Sự thật về vụ tuyệt thực của nguyên nữ giảng viên Đại học

Sự thật về vụ tuyệt thực của nguyên nữ giảng viên Đại học
TPCN - Ở Hà Nội, dư luận đang xôn xao về vụ một (nguyên) nữ giảng viên đại học tên là Nguyễn Thị Thái tuyệt thực để đấu tranh với những xử lý kỷ luật chị mà theo chị là thiếu khách quan, vi phạm pháp luật của Trường ĐHKHTN thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Sự thật về vụ tuyệt thực của nguyên nữ giảng viên Đại học ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Thái, ngày tuyệt thực thứ 17. Ảnh: H.V

Tính đến thời điểm này (29/4), chị Thái đã tuyệt thực được 20 ngày, sụt 7,5 kg, bắt đầu phải thở bằng ôxy.

Theo ý kiến một số bác sĩ, đây là giai đoạn sức khỏe bắt đầu suy sụp nhanh theo hướng xấu, kể cả sau này khi đã ngừng tuyệt thực thì cũng rất khó phục hồi...

Ngày 10/4 chị Thái bắt đầu tuyệt thực. Ngày 11, chúng tôi đến nhà chị với tâm trạng không vui. Thời buổi này mà còn có người dùng biện pháp đấu tranh cực đoan như thế ngay giữa Thủ đô Hà Nội !

Được biết chị sinh ra và lớn lên trong một gia đình cơ bản, có một người chồng thành đạt, hai đứa con giỏi giang (đều đang du học ở Úc).

Chị lại là người có trình độ, từng là giảng viên của một trường đại học lớn! Chúng tôi đã nói thẳng: “Không thể ủng hộ phương pháp đấu tranh này của chị !”.

Thái độ chị Thái khá bình tĩnh : “Thật ra, chẳng có ai ủng hộ cách làm này của tôi cả, từ chồng, con, anh em ruột, họ hàng đến bè bạn thân thiết. Nhưng tôi không còn cách nào khác”.

Chúng tôi ngồi trên gác 3, nhà số 4, phố Bà Huyện Thanh Quan, quận Ba Đình nửa ngày, đọc một đống hồ sơ được trình bày mạch lạc, rõ ràng theo cách của người làm khoa học.

Sự thật về vụ tuyệt thực của nguyên nữ giảng viên Đại học ảnh 2
Chị Nguyễn Thị Thái, ngày tuyệt thực thứ 17. Ảnh: H.V

Đọc không xuể, chúng tôi mượn chị Thái mang về cơ quan đọc tiếp và bắt đầu lờ mờ hiểu được lý do “không còn cách nào khác” mà chị Thái nói.

Ngay buổi chiều hôm ấy, chúng tôi liên lạc với ông Phạm Trọng Quát, Phó Giám đốc ĐHQGHN. Cách đây khoảng 7 năm, khi xảy ra vụ việc, ông Quát làm Trưởng ban Tổ chức cán bộ, là người ký quyết định thu nhận chị Thái sau khi chị đi học thạc sĩ ở Úc về nước, để ĐHKHTN “giải quyết chế độ hưu trí”.

Ông Quát cho biết : “Vụ việc này xảy ra từ năm 1999. Hồi đó những người xử lý đã có cách nghĩ đơn giản, phạm phải một số sai lầm nên năm 2003 (4 năm sau - người viết nhấn mạnh) GĐ ĐHQGHN Đào Trọng Thi đã ký Quyết định 32, hủy bỏ các quyết định của ĐHKHTN trong việc xử lý vi phạm của chị Thái “để tiến hành lại từ đầu”.

Nhưng đã 3 năm nay, chị Thái không chấp nhận QĐ này và tiếp tục khiếu kiện. Chúng tôi cũng chưa biết xử lý thế nào...”

Chúng tôi hỏi chị Thái lý do, chị cho biết : “Tôi khiếu nại mình bị ĐHKHTN buộc thôi việc trái pháp luật, nhưng tại điều 1, QĐ 32 đã không công nhận nội dung này thì tôi làm sao có thể chấp hành ?

Tôi phải chịu oan sai và bất công trong 4 năm trời, nhưng QĐ 32 chỉ buông một câu hủy bỏ các quyết định cũ, tiến hành xem xét việc kỷ luật tôi lại từ đầu là xong ư ?”

Hỏi : “ĐHKHTN cho biết họ chưa hề có quyết định buộc thôi việc chị, ngược lại trong tay còn có lá đơn của chính chị xin nghỉ công tác, hưởng chế độ bảo hiểm một lần ?”

Trả lời : “Phải gần 2 năm sau, khi biết được sự thật, tôi đã khóc ngất đi vì biết mình bị lừa dối, bị sa vào một cái bẫy tinh vi chưa từng thấy. Tôi kiên quyết đấu tranh đến ngày hôm nay, cũng vì lẽ ấy”.

Câu chuyện của chị Thái

(Phần hồ sơ và trình bày của chị Thái khá dài, chúng tôi chỉ xin tóm lược)

Tháng 4/1998, chị Thái từ Úc trở về nước trong lúc hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn: con trai bị nghi mắc bệnh ung thư vòm họng, bố (lão thành cách mạng Lê Thành, nguyên Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng) bị tai biến mạch máu não.

Chị Thái vừa phải tiếp tục học ở trong nước, vừa phải chăm sóc bố và con trai. Ngày 15/11/98, thời gian học (tính cả thời gian gia hạn) kết thúc thì khoảng 1 tuần sau chị đến khoa Hóa học liên hệ đi làm trở lại.

Giữa chị và ông Chủ nhiệm khoa đã có chuyện to tiếng. Ông Chủ nhiệm cho rằng khoa Hóa chưa cần đến chuyên môn (Quản lý giáo dục và phát triển nguồn nhân lực) mà chị học ở Úc.

Đang bức xúc việc gia đình, chị đã làm đơn xin nghỉ không lương để liên hệ công tác mới ở khoa khác. Như vậy là chị có liên hệ với nhà trường chứ không tự ý bỏ cơ quan như trong quyết định kỷ luật sau này.

Lỗi của chị là đã không làm thủ tục nhập hồ sơ về nước với trường, nhưng có lẽ nó chỉ thuần túy lỗi thủ tục hành chính.

Trong lúc đang tìm việc làm mới (điều không dễ dàng với hoàn cảnh và chuyên môn của chị lúc bấy giờ) thì ngày 25/5/99, Hội đồng kỷ luật ĐHKHTN họp, ra Thông báo 597/TCCB, kết luận đưa chị Thái ra khỏi danh sách biên chế (?), được hiểu là buộc thôi việc với lý do “đi nước ngoài hết hạn từ 7/98 đã về nước nhưng không báo cáo kết quả học tập ở nước ngoài, không làm thủ tục về nước và không đến cơ quan làm việc”.

“Bà Lý Thị Túc, nguyên phó Phòng TCCB cho tôi biết : “Tao rất tiếc cho mày. Mày đã bị kỷ luật đưa ra khỏi biên chế vì cấp cơ sở không ủng hộ... Nếu bị kỷ luật, mày sẽ không được hưởng một chế độ gì cả. Mày chỉ còn cách viết đơn xin về hưởng chế độ hưu một lần thì còn lĩnh được mấy triệu, không thì trắng tay”.

Ông Nguyễn Văn Mậu, hiệu trưởng ĐHKHTN cũng nói : “Tôi biết chị là một cán bộ có năng lực nhưng không làm khác được vì HĐKL đã quyết định kỷ luật đưa chị ra khỏi biên chế. Chúng tôi có thể giúp chị đỡ thiệt thòi bằng cách nhận đơn xin giải quyết chế độ hưu một lần. ”Trong lòng rất buồn vì không còn con đường nào khác, tôi đành viết đơn xin về nghỉ hưởng BHXH một lần...” - Chị Thái nghẹn ngào kể lại.

Xin lưu ý, khi ấy chị Thái mới 43 tuổi (độ tuổi sung sức của những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu), thông thạo 2 ngoại ngữ, đã tốt nghiệp trường ĐH nổi tiếng Lomonosov và có bằng Diploma của ĐH Sydney.

Thay vì tạo điều kiện cho một giáo viên như thế tiếp tục cống hiến, những người ở ĐHKHTN lại tìm cách cho cô giáo Thái về hưu, và gọi đây là “một giải pháp hết sức nhân đạo của HĐKL trường (!)” (trích nguyên văn CV 1845/TCCB của ĐHKHTN gửi ĐHQGHN).

Chưa kể khi ấy nữ đồng nghiệp này đang có con nghi bị u ác và bố nằm liệt giường vì tai biến mạch máu não !

Trong quá trình xin trợ cấp thôi việc nhưng không được ĐHKHTN chấp nhận với lý do những người thuộc diện bị kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng chế độ này, chị Thái mới được tiếp cận các hồ sơ lưu trữ và phát hiện ra nhiều văn bản theo chị có dấu hiệu ngụy tạo, tiền hậu bất nhất.

Sự thiếu rõ ràng này dẫn đến cách hiểu không thống nhất giữa các cơ quan chức năng, tạo khe hở cho sự biến báo gây bất lợi cho chị. Nhiều cuộc họp không hề có bản kiểm điểm, đương sự không được tham dự với tư cách người bị kỷ luật, nhiều quyết định chị không được tống đạt.

Những người có vi phạm nặng hơn chị thì chỉ bị khiển trách, sau này còn lên chức lên lương, trong khi chị thì bị kỷ luật với hình thức cao nhất v.v... Tóm lại, sự bưng bít thông tin đã tạo một áp lực nặng nề, u u minh minh. Việc ra kết luận kỷ luật “đưa ra ngoài biên chế” theo chị Thái thực chất là để “ép” chị phải tự nguyện viết đơn xin “về một cục” !

 “Ai đó nghĩ rằng, tôi sẽ chịu bó tay vì đã tự chui đầu vào cái bẫy của chính mình”.

Thế là bắt đầu một hành trình đội đơn đi kiện cho đến khi có QĐ 32 của ông Đào Trọng Thi, hủy bỏ những quyết định sai của ĐHKHTN. Nhưng quyết định này chị Thái không chấp nhận vì tại ngay điều 1 đã khẳng định “không công nhận các nội dung khiếu nại cho rằng Trường ĐHKHTN đã kỷ luật buộc thôi việc đối với bà Nguyễn Thị Thái vì trường không (có) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc”. 

Và thế là sự việc tiếp tục dậm chân tại chỗ thêm... 3 năm nữa !

Tôi hy vọng mình không phải chết!

Sau khi chị Thái tuyệt thực được một thời gian, đại diện ĐHKHTN và ĐHQG HN, đích thân Phó GĐ Phạm Trọng Quát đã trực tiếp tới nhà chị Thái đàm phán. Nhưng đến nay mọi việc vẫn bế tắc vì một bên yêu cầu giải quyết vấn đề theo QĐ 32 còn một bên nhất định không chịu.

Thậm chí ĐHQGHN đã chịu “nhún” khi gửi dự thảo công văn (?) ngày 21/4/2006 của ông Phạm Trọng Quát với lời lẽ nhận lỗi hết sức mềm mỏng : “Thời gian qua, trường ĐHKHTN trong khi xử lý kỷ luật Bà đã có những sai sót, khuyết điểm về trình tự, thủ tục, dẫn đến một số quyết định sai làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Bà...

ĐHQGHN đang kiên quyết chỉ đạo trường ĐHKHTN và các bộ phận có liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý kỷ luật đối với tập thể và cá nhân sai phạm trong quá trình giải quyết và xử lý kỷ luật Bà...

Chúng tôi hy vọng với tinh thần hợp tác của Bà, một nhà giáo đã có quá trình nhiều năm công tác tại trường, mọi vướng mắc hiện nay sẽ được tháo gỡ, quyền lợi chính đáng của Bà sớm được khôi phục...” (trích)

Nhưng chị Thái kiên quyết từ chối hợp tác bởi cái chị cần biết bây giờ là trường có công nhận đã “buộc thôi việc chị” sai hay không ? Có nghĩa, chị vẫn phản đối điều 1 của QĐ 32.

Chúng tôi tự hỏi, một việc không lớn, người khiếu nại là một giáo viên đã đội đơn 6 năm trời tới khắp các cửa, từ Bộ Nội vụ tới Văn phòng Thủ tướng Chính phủ mà cho đến nay ĐHQGHN vẫn chỉ căn cứ mỗi một QĐ 32 ký cách đây 3 năm để giải quyết ?

Phải chăng vì đã mất lòng tin ở ĐHQG mà chị Thái đã quyết định tuyệt thực? Không ủng hộ biện pháp đấu tranh cực đoan của chị Thái, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy phải chăng có sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, bị động trong cách giải quyết vụ việc này từ phía các cơ quan hữu quan?!

Từ khi chị Thái tuyệt thực, một số đơn vị đã vào cuộc tích cực hơn nhưng chưa tìm được biện pháp nào khả dĩ. Người đấu tranh thì đang yếu đi từng ngày. Một việc nhỏ, nếu giải quyết không đúng có thể sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Đừng để rồi sự ân hận trở nên quá muộn màng.

Trở lại nhà chị Thái ngày 27/4. Chị đi lại và ăn nói đã khó khăn hơn rất nhiều so với trước. Người gầy rộc, mắt mờ. Người tuyệt thực thường phải hạn chế hoạt động tối đa để tiết kiệm năng lượng cho cơ thể.

Thế nhưng từ khi nhịn ăn, chị Thái dường như còn làm việc nhiều hơn lúc bình thường ! Suốt ngày tiếp khách, in ấn giấy tờ, tiếp tục gõ cửa các cơ quan công quyền. Vì vậy sức khỏe chị đã suy sụp nhanh chóng.

Ngay cạnh giường xuất hiện 2 cái bình khí ôxy. “Thế mà bây giờ vẫn có người nghĩ tôi tuyệt thực giả vờ để dọa ai đó !”. Chúng tôi hỏi : “Phải làm gì để chị ăn trở lại ?” - “ Trừ phi ĐHQG hủy bỏ QĐ 32,  ra quyết định mới. Khi ấy tôi sẽ ngừng tuyệt thực. Nếu quyết định mới thỏa đáng, tôi sẽ hợp tác, ngược lại tôi sẵn sàng lấy cái chết để chống tiêu cực”.

Chúng tôi chẳng biết nói thêm gì. Người thân, bạn bè từ khắp nơi gọi điện, những người ở Hà Nội đến nhà chị cả ngày lẫn đêm để khuyên nhủ, nhưng đều bị từ chối.

Trước khi chúng tôi ra về, chị Thái một lần nữa bày tỏ : “Đòi hỏi của tôi có gì lớn đâu ? Tôi tin rằng vẫn còn những người tốt. Và tôi hy vọng mình sẽ không phải chết !”.

Những sai phạm của trường ĐHKHTN đã khá rõ ràng, cơ quan cấp trên cũng đã biết. Tại sao vẫn xảy ra sự kiện nghiêm trọng này ? Nguyên nhân chính là vụ việc đã bị để kéo dài quá lâu mà không được giải quyết dứt điểm. Dường như các cơ quan chức năng đã lúng túng trước một phương pháp đấu tranh cực đoan của người bị oan sai.

Theo chúng tôi, hiện nay chỉ còn thiếu  một quyết định mang tính đột phá của người có trách nhiệm cao nhất. Đưa vụ việc này lên công luận, chúng tôi muốn nói: Thời gian không còn nhiều nữa.

Xin hãy lấy tính mạng con người làm trọng. Các cơ quan và cá nhân cần vào cuộc tích cực hơn nữa với tinh thần cầu thị, thiện chí, đúng pháp luật trước khi sự việc trở nên quá muộn. Tất nhiên không thể thiếu một sự điều chỉnh và thái độ hợp tác của chị Thái. 

4/2006

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.