Sòng phẳng

Sòng phẳng
TP - Sau nhiều đồn đoán, Bộ Tài chính chính thức công bố áp dụng quản trần giá sữa đối với 5 doanh nghiệp có thị phần lớn trên thị trường. Biện pháp nặng tay thiên về mặt hành chính này được coi là “vũ khí” tung ra để dẹp loạn tình trạng giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi thi nhau nhảy múa trong thời gian qua.

Có đánh giá, áp trần giá sữa để chứng minh uy lực kiểm soát giá của cơ quan chủ quản. Ở góc nhìn khác, áp trần nhằm buộc doanh nghiệp phải tự cân đối, chắt bóp hầu bao để giảm chi phí, lấy bán nhiều bù lời ít. Quan trọng hơn, doanh nghiệp không được kiếm lời lớn trên loại thực phẩm đặc thù dành cho trẻ em. 


Bản thân Bộ Tài chính cũng rất tự tin khi khẳng định, biện pháp bình ổn giá sữa lần này đã được tính toán, cân nhắc kỹ về mặt pháp lý. Một điều chắc chắn, với các biện pháp quản lý tốt, người tiêu dùng sẽ được bảo đảm giá sữa thấp hơn hiện nay.

Doanh nghiệp sữa cũng thừa nhận, áp giá trần không vi phạm quy định của WTO. Nhưng để tính ra mức giá trần hợp lý thì lại là chuyện khác. Giá trần có kịp thay đổi thường xuyên theo biến động của từng yếu tố thị trường không lại là vấn đề khác nữa.

Giá trần vừa ban hành, doanh nghiệp kêu thấp hơn giá hiện tại của các công ty từ 18%-30%.

Có doanh nghiệp kêu, kinh doanh thực tế khác với ngồi bàn giấy soạn quy định, quy chế cho “cuộc chơi”. Người “dọa” sản phẩm bị áp trần sẽ biến mất khỏi thị trường. Người khác “kêu” áp trần khiến cho các doanh nghiệp hoặc phải rút lui khỏi thị trường hoặc không ngại ngùng: “Doanh nghiệp sẽ phải tìm cách tồn tại bằng cách lách luật”.

Luật chơi chưa áp dụng, thị trường đã có diễn biến khác. Gần hai tuần nay, trên thị trường đã xuất hiện những mẫu hàng sữa Ensure và Pediasure của Abbott được giảm trọng lượng từ 900g xuống 850g. Lượng giảm nhưng giá không đổi. Hãng sản xuất chưa lên tiếng nhưng dư luận có thể tự đoán: “Thay đổi bao bì, công thức mới thì sao phải giảm giá”. Dấu hiệu doanh nghiệp “đi tắt đón đầu” hoàn toàn có thể xảy ra. Những chiêu “thay đổi mẫu mã, thay đổi công thức” quá quen thuộc với các gia đình ở Việt Nam được dự báo sẽ được lặp lại trong thời gian tới.

Cũng có câu hỏi, sắp tới, giá biến động, doanh nghiệp xin điều chỉnh, hết hạn 5 ngày làm việc nhưng không cho doanh nghiệp điều chỉnh thì sẽ ra sao. Mặt hàng xăng dầu là minh chứng rõ ràng. Nhiều thời điểm doanh nghiệp xăng dầu đề xuất điều chỉnh, cơ quan chức năng không có ý kiến. Quá hạn trả lời, doanh nghiệp dù “ấm ức” nhưng vẫn không dám tăng giá dù quy định cho phép. Họ đều ngầm hiểu, vượt mặt hôm nay mai sẽ đủ điều khổ.

Ai cũng hiểu, thị trường có cạnh tranh sòng phẳng, người tiêu dùng sẽ luôn được lợi. Vấn đề đặt ra, luật chơi đã có nhưng cơ quan ban hành, giám sát, ở đây là Bộ Tài chính có dám thẳng tay “chơi đến cùng” vì người tiêu dùng.

MỚI - NÓNG