Trận đầu và mãi mãi - Kỳ cuối:

Sử xanh mãi nhớ các anh

TP - 50 năm sau kể từ trận đánh trên biển năm 1964, cựu chiến binh đại tá Hoàng Kim Nông nguyên là chiến sĩ hàng hải tiếp đạn nhớ như in những khoảnh khắc khốc liệt nhất của trận đánh. Ông bảo: “Đó là những ngày hoa lửa đẹp nhất của cuộc đời tôi. Bây giờ không được vùng vẫy trên biển nữa, nhưng trận đánh tàu địch ngày 2 và 5/8/1964 không thể nào quên được”.

Một thời hoa lửa

Để tường tận về trận đánh trên sông Lạch Trường, Thanh Hóa 50 năm trước, chúng tôi đến nhà ông- đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kim Nông. Không bất ngờ bởi căn nhà giản dị khiêm nhường của vị đại tá nằm cạnh những khối nhà cao tầng, nhưng bất ngờ về tinh thần và chí khí chiến đấu của người cựu binh đã về với cuộc sống đời thường hơn 10 năm. 

“Mình vẫn là người lính biển, chỉ khác là lính biển của đời thường thôi. Nói thật 50 năm rồi, nhưng trận đánh ngày ấy vẫn hằn nguyên trong ký ức mình, không bao giờ quên, và mãi mãi như thế”, đại tá Nông đón chúng tôi với lời tâm sự như thế.

Sử xanh mãi nhớ các anh ảnh 1 Tàu của phân đội 3 chiến đấu tại Bãi Cháy, Quảng Ninh trong trận thắng đầu ngày 5/8/1964. (ảnh tác giả chụp lại từ ảnh tư liệu Lữ đoàn 171) 

Tách trà xanh đặt ra giữa phòng khách, đại tá Nông bắt đầu câu chuyện với vẹn nguyên khí thế trận mạc: “Ngày ấy nói đánh Mỹ là hăng hái lắm. Mặc dù gian khổ, song tinh thần chiến đấu luôn sôi sục. Chỉ tiếc ngày ấy mình không chiến đấu và cống hiến nhiều hơn nữa”.

- Câu chuyện về thời khắc chiến đấu đó thế nào thưa ông?

- Lúc đó tôi giữ chức vụ chiến sĩ hàng hải trên tàu 187, anh Lê Xuân Tiếu làm thuyền trưởng. Trưa ngày 5/8, tàu chúng tôi đang neo tại Hòn Ngư (Cửa Hội, Nghệ An). Vừa ăn cơm xong, bắt đầu nghỉ trưa thì thấy chuông báo động liên hồi. Thì ra máy bay thả bom thành phố Vinh, các căn cứ hải quân và bị ta đánh trả quyết liệt. Sau khi phát hiện tàu hải quân ta, địch điên cuồng trút bom. 

Là chiến sĩ hàng hải nhưng đảm nhiệm luôn tiếp đạn cho vị trí pháo số 3 phía trước. Trước những đợt giội bom của Mỹ, thuyền trưởng Lê Xuân Tiếu vừa động viên anh em giữ vững tinh thần chiến đấu, vừa trực tiếp cầm lái điều khiển tàu theo hình dích dắc dọc ngang tránh bom địch.

Lúc đó bom Mỹ giội xuống như vãi trấu nhưng chẳng ai sợ. Bỗng một quả tên lửa của địch trúng đài chỉ huy tàu. Cánh tay trái của thuyền trưởng Tiếu bị mảnh đạn chém gần đứt rời, chỉ còn dính chút da. Để tiếp tục chiến đấu, anh Tiếu đã lệnh cho đồng chí Liêm là chiến sĩ báo vụ lấy dao chặt cho đứt hẳn, nhưng Liêm không dám làm. Anh Tiếu đành xé áo buộc chặt vết thương rồi giắt vào cạp quần cho khỏi vướng và tiếp tục chiến đấu”.

Nửa thế kỷ khóc thương đồng đội

Phút giây xúc động chen lẫn niềm kiêu hãnh khiến đại tá Nông nghẹn lại. Ông nhấp thêm ngụm trà nóng rồi bảo: “Mỗi lần nhắc về đồng đội cũ lại thấy thương nhớ quá. Nửa thế kỷ rồi, những ký ức ngày ấy vẫn vẹn nguyên chưa hề phai nhạt”.

Sử xanh mãi nhớ các anh ảnh 2 Đại tá Anh hùng LLVTND Hoàng Kim Nông. Ảnh: Duy Hiển

Nước mắt ông rưng rưng, lặng một lúc nén niềm xúc động, ông tiếp tục câu chuyện: “Trận chiến mỗi lúc một ác liệt. Chính trị viên tàu 187 lúc đó là đồng chí Đoàn Bá Ký chạy đi chạy lại như con thoi động viên anh em. Anh vỗ vai tôi “Cậu lính trẻ, bình tĩnh nhé”. Anh vừa dứt lời, tôi như nghe tiếng đổ ịch đằng sau. Ai ngờ anh trúng đạn khi vừa dứt lời nói. Lúc đó mắt anh vẫn mở, nước mắt trào ra, môi mấp máy như muốn nói điều gì. 

Tôi ghé tai sát anh mà không sao nghe được. Trong linh cảm tôi hiểu anh nhắc chúng tôi hãy cố gắng giữ tàu. Bất thần, một tiếng nổ chớp lòe làm cả đội hình pháo bị hất văng. Chiến sĩ Bằng, Thuận hy sinh, anh Hy, anh Bê bị thương nặng. Khi tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm gọn trong gầm bệ pháo, toàn thân đầy máu, quần áo rách tươm. Lúc đó toàn tàu chỉ còn 5 người lành lặn trong số 30 người. 

Lúc này chiến sĩ Nguyễn Thanh Hải bị trúng đạn nằm gần bệ pháo. Tôi và mọi người bò đến đỡ anh dậy thì chỉ còn nghe được tiếng anh thều thào: “Dựng tôi dậy cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối”. Năm ấy, Hải tròn đúng tuổi đôi mươi. Anh ấy người ở xã Nga Hải, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, cùng quê với tôi. Thương lắm!”... 

Tôi và mọi người bò đến đỡ anh dậy thì chỉ còn nghe được tiếng anh thều thào: “Dựng tôi dậy cho tôi nhìn Tổ quốc lần cuối”. Năm ấy, Hải tròn đúng tuổi đôi mươi.

Đại tá Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kim Nông
Ông Nông khóc. Giọt nước mắt của người cựu chiến binh đã trải qua nhiều trận đánh hôm nay nhớ thương đồng đội chen lẫn niềm tự hào. 50 năm trước, chiến sĩ hàng hải Hoàng Kim Nông khóc để tiễn đưa đồng đội trên tàu. Và hôm nay, sau 50 năm, giọt nước mắt của người anh hùng đặc công nước thêm một lần nữa khóc thương cho những đồng đội thân yêu. Giọt nước mắt xen lẫn nỗi đau và niềm kiêu hãnh. “Sau trận chiến đấu ấy, tôi không nghĩ là mình còn sống. Nhiều chiến sĩ ra đi tuổi còn rất trẻ. Họ đã hy sinh để tôi được sống, để sông biển Việt Nam tươi đẹp như ngày nay”, đại tá Nông chia sẻ.

Những ngày này, người anh hùng đặc công nước xứ Thanh đang có mặt ở Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân (Hải Phòng). Ông là một trong những nhân chứng sống trong trận chiến lịch sử ngày 5/8 năm mươi năm trước. “Mình đi Hải Phòng dự lễ kỷ niệm 50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu. Lâu quá rồi mới gặp lại những đồng đội cũ. Niềm vui như được nhân lên, và cả tiếc thương cho những đồng đội ngã xuống nữa”, đại tá Nông nói qua điện thoại.

Quyết tâm giữ biển

Trong những ngày tháng tám lịch sử này, các lực lượng bộ đội hải quân, từ đất liền đến đảo xa, từ đài, trạm hay trên những con tàu lênh đênh trên biển xa, đang lấy trận đầu Hải quân Việt Nam thắng giặc làm bài học rèn luyện. 

Trong niềm tự hào ấy, có những nhân chứng lịch sử đã trải qua suốt dặm dài cuộc chiến tranh, có những mái đầu bạc phơ bởi hàng nghìn lần lăn lộn với biển xa đảo vắng, và cả những mái đầu xanh chưa một lần cầm súng. 

Mỗi người có một tâm trạng riêng, một cung bậc cảm xúc khác nhau khi nghe các cựu binh kể về trận đánh lịch sử. Nhưng tất cả có một điểm chung là tự hào kiêu hãnh về chiến công vang dội trận thắng đầu và quyết tâm một lòng bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Sử xanh mãi nhớ các anh ảnh 3 Kế thừa chiến thắng trận đầu, các chiến sĩ Hải quân Lữ đoàn 171 vững vàng tay súng. Ảnh: Châu Thư

“Trận thắng đầu cách đây 50 năm về trước, chính là ngọn lửa của ý chí quật cường, là bài học về cách đánh thao lược sáng tạo để thế hệ hôm nay noi gương và tiếp bước. Đến bây giờ nó còn nguyên giá trị lịch sử và thời sự. 50 năm là chặng đường khá dài so với dòng chảy thời gian, song chiến công của trận thắng đầu vẫn vang vọng, đã và đang được các thế hệ cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam kế thừa, mà bằng chứng cụ thể là bảo vệ yên bình biển đảo của Tổ quốc trong 50 năm qua. Chiến công của trận thắng đầu không chỉ khẳng định đường lối chiến lược, nghệ thuật tác chiến trên sông biển, mà còn khẳng định sức mạnh tinh thần dám đánh và quyết thắng của bộ đội hải quân tuy còn non trẻ, làm bàn đạp để chiến thắng những trận đánh sau đó”, đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân khẳng định. 

Trước diễn biến phức tạp, căng thẳng và nhiều động thái mới trên biển Đông, nhất là mưu đồ hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, cán bộ, chiến sĩ lực lượng Hải quân Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc là sứ mệnh thiêng liêng, là kế thừa truyền thống trận thắng đầu 50 năm trước.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng âm vang của chiến thắng trận đầu vẫn còn in đậm trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam. 

Những câu chuyện cảm động của các nhân chứng kể về chặng đường hào hùng, oanh liệt năm xưa là bằng chứng sinh động về bài ca giữ nước của dân tộc ngày hôm nay. Lịch sử là một dòng chảy liên tục. Lịch sử cũng không bao giờ quên những chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên những con tàu 333, 336, 339 năm xưa. Những người đã tạc vào sử xanh tượng đài bất tử. Sử xanh mãi nhớ các anh- những người làm nên huyền thoại của trận thắng đầu. Trận thắng đầu ấy là bài ca bất diệt vang vọng về tinh thần yêu nước, là lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ hôm nay về trách nhiệm với biển đảo của Tổ quốc mình.

Trung úy Võ Quang Thường, chỉ huy phó quân sự Nhà giàn DK1/10 chia sẻ: “Tôi là lớp sĩ quan trẻ biết chiến thắng trận đầu qua lịch sử. Là những người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển trên thềm lục địa, kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông đi trước vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện tình yêu biển đảo của Tổ quốc”.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.