Sống trên thúng, chết về trong thúng

Sống trên thúng, chết về trong thúng
Sau hơn một tháng lênh đênh trên biển và gần mười ngày sống trong hãi hùng, những người may mắn sau cơn bão số 1 mới biết mình vẫn còn sống khi gặp được các tàu cứu nạn vào trưa 22-5.

Những cái bắt tay, những giọt nước mắt đã rơi khi hơi ấm từ đất liền ùa đến với họ dù cách xa hơn 300 hải lý.

“45 gọi SAR 412”, tiếng gọi khẩn thiết từ ngoài khơi liên tục dội về. Qua bộ đàm của tàu SAR 412, đội cứu nạn đã xác định được tọa độ của tàu ĐNa 90345. “Chúng tôi không cần lương thực, không cần nhiên liệu..., các anh chỉ cần mang những xác chết về là được rồi...”. Tiếng vọng từ tàu 45 nghe như khẩn cầu.

Vị thuyền trưởng vẫn giữ được giọng nói điềm tĩnh: “Sẽ cố gắng tiếp cận các anh một cách nhanh nhất, chúng tôi rất hiểu sự mệt mỏi của anh em, cố gắng lên nhé!”. Và rồi tiếp đó là tiếng vọng về của tàu ĐNa 90299, ĐNa 90189..., tất cả đều khẩn thiết như một lời van xin. Thuyền trưởng quyết định tăng vận tốc lên 18 hải lý/giờ. Sau hơn 20 giờ căng thẳng trên biển thì đoàn tàu cứu nạn bắt đầu tiếp cận được với những tàu bị nạn.

Từ xa, trông những chiếc tàu thoát nạn xơ xác giữa biển khơi như tàu lá chuối giữa mùa gió Lào. Nhìn chiếc tàu xơ xác trở về cùng với những bóng người hốc hác mà những người có mặt trên tàu cứu nạn dường như chẳng ai còn nén được vẻ xúc động. Nhưng vẻ vui sướng lại ánh lên trong mỗi đôi mắt của những người bị nạn, bởi đến giờ phút này họ mới biết chắc là mình còn sống. Nhưng còn bao nhiêu người nữa không được may mắn như họ? 200 người hay hơn thế nữa? Tất cả đều phỏng đoán, hiện vẫn chưa có một con số cụ thể nào cả.

Khó khăn lắm đoàn cứu nạn mới qua được chiếc tàu may mắn này, vì lúc này những cơn sóng ngầm còn sót lại của bão vẫn ì ầm vỗ vào mạn tàu. Tôi chỉ có thể nhận ra sự mệt mỏi và thất thần của 25 người trên tàu ĐNa 90189 qua đôi mắt, tất cả họ đều dùng áo bịt kín mũi vì mùi từ tám tử thi ở cuối tàu bốc lên nồng nặc!

Trong số đó, tôi còn thoáng thấy có những người đã viết sẵn tên mình lên sau áo, có lẽ là họ đã tính đến cái chết. Bác Phạm Văn Xinh bàng hoàng nhớ lại: “Neo cùng với chúng tôi có tất cả 40 tàu, nhưng tám tàu trong số đó đứt neo va phải san hô rồi chìm. Nhìn bạn chìm mà chúng tôi đành bất lực...”.

Còn anh Trần Ngọc Hoành, một ngư dân của Quảng Ngãi may mắn sống sót (Tuổi Trẻ đã tường trình hôm 23-5), kể: “Đội tàu Quảng Ngãi chúng tôi có tất cả năm chiếc bị chìm, cứ mỗi tàu trung bình có 22 thủy thủ, chừ biết mô mà tìm...?”.

Tôi còn nhớ khi đã được đưa qua tàu cứu nạn rồi nhưng anh Võ Văn Năm vẫn chưa hoàn hồn, anh chẳng còn nhớ nổi tên vợ, nhưng lại nhớ rất kỹ là hơn một tháng nữa vợ sinh đứa con đầu lòng! Họ là hai trong số bốn ngư dân may mắn được cứu sống của con tàu xấu số QNG 2726 sau ba ngày hai đêm chống chọi với đói rét và sóng gió.

Anh Hoành kể: “Nếu như được cứu chậm hơn một vài giờ đồng hồ nữa thì có lẽ anh em chúng tôi cũng chẳng còn ai có thể quay trở về. Bốn anh em chúng tôi ôm lấy nhau mà khóc, rồi lại động viên nhau ráng giữ sức. Chúng tôi đã cố vơ vét những mảnh thuyền vỡ để ghép thành một cái bè để nếu chết thì xuống đó mà chết, may ra người nhà còn tìm ra xác mà thờ cúng...”.

Nước mắt lại bắt đầu rơi khi những thi hài được chuyển qua tàu cứu nạn. Không có lấy một nén nhang để tiễn bạn, những người trên tàu chỉ biết ngồi nhìn đội cứu nạn đưa người thân về trong nỗi ngậm ngùi... Nhìn vào những thi thể được ướp muối trong những chiếc thuyền thúng mà tôi không thể nào cầm được nước mắt.

Sinh thời, chiếc thúng nhỏ bé này là phương tiện mưu sinh của họ, nay chính chiếc thuyền thúng ấy lại là người bạn trung thành đưa tiễn họ về thế giới bên kia. Lúc này tôi mới hiểu thế nào là nghề biển: biển cho họ nguồn sống, nhưng cũng chính biển cướp đi mạng sống của họ. Biển vẫn vô tư gào thét..., có lẽ đó cũng là những âm thanh cuối cùng họ nghe được khi vĩnh biệt người thân?!                                                                          

Theo Thế Anh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG