Sự dũng cảm bước đầu cho cuộc chơi toàn cầu

Sự dũng cảm bước đầu cho cuộc chơi toàn cầu
TP - Sự kiện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố vị trí xếp hạng năng lực tài chính độc lập do tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín toàn cầu Moody’s đánh giá khiến giới kinh doanh... choáng!

Kết quả đánh giá của Moody’s cho năng lực tài chính độc lập của BIDV là: Hạng E với “Triển vọng tích cực”.

Hạng E cho thấy tiềm lực tài chính của BIDV là yếu so với chuẩn mực chung. Vậy mà lãnh đạo BIDV khẳng định chỉ số tín nhiệm này được sử dụng cho đợt phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2  vào cuối tháng 5 này và là bước quan trọng để BIDV thực hiện cổ phần hoá vào năm 2007-2008.

Sao BIDV lại bỏ tiền tỷ ra thuê người ngoài (Moody’s), đem những điểm yếu của mình ra công bố cho cả thiên hạ biết?

BIDV là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thực hiện việc đánh giá và xếp hạng tín nhiệm theo thông lệ quốc tế - một điều kiện tiên quyết để BIDV có thể phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Hơn thế, việc “kiểm tra tổng thể sức khỏe” của mình định kỳ để quyết định từng giai đoạn “chữa trị” cải thiện sức khỏe của mình đồng thời lượng sức cho cuộc chơi hội nhập toàn cầu và tiên liệu được bước phát triển cho trung hạn và dài hạn của BIDV trong bối cảnh này là một hành động dũng cảm -nhưng dũng cảm có cơ sở!

(BIDV hiện là 1 trong 5 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất ở Việt Nam, với tổng tài sản đến cuối năm 2005 đạt 118.000 tỷ đồng, BIDV cũng là ngân hàng Việt Nam đầu tiên được kiểm toán quốc tế và đạt chứng chỉ chất lượng ISO 9001:2000).

Rõ ràng trước khi thuê Moody’s đánh giá, BIDV vẫn biết là họ yếu, nhưng không biết là yếu cỡ nào. Đến khi có kết quả đánh giá, họ biết rõ  so với chuẩn mực thì tiềm lực tài chính của họ yếu ở mức nào.

Đây là cơ sở để BIDV tìm cách khắc phục nhằm nâng cao điểm tín nhiệm của mình, đồng thời tìm cách tận dụng những cơ hội đang ở phía trước. Đã chấp nhận cuộc chơi, thì vì mục tiêu phát triển dài hạn nên theo định kỳ BIDV sẽ tiếp tục phải công bố mức độ tín nhiệm của mình.

Đó chính là áp lực lớn đối với BIDV vì phải làm sao cho trong lần công bố tới, điểm tín nhiệm phải cao hơn lần này. Nếu không, hậu quả sẽ rất khó lường. Nhưng đó cũng là áp lực để BIDV đẩy nhanh quá trình cải cách, sắp xếp, cơ cấu lại để có một mô hình ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế.

Tuy vậy, cũng có một vấn đề đặt ra: Liệu sau khi công bố mức tín nhiệm thấp như vậy, giá trị của BIDV có giảm đi so với việc không công bố không? Câu trả lời là không.

Đơn giản là vì mục tiêu của BIDV là xây dựng một mô hình doanh nghiệp hiện đại hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Đã là nhà đầu tư tài chính quốc tế, khi quyết định một thương vụ đầu tư để trở thành cổ đông chiến lược của một doanh nghiệp nào đó họ sẽ xem xét, đánh giá rất kỹ.

Nếu doanh nghiệp  đó chưa được đánh giá mức độ tín nhiệm thì chính các nhà đầu tư sẽ tự mình hoặc thuê các tổ chức khác đánh giá (giá cả khi quyết định đầu tư của họ đương nhiên có phần chi phí đánh giá này).

Sự dũng cảm của BIDV dưới góc độ của một doanh nghiệp bước vào cuộc chơi toàn cầu là vậy. Còn dưới góc độ vĩ mô, đối với các nhà quản lý, điều này càng có ý nghĩa hơn  nếu việc đánh giá tín nhiệm các doanh nghiệp trở thành thông lệ và phổ biến.

Lúc đó, nền kinh tế sẽ có được  một hệ thống tài chính, đội ngũ doanh nghiệp thực sự mạnh đủ sức cho cuộc chơi hội nhập. Đồng hành với điều đó, bộ máy hành chính công quyền cũng sẽ phải điều chỉnh theo những chuẩn mực quốc tế ấy (thậm chí cũng sẽ phải xếp hạng năng lực).  Đó chính là nền móng thực sự  cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.