Sông 'nuốt' nhà ở Hòa Bình: Cảnh báo từ năm trước

TP - TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Trưởng đoàn khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ với Tiền Phong một số thông tin về tình hình trượt lở đang diễn ra nghiêm trọng ở Hòa Bình.

Theo ông Hòa, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đoàn công tác gồm nhiều chuyên gia trong lĩnh vực địa chất đã bắt đầu công việc từ 1/8/2017. Đoàn tiến hành khảo sát tại 3 khu vực đang có tai biến địa chất mạnh là khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn; khu vực phường Đồng Tiến, nằm ở đầu thành phố Hòa Bình và khu vực phường Chăm Mát, phường Thái Bình của thành phố Hòa Bình.

Tại khu vực huyện Kỳ Sơn, tình trạng sạt lở diễn ra nghiêm trọng, làm mất đường, ảnh hưởng đến 7-8 hộ dân. Chính quyền địa phương đã rào đường cấm người dân quan lại và thực hiện di dời các hộ trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Ở khu vực phường Đồng Tiến, đầu thành phố Hòa Bình có hàng loạt nhà đã sập xuống sông. Khu vực phường Chăm Mát và phường Thái Bình, thành phố Hòa Bình cũng xảy ra sụt lún, sạt lở nghiêm trọng.

Theo ông Hòa, nguyên nhân là mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến cho đất bị ngấm nước, bão hòa, dễ trượt lở. Ví dụ phường Đồng Tiến, nơi hàng loạt nhà dân sập xuống sông là khu vực có nền đất yếu, đất mượn. Việc xây dựng không theo quy chuẩn kỹ thuật tốt. Nền đất yếu kết hợp với mưa lớn kéo dài đã dẫn đến tình trạng như trên.

TS Hòa cũng cho biết, nguy cơ sạt lở, sụt lún của 3 phường Đồng Tiến, Chăm Mát và Thái Bình đã được cảnh báo từ năm ngoái, khi các nhà khoa học thực hiện một đề tài nghiên cứu ở khu vực này. Các nhà khoa cũng đã khuyến cáo chính quyền địa phương di dời hàng chục hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm. “Theo tôi được biết, chính quyền địa phương đã có biện pháp động viên và bố trí người dân di dời nhưng mức độ chưa đạt như mong muốn”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cho biết thêm, trong lần khảo sát này, đoàn công tác sẽ mở rộng khảo sát để xem với tình hình khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay thì vùng ảnh hưởng có thể xảy ra trong tương lai rộng đến đâu, những hộ gia đình nào sẽ bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, có thể ra đề xuất di dời toàn bộ dân khu vực đường 6, phía đầu thành phố, đồng thời có thể quy hoạch lại khu vực này để đảm bảo an toàn vì đường quốc lộ 6 rất gần với sông Đà. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đánh giá thêm các nguy cơ do hiện tượng khác như hoạt động khai thác khoáng sản.

MỚI - NÓNG