Sử dụng vốn ODA ở Bộ Nông nghiệp: Không có tiêu cực lớn!

Sử dụng vốn ODA ở Bộ Nông nghiệp: Không có tiêu cực lớn!
TP - GS-TSKH Phạm Hồng Giang-Phó Ban chỉ đạo công trình trái phiếu và ODA Bộ NN&PTNT khẳng định như vậy khi trao đổi với Tiền Phong xung quanh vấn đề này.
Sử dụng vốn ODA ở Bộ Nông nghiệp: Không có tiêu cực lớn! ảnh 1
Ông Phạm Hồng Giang

Ông Giang cho biết: Nguồn vốn ODA dành cho ngành nông nghiệp được sử dụng cho phát triển lâm nghiệp, thủy lợi và nông nghiệp. Từ năm 1995 đến 2000, lượng vốn này chưa nhiều, chỉ chiếm 20% tổng vốn đầu tư của ngành; từ năm 2000-2006 lượng vốn khá lớn, thường chiếm khoảng 35-40%.

Năm 2006, vốn ODA của ngành nông nghiệp là 876 tỷ đồng; năm 2005 là714 tỷ đồng, trong nhiều năm qua, lượng vốn DOA chủ yếu dành cho các công trình thủy lợi.

Một số công trình sử dụng ODA có thể kể đến là: Dự án  phát triển thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện xong; dự án phát triển thủy lợi đồng bằng sông Hồng do nhà tài trợ yêu cầu nhiều thứ quá nên giải ngân chậm; dự án thủy lợi Phước Hoà-Bình Dương và dự án quản lý và giảm nhẹ thiên tai…

Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT báo cáo sử dụng vốn ODA. Bộ sẽ báo cáo những gì, thưa ông?

Tôi cho rằng trước vụ PMU 18, Chính phủ rà soát lại là cần thiết. Bộ NN&PTNT đã báo cáo rất đúng theo quy định sử dụng ODA. Không những báo cáo Chính phủ, các bộ, mà các nhà tài trợ họ cũng “quản” chặt lắm, chúng tôi phải tiếp các nhà tài trợ liên tục.

Đến nay, duy nhất có Cô-oét (tài trợ ODA xây dựng hồ Ia Jun hạ) là đơn thuần chỉ duyệt dự án. Ngoài báo cáo Chính phủ về sử dụng vốn ODA như đã từng làm, thì Bộ NN&PTNT chưa có gì bất thường khác để báo cáo.

Liệu sử dụng ODA trong nông nghiệp có tiêu cực không, nếu có thì ở mức độ nào?

Xây dựng cơ bản có đặc điểm rất dễ bị phát sinh, đội giá và tiêu cực. Riêng sử dụng ODA cho phát triển công trình thủy lợi, tôi cho rằng tiêu cực lớn không có, nhưng nếu kiểm tra cũng sẽ có những thiếu sót ở khâu thủ tục.

Ai cũng biết thủ tục sử dụng ODA trong và ngoài nước rất khác nhau, trong khi thời gian thực hiện dự án có thời hạn, vượt quá sẽ bị cắt vốn… thực tế này khiến khi điều hành chúng tôi phải linh hoạt, mà linh hoạt thì vượt ra ngoài quy định.

Nếu gọi là sai phạm thì một “ly” hay một “dặm” cũng đều là sai. Các ban quản lý dự án ODA có tư lợi hay không chưa biết cụ thể, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở anh em phải nghiêm túc.

Nhiều ý kiến đề xuất chuyển các Ban quản lý dự án sang hoạt động theo dạng doanh nghiệp để tránh tiêu cực, GS có ủng hộ không?

Trong một số văn bản đã từng gọi ban quản lý dự án là chủ đầu tư, nghĩa là có thể thay mặt người sở hữu vốn là nhân dân, thay mặt chính phủ quyết định mọi việc liên quan đến tiêu tiền. Với quyền lớn như vậy những người trong các ban quản lý dự án nảy sinh tiêu cực là dễ hiểu.

Bộ NN&PTNT cũng có các ban quản lý dự án, nhưng để chuyển hoạt động giống DN thì phải nghiên cứu trước khi đề nghị, bởi khi đó tổ chức này hoạt động theo luật DN, DN mà điều hành DN thì sẽ ra sao, cơ chế giám sát thế nào? Thành DN rồi thì có đảm bảo không có tiêu cực không?…

MỚI - NÓNG