Sống trong đời sống…

Học sinh trường tình thương Vinh Sơn xem tivi trong giờ ngoại khóa
Học sinh trường tình thương Vinh Sơn xem tivi trong giờ ngoại khóa
TP - Cuộc sống tấp nập hiện đại dễ cuốn người ta vào vòng xoáy của cơm - áo - gạo - tiền, dễ đánh mất chữ “tình” và thờ ơ, vô cảm với mọi thứ xung quanh. May thay, vẫn còn đó những người giàu lòng thiện nguyện. Họ gạt đi mọi toan tính riêng tư để cưu mang những phận đời bất hạnh, những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ không chốn nương thân...

An ủi hài nhi xấu số 

Một buổi sáng đầu tháng Tư âm lịch, chúng tôi ghé nghĩa trang phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tìm gặp người phụ nữ hơn 10 năm nhặt tìm hài nhi bị vứt bỏ về an táng và cất dựng mồ mả. Tiếp chúng tôi trong căn quán nhỏ bán vàng mã, hương đèn cạnh nghĩa trang, bà Phạm Thị Mười (sinh năm 1964), ở tổ 7, phường Tân Lập tâm sự cơ duyên đã gắn đời mình với những sinh linh vô tội.

Chừng nào bà còn sống thì nguyện vẫn tiếp tục làm việc này để những hài nhi vô tội mau siêu thoát.

Bà Phạm Thị Mười

Sinh ra, lớn lên ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam, năm lên 14 tuổi, cha mẹ lần lượt qua đời, Mười sống phận mồ côi  tủi nhục, ngày ngày chịu đòn roi thay cơm từ các anh chị em cùng cha khác mẹ. Năm 18 tuổi, Mười bỏ nhà, bỏ xứ đi tha hương cầu thực. Mưu sinh qua nhiều tỉnh thành, Mười dừng chân tại Gia Lai giúp việc cho một gia đình trí thức. Tại đây Mười gặp và nên duyên cùng một người đàn ông nghèo khó cùng cảnh ngộ, chấm dứt cảnh lưu lạc tứ phương.

Vợ chồng bà Mười dắt díu nhau sang Đắk Lắk kiếm cơm. Cuộc sống nơi đất khách quê người ban đầu lắm nỗi gian truân khốn khổ. Không người thân, không tiền bạc, không mảnh đất cắm dùi, vợ chồng bà dựng tạm túp lều nhỏ gần nghĩa địa để che mưa nắng. Ai thuê giúp việc, phụ hồ… vợ chồng bà đều làm hết. Tuy cực khổ, nhưng bù lại tổ ấm của bà tràn ngập niềm vui khi đón đứa con đầu lòng.

Hạnh phúc gia đình đổ vỡ khi bà sinh tiếp những đứa con gái. Tư tưởng lạc hậu trọng nam khinh nữ biến người chồng yêu con, thương vợ thành kẻ vũ phu. Hành hạ vợ con chán, ông bỏ vợ chạy theo nhân tình. Bà Mười vác bụng bầu kiếm việc nuôi con. Lúc này, khu nghĩa trang bắt đầu xây dựng, bà xin làm phụ hồ. “Hồi đó, người ta thấy tui phận đàn bà ốm yếu lại có bầu nữa nên ngại nhận. Sau biết hoàn cảnh, họ tạo điều kiện. Ngoài ra, chủ mộ nào cần người trông nom lau dọn, hương khói người khuất tôi nhận liền. Tuy vất vả nhưng kiếm được tiền lo cho con, khổ cực mấy tui cũng chịu”- bà Mười kể lại bước đầu vào nghề chăm dọn mồ mả.

Nhận  lau dọn 30 ngôi mộ với số tiền gần 1 triệu đồng/tháng không đủ cho 5 miệng ăn, bà xin dựng một quán nhỏ ngay nghĩa trang bán hương đèn, vàng mã kiếm thêm thu nhập. Cái công việc đều đặn sáng đi, tối về vòng quanh nghĩa trang để lau mộ bỗng khiến bà có cơ duyên bắt gặp những... hài nhi xấu số.

Một buổi sáng cách đây gần chục năm, trên đường tắt đi qua khu nghĩa trang vào quán, bà thấy một bịch bóng màu đen nằm sát mép đường. Tò mò dừng lại mở thử, bà điếng người khi thấy xác thai nhi nam đủ hình hài nằm bất động. Quên cả sợ hãi, bà lẳng lặng mang bé vào nghĩa trang, về quán lấy cuốc xẻng ra chôn rồi tự mua xi măng xây mộ cho bé. “Mọi ngày đi làm, tui toàn đi đường thẳng nhưng hôm đó trời xui đất khiến đi đường tắt mới gặp bé. Nghĩ đó là duyên nợ nên tui quyết làm theo lương tâm mình mách bảo”- bà nhớ lại lần đầu gặp xác thai nhi bị vứt bỏ.

Sống trong đời sống… ảnh 1

Bà Mười hương khói cho hài nhi xấu số

Từ đó, mỗi khi đi làm hay về bà đều để mắt xem ven đường có gì lạ. Gặp xác hài nhi nào bị bỏ rơi, bà Mười đều nhặt về chôn cất tử tế. Đến nay bà đã tự tay mai táng, xây mộ cho hơn 20 bé xấu số. “Trong quán tui luôn thủ sẵn xi măng, gạch cát để lúc gặp mình làm luôn. Không có tiền kêu thợ xây, tui tập xây theo cảm tính. Tuy không đẹp nhưng nó ngay ngắn, thẳng hàng là được”.

Nhiều người biết chuyện, đồng cảm, ủng hộ nhưng cũng có người bảo bà quái gở, rỗi hơi. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, bà Mười vẫn ngày ngày hương khói cho những vong linh tội nghiệp. Bà quan niệm “Sống có nhà, chết có mồ. Chừng nào bà còn sống thì nguyện vẫn tiếp tục làm việc này để những hài nhi vô tội mau siêu thoát, đầu thai làm kiếp người trọn vẹn”.

Ông Đỗ Lý, quản trang phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột xác nhận: Việc nhặt, chôn cất hài nhi bị bỏ rơi của bà mười ai cũng biết. Ông thường động viên, khuyến khích việc làm của bà Mười. Đó là việc nhân nghĩa ở đời, giúp linh hồn trẻ nhỏ có nơi yên nghỉ.

Mái ấm Vinh Sơn

Gần giao lộ Lê Thánh Tông - Trần Hưng Đạo nội thành Buôn Ma Thuột hằng ngày tấp nập người qua kẻ lại, có một dãy nhà xây nhiều phòng, gắn tấm biển mang dòng chữ “Trường tình thương Vinh Sơn”. Đây là nơi đã và đang cưu mang, dạy dỗ miễn phí hàng trăm trẻ em có hoàn khó khăn đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Sống trong đời sống… ảnh 2

Bà Mười lau dọn mộ cho người đã khuất

Trường thành lập năm 1992, do các sơ thuộc dòng Nữ tử Bác ái Vinh Sơn phụ trách. Những năm đầu trường chỉ vài chục em theo học. Dần dần, nhiều phụ huynh khắp nơi biết đến gửi nhờ. Năm 2014 - 2015 trường có 175 em theo học từ lớp 1 đến lớp 5, riêng lớp 1 có 2 lớp, ngày học 2 buổi theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về chuyên môn, nơi này được xem như một phân hiệu của trường công lập Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm. Khi các em học xong, sẽ được trường Lê Thị Hồng Gấm cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học để có thể tiếp tục vào học ở các trường trung học phổ thông công lập khác. Tuy nhiên, con số này rất ít, vì gánh nặng mưu sinh đè nặng trên vai các trò quá nghèo.

Sơ Nga phụ trách trường cho hay: “Mỗi em ở đây có một hoàn cảnh, số phận éo le khác nhau. Có em mồ côi cha hoặc mẹ, không nơi nương tựa; cũng có em còn ba mẹ nhưng hoàn cảnh cùng quẫn không có tiền cho con đi học. Nhiều em từ tỉnh khác đến như Bình Định, Quảng Ngãi… Chúng theo gia đình lên Đắk Lắk thuê trọ, kiếm sống bằng đủ nghề như nhặt ve chai, bán vé số… Cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó nên hầu hết các em không được học hành đến nơi đến chốn. Có em học được vài bữa, gia đình chuyển đi, các em lại thất học”.

Ngoài bàn tay chăm dưỡng của các nữ tu, học sinh trường Vinh Sơn còn đón nhận tình yêu thương của các thầy cô đã về hưu. Không cần lương thưởng, họ miệt mài truyền dạy kiến thức miễn phí cho trẻ nghèo bằng cả tấm lòng nhiệt huyết của mình. Nhiều năm gắn bó với trường, cô Lê Thị Thục Nữ giáo viên dạy lớp 5 tâm sự: Hay tin ngôi trường Vinh Sơn cưu mang, tạo điều kiện cho các em lang thang, cơ nhỡ được học tập, tôi tự nguyện về dạy cho các cháu biết cái chữ, đỡ thua thiệt với bạn bè. Hy vọng sau này các cháu có nghề ổn định, không lang thang kiếm sống thế này, khổ lắm.

Cũng xuất phát từ tình yêu thương trẻ, sau khi nghỉ hưu, cô Nguyễn Thị Mỹ Hưng tự nguyện đến nơi này dạy lớp 2. Cô chia sẻ: Lớp học ở đây không phân theo độ tuổi mà dựa vào trình độ của các cháu khi được nhận vào trường. Có cháu 11 tuổi nhưng chưa biết đọc viết nên vẫn xếp vào lớp 1. Có cháu nhận thức hạn chế, thầy cô phải kiên trì dạy kèm riêng. Nếu không có cái tâm, yêu mến chúng như con cháu mình thì khó lòng bám trụ được. Ngoài dạy chữ, các sơ và thầy cô không quên rèn đức để sau này nếu các cháu không tài giỏi, thì cũng thành người lương thiện, có ích cho xã hội.

Đây là ngôi trường dành riêng cho các em nhỏ cơ nhỡ, hoàn cảnh khó khăn. Mọi chi phí học tập đều được nhà Dòng Vinh Sơn cùng các giáo dân chuyên giúp đỡ người nghèo tài trợ. Thi thoảng có các đoàn từ thiện, hảo tâm đến tặng quần áo cũ, sách vở, gạo, thăm khám bệnh miễn phí cho các em. Mỗi tháng nhà trường chỉ bồi dưỡng một ít tiền xăng xe đi lại cho các thầy cô. Sự chung tay, góp sức của họ khiến chúng tôi có thêm động lực để cố gắng tiếp tục cưu mang, nuôi dưỡng những phận đời bất hạnh - sơ Nga nói thêm.

MỚI - NÓNG