Sốt xuất huyết bùng phát, bệnh viện quá tải

Bệnh nhân SXH nằm ghép tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: T.Hà.
Bệnh nhân SXH nằm ghép tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: T.Hà.
TP - Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư những ngày này, tình trạng nằm ghép 2-3 người/giường, kê thêm giường bệnh xảy ra thường xuyên. Đặc biệt, thời gian qua có tới 568/648 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) đến từ Hà Nội, chiếm 88%.

TS Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, tính đến ngày 28/9 đã có 648 bệnh nhân SXH đến khám và điều trị, riêng tháng 9 có 305 trường hợp mắc SXH. Trung bình mỗi ngày bệnh viện khám cho từ 200-300 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50-100 bệnh nhân mắc SXH. 

Do đang trong tình hình dịch SXH bùng phát mạnh, bệnh viện phải tiếp đón số bệnh nhân đến khám và điều trị rất đông nên rơi vào tình trạng quá tải. Hiện bệnh viện có trên 400 bệnh nhân/220 giường bệnh, trong đó số bệnh nhân SXH đang điều trị tại bệnh viện gần 80 người. Theo số liệu thống kê của bệnh viện, tổng số bệnh nhân mắc SXH nặng có 26 ca, chiếm tỷ lệ 4%.

Khoa Virus-Ký sinh trùng có số bệnh nhân SXH đông nhất với 50 bệnh nhân. Bệnh nhân chủ yếu là người lớn, tuổi từ 18-35, hầu hết bệnh nhân nhập viện sống tại các khu vực nóng của dịch SXH ở Hà Nội. Mỗi ngày tại khoa tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhân nặng phải nhập viện, trong khi đó số bệnh nhân cũ chưa kịp ra viện đã dẫn đến tình trạng quá tải. 

Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân thấy có dấu hiệu bệnh SXH như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da cần đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu, theo dõi tiểu cầu để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng khoa Virus-Ký sinh trùng cho biết, tháng 7 chỉ có 68 ca nhập viện theo dõi thì đến tháng 8 là 163 ca. Từ đầu tháng 9 đến nay tăng lên 220 ca nhập viện. Các bác sĩ cho hay, dù đã được bệnh viện giải thích bệnh có thể điều trị ở tuyến dưới, song rất nhiều bệnh nhân sẵn sàng ký cam kết chịu cảnh nằm ghép để điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ Lâm chia sẻ thêm khi bệnh viện chuyển sang cơ sở II ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội sẽ có đủ giường bệnh để phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa Cấp cứu khẳng định, đa số các ca có thể điều trị tại các bệnh viện tuyến tỉnh và thành phố mà không cần lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư điều trị, gây quá tải cho bệnh viện. Mặc dù bệnh viện đã thực hiện rất nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng quá tải như kê thêm giường, điều chuyển bệnh nhân giữa các khoa nhưng với điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện hiện nay rất khó để cải thiện sự quá tải. 

Dự đoán tình hình dịch đang có diễn biến phức tạp, số ca mắc chắc chắn sẽ tăng trong những ngày tiếp theo nên bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị y tế, giường bệnh và liên hệ với Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư để tiếp nhận các đơn vị máu, điều trị cho bệnh nhân xuất huyết, giảm tiểu cầu, cô đặc máu.

Hơn 50% bệnh nhân đến viện muộn

Bác sĩ Nguyễn Tiến Lâm cho biết, hơn 50% bệnh nhân đến viện muộn  vì không nghĩ mình bị SXH. Chỉ đến khi nổi ban trên da, người mệt mỏi, nôn, đau khớp, đau bụng mới đến bệnh viện. Thậm chí, không hiếm bệnh nhân đến viện đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như: chảy máu lợi, chảy máu cam, tiểu cầu giảm thấp, xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa. Hiện bệnh viện chưa ghi nhận ca tử vong nào có liên quan đến SXH.

Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân thấy có dấu hiệu bệnh SXH như sốt cao liên tục 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau cơ, đau khớp; buồn nôn, nôn, đau bụng, đau đầu; phát ban, xuất huyết dưới da cần đến bệnh viện để làm xét nghiệm máu, theo dõi tiểu cầu để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Khi phân loại được thể nặng, nhẹ bác sĩ sẽ quyết định cho bệnh nhân ở thể nhẹ theo dõi điều trị tại nhà, khi có các dấu hiệu cảnh báo thì phải đến bệnh viện để điều trị.

Hiện nay phòng chống bệnh dịch này còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng chống chủ yếu và có hiệu quả là dựa vào kiểm soát véc tơ truyền bệnh.

Trước tình trạng bệnh nhân vượt tuyến lên trung ương điều trị SXH, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế Hà Nội đánh giá tình hình công tác điều trị SXH ở các bệnh viện để có những khuyến cáo và điều chỉnh hợp lý hạn chế tình trạng bệnh nhân vượt lên tuyến trên.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.