Sự thật - hành trình trần ai: Sự im lặng đáng sợ…

280 thùng rác không dùng được bị bệnh viện tỉnh trả lại cho Sở Y tế
280 thùng rác không dùng được bị bệnh viện tỉnh trả lại cho Sở Y tế
TP - Cuộc điều tra càng kéo dài, tôi càng thấy rõ nhiều khoản ngân sách và vốn vay mà Đảng, Nhà nước dành cho việc chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Đắk Lắk liên tục bị xà xẻo, “chảy máu”...   

Sự tàn phá của quan tham

Với hàng chục ký hồ sơ tài liệu, báo Tiền Phong nhiều lần chứng minh thiệt hại do hành vi cố ý làm trái tại Sở Y tế Đắk Lắk để lại khó khắc phục. Về đấu thầu thuốc, riêng 7 mặt hàng thuốc bị đổi nhóm tại cuộc mở thầu tháng 11/2014 đã lệch giá khoảng 56%, xén của ngân sách 2,9 tỷ đồng. Tính cả các đợt mua thuốc ồ ạt bổ sung kéo dài suốt 2 năm sau đó, thiệt hại chỉ 7 mặt hàng này thôi không dưới chục tỷ đồng. Tháng 8/2019, Viện Kiểm sát và Công an tỉnh Đắk Lắk xác nhận thêm 40 mặt hàng nữa có dấu hiệu bị đổi nhóm cùng đợt đấu thầu 2014-2015, dự báo thất thoát phải lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Bảng giá trúng thầu thuốc đầy dấu hiệu tham nhũng đó được duy trì tới hơn 2 năm, với cả trăm lượt Sở Y tế Đắk Lắk cấp phép mua thuốc bổ sung, chỉ định thầu. Đầu năm 2017, Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức đợt đấu thầu thuốc Generic tiếp theo. Báo Tiền Phong lại vào cuộc điều tra, đăng bài chỉ rõ cuộc đấu thầu này còn nhiều sai phạm hơn cả đợt đấu thầu 2014-2015: Ưu tiên độc quyền cho các công ty sân sau, thẳng tay loại bỏ các loại thuốc tốt trong nước sản xuất được, thay bằng số lượng cực lớn các loại kháng sinh ngoại nhập đắt tiền. Nhiều người mách đã gửi đơn tới nhiều cơ quan tố cáo Sở Y tế công khai làm trái chủ trương ưu tiên dùng hàng Việt Nam, gây tổn hại nghiêm trọng ngân sách nhà nước, trắng trợn rút ruột quỹ bảo hiểm xã hội nhưng không được hồi âm.

Sự thật - hành trình trần ai: Sự im lặng đáng sợ… ảnh 1 Máy hấp rác báo giá 7,6 tỷ đồng nhưng công năng đầy vấn đề mà BV Đa khoa Buôn Ma Thuột phải nhận

Thấy tôi chất vấn lãnh đạo tỉnh liên tục trong các cuộc họp báo về tình trạng tham nhũng thuốc chữa bệnh, vài bác sĩ, cán bộ ngành Y cung cấp thêm những cuộc “ăn” tàn bạo hơn nữa trong mua sắm trang thiết bị y tế, và xây dựng công trình. Điều này chính cơ quan Thanh tra tỉnh từng 2 lần vào cuộc, cho ra đời 2 bản Kết luận thanh tra. Kết luận số 38 do Thanh tra tỉnh tự tiến hành trong 45 ngày, công bố từ ngày 15/9/2015 về việc mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) tại 33/48 đơn vị thuộc Sở Y tế.

Dù chưa thanh tra tới 2 bệnh viện lớn nhất tỉnh, đoàn cũng phát hiện rất nhiều sai phạm trong các cuộc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) không đồng bộ, không sử dụng được, nhất là số TTBYT mua bằng nguồn vốn vay ADB. Trong số TTBYT được chi gần 148 tỷ đồng để mua sắm, đã phát hiện tới hàng trăm loại TTBYT mới mua đã hỏng, mua mà không dùng lên tới cả chục tỷ đồng. Hầu hết các cuộc mua sắm này do Phòng Tài chính Kế toán Sở tham mưu Giám đốc Sở ký, rồi ấn về cho cơ sở  “đắp chiếu”.

Ô, lộng nào bao che?

Ngày 21/9/2015 báo Tiền Phong đăng bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm: Nhóm lợi ích thao túng!”. Ngay sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo tỉnh Đắk Lắk phải nhanh chóng làm rõ các sai phạm cả về mua sắm TTBYT lẫn đấu thầu thuốc để xử lý nghiêm, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký quyết định thành lập đoàn liên ngành. Cuộc thanh tra kéo dài tới gần 8 tháng sau mới công bố được bản Kết luận số 4365. Dù đầy “mảng tối” chưa soi, Kết luận số 4365 cũng cho thấy nhiều dấu hiệu phạm pháp. Thông báo số 104 ngày 27/5/2016 do ông Phạm Ngọc Nghị-Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk ký, “giao cho Công an tỉnh điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/6/2016”.

Trả lời những câu phỏng vấn của tôi ngay sau khi nhận nhiệm vụ này, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi- Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: “Sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong thời gian sớm nhất, vì các dấu hiệu phạm pháp đã rõ”. Lời tuyên bố của tướng Rơi đăng trên báo Tiền Phong khiến công luận vui mừng, hy vọng ngành Y sắp được thanh lọc, cải tổ bộ máy.

Thế nhưng, nhóm tham nhũng ở Sở Y tế vẫn bình chân như vại  dù báo Tiền Phong đăng thêm hàng chục bài điều tra nữa về sai phạm của nhóm lợi ích này trong nhiều vụ mua sắm khác, như mua 111 dàn máy vi tính trước ngày bàn giao 10 năm, mua máy hấp rác 7,6 tỷ đồng; mua 280 thùng rác khủng bị bệnh viện tỉnh trả lại, không chấp hành lệnh cấp trên về công tác nhân sự; vi phạm nghiêm trọng Luật Dược trong đợt tổ chức đấu thầu thuốc năm 2017; lũng đoạn công trình xây dựng Bệnh viện Đa khoa Vùng nghìn tỷ... Tháng 11/2017, Hội đồng giám định của Bộ Y tế sau khi ngâm cứu khá lâu, cũng đã ban hành Kết luận số 1257, xác nhận sai phạm trong đợt đấu thầu thuốc 2014-2015 về 7 mặt hàng bị đổi nhóm, trách nhiệm chính thuộc về Giám đốc Sở và các Tổ giúp việc.

Riêng Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long còn lộ thêm chuyện quan hệ bất chính, xúc phạm lãnh đạo, dọa “tiêu diệt” nhà báo... Phóng viên hỏi vì sao không xử lý kỷ luật? Câu hỏi đó các cơ quan chức năng cứ “câu giờ” đá bóng trách nhiệm. Ngày Tướng Rơi về hưu đầu tháng 6/2018, tôi lại điện thoại, hỏi quan điểm của ông về lời tuyên bố 2 năm trước tới nay có gì thay đổi không? Chẳng lẽ ông cũng “hứa cho nhiều, rồi lại quên?”. Tướng Rơi trả lời: Anh em vẫn đang làm, chưa xong thôi!

Tháng 8/2018, Đại tá Vũ Hồng Văn, nguyên Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát Cơ động được điều từ Hà Nội vào, trong cuộc trò chuyện với tôi tại Văn phòng Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, Đại tá Văn cho biết ông “đọc không thiếu bài nào trên báo Tiền Phong”, nên hiểu rõ những vấn đề phóng viên ưu tư, gửi gắm. Ông bày tỏ, “không chỉ nhằm mục tiêu giữ gìn an ninh trật tự, mà còn cao hơn thế, vì một xã hội đúng nghĩa thái bình”.    

Tháng 11/2019 Đại tá Văn nhận quyết định chuyển đi làm giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai. Trước khi rời Đắk Lắk, ông đến cảm ơn báo Tiền Phong đã hợp tác hiệu quả, và thẳng thắn thừa nhận “vẫn nợ” một số vụ cơ quan Điều tra chưa xử lý xong, trong đó có vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đã khởi tố từ ngày 1/3/2019 tại Sở Y tế Đắk Lắk. Lý do: Phải chờ Bộ Y tế trả lời về kết quả giám định thêm 40 mặt hàng thuốc bị đổi nhóm, đổi hàm lượng.

MỚI - NÓNG