Sòng phẳng với thủy điện

Hồ chứa nước thủy điện Trị An
Hồ chứa nước thủy điện Trị An
TP - Cần có sự đánh giá, nhìn nhận sòng phẳng trong việc thủy điện có gây ra lũ lụt hay không, cũng như tác dụng cắt lũ của các hồ thủy điện hiện nay. Để phòng tránh lũ lụt, công tác dự báo lũ sớm là rất cần thiết... Đó là những ý kiến đưa ra tại Hội thảo về công tác vận hành các công trình thủy điện, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 13-11.
Hồ chứa nước thủy điện Trị An
Hồ chứa nước thủy điện Trị An.

Ông Mai Văn Biểu, Cty Thủy điện Hòa Bình cho rằng để đánh giá thủy điện có gây ngập lụt hay không, trước tiên phải xem quy trình xả nước có đúng hay không. “Ngay như thiết kế chúng tôi được phép xả xuống hạ du 37.800 m3/s nhưng chỉ cần xả một nửa lưu lượng là toàn bộ thành phố Hòa Bình đã buộc phải sơ tán. Vừa rồi tại hội thảo tưới tiêu chúng tôi cũng cảnh báo có thủy điện Sơn La thì cũng chỉ chịu được lượng nước về nhất định với dung tích hồ chứa trên 7 tỷ m3” - Ông Biểu nói.

Ông Nguyễn Trâm, Tổng Giám đốc Cty cổ phần thủy điện A Vương thì khẳng định: “Nhà máy xả tràn lũ ít hơn lưu lượng về hồ thì không có lý do gì để bảo hồ thủy điện gây ra lũ cả”.

Ông Đào Tấn Cam, Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên cho rằng: Khi chưa có các hồ thủy điện thì những năm trước tình trạng ngập lụt vẫn xảy ra. Điển hình như hồ chứa sông Ba Hạ dung tích chứa 350 triệu m3. Dung tích phòng lũ chưa được 300 triệu khối nước trong khi lưu lượng nước về lên tới 9,7 tỷ khối nước. Vậy chứa kiểu gì? Ngoài ra, trong quy trình vận hành liên hồ cần lập sơ đồ vùng ngập lụt. Với từng hồ thì đã lập nhưng với cả hệ thống thì chưa.

Xem lại công tác dự báo lũ của ngành thủy văn

Giám đốc Thủy điện Yaly Tạ Văn Luận cho biết, trong 10 năm vận hành nhà máy cũng có một số lần buộc phải xả lũ, trong đó xả nhiều nhất là năm 2008. Nhìn chung, bản thân hồ chứa có chức năng cắt lũ. Thống kê cho thấy hồ Pleikrong năm 2009 cắt lũ được 49%.

Theo đại diện Thủy điện Yaly, ngành thủy văn có mô hình tính toán về mô hình lũ với các kịch bản lưu lượng nước khác nhau. Nhưng theo tính toán của Nhà máy trong thời gian qua, mô hình lũ trong những năm gần đây đã có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể đỉnh lũ cao hơn và thời lưu lượng nước đổ về ngắn hơn. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do rừng đầu nguồn bị tàn phá quá nhiều. “Trước đây sau mưa 1 tuần lũ mới về. Nay sáng mưa là chiều có lũ và hết ngày là hết nước”- Ông nói.

Đại diện Cty cổ phần Sông Ba Hạ cho rằng, cái cần nhất trong việc điều hành xả lũ của thủy điện là bản tin dự báo lũ của ngành khí tượng. “Hiện các hồ thủy điện có độ dốc khác nhau, lưu lượng nước khác nhau. Có thể có chỗ này vừa hết lũ lại phải đón lũ khác trong khi dự báo thủy văn không biết đỉnh nào đỉnh lớn, đỉnh nào đỉnh nhỏ để mà cắt lũ. Với dự báo khí tượng thủy văn như vậy không thể cắt lũ đúng thời điểm được” - Ông nói.

Dự báo lũ cho hồ chứa miền Trung: Chờ vài năm nữa

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, Bộ TN&MT cho biết việc dự báo lũ ở miền Trung khó hơn miền Bắc nhiều. Như thủy điện A Vương có 4 - 5 con suối đổ vào hồ chứa. Muốn tính toán lượng nước về hồ khi có lũ thì phải tính toán, theo dõi rất chặt với mạng đo mưa tự động rất dày ở các cửa nước vào hồ. Trong khi đó, tất cả các hồ chứa ở miền Trung và Tây Nguyên hiện nay chỉ có 1 - 2 trạm đo mưa, không đủ nắm được thông tin về lượng mưa.

Phải lập hệ thống trạm quan trắc trên hệ thống, theo quy định của Chính phủ là trách nhiệm của các chủ hồ chứa. “Nếu nghiên cứu cũng phải mất vài năm và điều chỉnh dần mới có thể đưa ra phương án dự báo lũ khả dĩ cho các hồ chứa. Còn cố gắng làm trong 1 - 2 năm thì không kịp. Đó là chưa kể quan trắc phải tiến hành 5 - 10 phút một lần chứ không phải là 3 đến 6 tiếng mới quan trắc như hiện nay” - Ông nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng đổ hết lỗi cho thủy điện không hẳn là đúng. Các hồ thủy điện thời gian qua đã giúp giảm lũ cho hạ lưu. Việc ngập lụt một phần do thời tiết biến đổi thất thường. Ông cũng đề nghị ban chỉ huy phòng chống lụt bão các địa phương bổ sung các chủ hồ chứa làm thành viên của ban. Tránh tình trạng hồ trên không biết hồ dưới hoạt động thế nào thì sẽ gây khó cho nhau.

Giải quyết sớm vấn đề giá điện thấp

Ông Lê Quang Minh, Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện Đại Hải, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Srêpok 4 cho rằng: “Tỷ giá thay đổi cũng khiến doanh nghiệp khó khăn, chịu không được. Vấn đề giữ giá điện thấp chắc chắn cũng không thể kéo dài được nữa vì kéo dài không ai chịu được và phải sập tiệm”.

MỚI - NÓNG