“Sống trên đời phải có đôi chút lãng mạn”

“Sống trên đời phải có đôi chút lãng mạn”
Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan, đặc phái viên đối ngoại của Thủ tướng, chia sẻ những tâm sự của ông về cuộc hành trình đi ra với thế giới chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

"Gia nhập WTO chỉ là một biện pháp, một bước để đất nước phát triển. Để tận dụng được cơ hội này, vẫn còn bao nhiêu việc phải làm."- ông nói.

Là người theo sát quá trình đàm phán gia nhập WTO của VN suốt 11 năm qua, cảm giác của ông vào ngày 26-10 khi biết tin đàm phán đã kết thúc?

- "Lúc ấy tôi thở phào nhẹ nhõm, vì một cuộc marathon kéo dài 11 năm đã kết thúc. Tôi đã theo sát tiến trình này, từ lúc làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đến lúc làm bộ trưởng Bộ Thương mại và phó thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại.

Tôi tự nhủ rằng như vậy là đã xong một đoạn việc! Rồi tôi nghĩ tới những việc cần làm tiếp theo, bởi theo tôi, gia nhập WTO chỉ là một biện pháp, một bước để đất nước phát triển. Để tận dụng được cơ hội này, vẫn còn bao nhiêu việc phải làm.

Nhìn lại 11 năm đàm phán WTO, có những lúc tưởng như VN vào WTO đến nơi nhưng rồi lại bị lỡ. Thưa ông, có phải quyết tâm hội nhập, quyết tâm cải cách của ta nhiều lúc còn do dự?

Nếu còn giữ trọng trách quản lý, ông sẽ đưa ra những ưu tiên nào sau ngày VN gia nhập WTO?

- Ưu tiên số 1, theo tôi, là đề ra ngay một chương trình hành động cụ thể dựa vào các cam kết. Cấp chính phủ chắc sẽ cần vạch ra một chương trình tổng thể tầm quốc gia, bao gồm việc hoàn thiện thể chế luật pháp, môi trường kinh doanh đáp ứng các yêu cầu của WTO.

Bên cạnh đó là phổ biến, hướng dẫn về WTO cho người dân và cho các doanh nghiệp. Cấp độ thứ hai là các bộ ngành cần nhặt ra các cam kết liên quan đến bộ ngành mình để xây dựng kế hoạch hành động riêng.

Cấp thứ ba là mỗi doanh nghiệp phải có kế hoạch thích nghi với những thay đổi. Ví dụ các doanh nghiệp sản xuất sữa phải biết thuế nhập khẩu sữa là bao nhiêu, các công ty viễn thông phải biết lĩnh vực viễn thông sẽ mở cửa như thế nào để đề ra các kế hoạch kinh doanh và sản xuất của mình.

- Cuộc hội nhập quốc tế này là điều hoàn toàn mới mẻ với chúng ta, chưa từng có trong lịch sử. Bộ máy đi đàm phán WTO theo kiểu vừa học vừa làm nhưng chính các đối tác cũng phải ngạc nhiên bởi chúng ta học nhanh. Các cuộc đàm phán thực chất chỉ bắt đầu từ năm 2000, còn trước đó chủ yếu là hỏi đáp, giải đáp chính sách.

Quyết tâm gia nhập WTO của chúng ta lúc nào cũng cao, đàm phán lúc nào cũng quyết liệt nhưng còn phụ thuộc các đối tác. Có nhiều đối tác rất “xương xẩu”.

Bên cạnh đó, tuy ta nhận thức rõ rằng “vào càng muộn càng dở” vì điều kiện ngày càng ngặt nghèo, song không vì thế mà chúng ta chấp nhận những điều khoản không phù hợp với khả năng. Nuốt vội rất có thể sẽ bị mắc nghẹn.

Trong hành trình 11 năm đàm phán, giây phút nào là “kịch tính” nhất, thưa ông?

- Đó là vòng đàm phán cuối cùng với Mỹ tại Washington tháng năm vừa qua. Một cuộc đàm phán mang tính chất “to be or not to be” (tồn tại hay không tồn tại).

Điện thoại về nhà riêng của tôi dồn dập lúc đêm hôm do Mỹ và VN chênh nhau 12 giờ. Trước khi đi, mặc dù Thủ tướng đã ra chỉ thị “phải kết thúc” nhưng đàm phán quá cam go khiến anh em phải điện thoại về hỏi ý kiến liên tục.

Có lúc Bộ trưởng Trương Đình Tuyển tưởng phải bỏ về. Lúc ấy tôi phải bàn bạc, cân đo với anh em về các phương án đàm phán, làm sao không để “vượt trần” cho phép.

Dường như đang có một luồng sinh khí mới thổi vào VN. Đầu tư nước ngoài và khách du lịch đến VN tăng. VN đang trở thành tâm điểm của dư luận thế giới với nhiều bình luận tốt đẹp.

Nhưng trong nước nhiều người vẫn sốt ruột với nhịp độ cải cách và cũng có cả tâm lý bi quan. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?

- Sống trên đời phải có đôi chút lãng mạn. Nếu như lúc nào cũng nhìn vào những mặt tiêu cực thì chính mình loại mình ra khỏi dòng chảy cuộc sống vốn mặt sáng là chính.

Tôi đi đâu cũng được nghe người ta ca ngợi VN. Mà đất nước mình sáng thật. Có đất nước nào được ca tụng vì tinh thần chiến đấu anh dũng, đổi mới thành công và hội nhập quốc tế nhanh, mạnh như VN?

Năm nay, VN trở thành thành viên của WTO, là chủ nhà của APEC và vừa được đề cử là ứng cử viên châu Á duy nhất vào ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Vậy là thành công cả về kinh tế lẫn chính trị, cả tầm khu vực lẫn thế giới, cả đa phương lẫn song phương.

Chúng ta nên tự hào. Không nên vì quá bực bội, quá sốt ruột với những bất cập thường ngày mà quên lãng những điều tốt đẹp lớn hơn.

Cũng phải nói một điều, ta có một tâm lý tuy chính đáng nhưng không hiện thực. Đó là cái gì cũng muốn phải có ngay trong một sớm một chiều. Một quốc gia đi từ nghèo nàn lạc hậu, chiến tranh, từ bao vây cấm vận ra thế giới, từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường không thể nào có mọi thứ ngay được.

Hăng hái là tốt nhưng đồng thời phải thực tế, đi bằng đôi chân mặt đất mà vẫn phải cần luôn tự tin và ngẩng cao.

Theo Cẩm Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG