. Mãi đến tháng 6/2008, khi mọi việc vỡ lở, chức năng quản lý tuyến mới được giao lại cho Sở GTVT.

Ông Nguyễn Văn Phi - Chủ nhiệm HTX Phước Long bức xúc: Tháng 10/2007, HTX Phước Long xây dựng tuyến xe chất lượng cao trình Bến xe Phước Long và Phòng Công Thương huyện nhưng cả hai đơn vị này ém hồ sơ hơn ba tháng, chờ đến lúc Cty Thành Công mua ba xe chất lượng cao và trình phương án khai thác tuyến mới ký văn bản chấp thuận một lượt, làm HTX để tuột mất cơ hội kinh doanh và đối mặt nhiều khó khăn.

Ưu ái đại gia chạy giờ vàng

Trong một thời gian dài, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước và Bến xe Miền Đông đã có những ưu ái khó hiểu đối với Cty TNHH Vận tải Thành Công.

Ngày 15/2/2008, Chủ tịch UBND huyện Phước Long - Trương Duy Điểu có văn bản (số 88) yêu cầu Bến xe Phước Long chỉ giải quyết cho Cty Thành Công mỗi ngày chạy một nốt tài, xuất bến lúc 9 giờ 35 hàng ngày và không chấp thuận giải quyết thêm nốt tài nào khác sau khi hết thời gian chạy thử nghiệm, bởi các đơn vị vận tải chạy tuyến Phước Long - TPHCM đang dư thừa năng lực.

Chưa đầy bốn tháng sau, cũng chính ông Điểu lại ký tiếp văn bản (số 394) chấp thuận cho Cty Thành Công chạy nốt tài thứ hai, xuất bến vào lúc 17 giờ hàng ngày. Văn bản này viện dẫn lý do giải quyết cho Cty Thành Công là căn cứ theo công văn chỉ đạo (số 803) của UBND tỉnh Bình Phước.

Ngày 12/6/2009, Bến xe Phước Long bố trí cho Cty Thành Công bốn nốt tài và có văn bản yêu cầu HTX xe khách Phước Long, Cty Vận tải Công trình Giao thông Bình Phước sắp xếp lại giờ xuất bến để tránh chồng chéo với khung giờ đã giải quyết cho Cty Thành Công. Văn bản này cho biết, việc sắp xếp nói trên là để thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của ông Trương Duy Điểu - Chủ tịch UBND huyện.

Việc bố trí cho đơn vị ra đời sau được chạy trước khiến các đơn vị bức xúc, khiếu nại. Nhất là ngày 9/8/2007, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thanh có văn bản khẳng định, cơ quan quản lý tuyến không được can thiệp vào việc bố trí cụ thể từng nốt xe xuất bến, đến bến của DN.

Ông Nguyễn Văn Phi - Chủ nhiệm HTX Phước Long cho biết, kể từ khi Cty Thành Công được bổ sung phương tiện và được bố trí giờ vàng, xe của HTX và Cty Vận tải Công trình Giao thông Bình Phước lâm tình cảnh ế ẩm, càng hoạt động càng thua lỗ. 

Nhiều xã viên cho biết, điều họ bức xúc nhất là Cty Thành Công đơn phương hủy bỏ cam kết đã ký trong quá trình xây dựng nội quy khai thác tuyến.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 18/7/2008, một cuộc họp giữa các đơn vị vận tải tuyến TPHCM - Phước Long đã được tổ chức ngay tại Bến xe Miền Đông dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Ngọc Thừa - Giám đốc Bến xe và đại diện Sở GTVT TPHCM.

Tại biên bản cuộc họp, Cty Thành Công đồng ý chọn giờ xuất bến tại Bến xe Miền Đông vào lúc 4 giờ 30 và 18 giờ 45 và được tất cả các bên tham gia cuộc họp chấp thuận, ký kết. Nhưng, chưa đầy ba tháng sau, Cty Thành Công đơn phương hủy bỏ cam kết.

Đầu tháng 10/2008, theo đề xuất của Cty Thành Công, ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông có văn bản (số 502) bố trí giờ xuất bến cho xe của đơn vị này là 11 giờ 20 (thay thế nốt tài 4 giờ 30 như cam kết trước đó).

Cách giải quyết này khiến các xã viên, đơn vị vận tải hoạt động tuyến Phước Long - TPHCM bức xúc, cho rằng lãnh đạo bến xe tiếp tay cho Cty Thành Công hủy bỏ thỏa thuận đã ký và làm các đơn vị khác thất thu.

Làm việc với Tiền Phong, ông Thượng Thanh Hải lý giải: Theo quy định bến xe không phân chia khung giờ chạy xe cho các đơn vị, DN vận tải tự quyết định giờ xuất bến, đến bến cụ thể cho từng xe. Thế nhưng, ông Hải không giải thích được vì sao bến xe hai địa phương hiện vẫn phân chia khung giờ chạy xe. 

MỚI - NÓNG