Sửa đổi Hiến Pháp: Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực

Sửa đổi Hiến Pháp: Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực
TP - “Hiến pháp cần tăng cường, bổ sung công cụ, thiết chế độc lập giúp Quốc hội thực hiện chức năng giám sát mà thực chất là kiểm soát quyền lực” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã phát biểu thảo luận hôm qua (16-11).

>Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn nói về văn hóa từ chức

> Đề nghị nghiên cứu 'nhất thể hoá' chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch nước
> Đặc biệt nhấn mạnh quyền con người, quyền công dân
> Xác định chín nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Theo ông Nhã, thiết chế đó là hệ thống cơ quan chuyên trách độc lập do Quốc hội lập ra.

QH được lập cơ quan lâm thời

Theo ĐB Nhã, hiện nay, các cơ quan này chỉ gồm Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Có thể quy định thêm trong Hiến pháp các thiết chế khác như Hội đồng Hiến pháp, cơ quan chống tham nhũng độc lập.

Ngoài ra, Quốc hội nên nghiên cứu, sửa quy định của Hiến pháp về Viện KSND, trả lại chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với các cơ quan hành pháp, tư pháp mà Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đã ghi nhận, nhưng đáng tiếc là khi sửa đổi, bổ sung đã bỏ đi cách đây 12 năm.

ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) phân tích: Quyền lực Nhà nước không phải tự nhiên sinh ra, mà xuất phát từ nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân thì mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước phải phục vụ và vì lợi ích nhân dân.

Nguyên lý như vậy, nhưng người ta thường bị tác động nhiều bởi tình cảm, với những khát vọng quyền lực, tiền bạc và cả dục vọng. Vì thế mà dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, tha hóa quyền lực Nhà nước đi ngược lại lợi ích của ông chủ là nhân dân.

“Tất yếu đó đòi hỏi phải có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, để Nhà nước phải làm đúng, làm đủ những gì mà nhân dân đã ủy quyền” - ông Đương nói.

Theo ông Đương, dự thảo có một số chế định về kiểm soát quyền lực Nhà nước, thể chế hóa quan điểm của Đảng ta, nhưng cần đậm nét hơn.

Cụ thể, cần bổ sung chế định thể hiện sự kiểm soát quyền lực ngay trong mỗi một hệ thống quyền lực, làm rõ để giải quyết được mối quan hệ giữa nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng.

Bổ sung quyền Quốc hội quyết định cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ (Điều 101), bổ sung thiết chế giúp Quốc hội có công cụ kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp, tư pháp - như lập Ủy ban Lâm thời (Điều 84). Ủy ban này sẽ thẩm tra các dự án, điều tra về một vấn đề nào đó hay các vụ việc sai phạm nghiêm trọng ở tập đoàn, tổng Cty…

“Tuy nhiên phải bổ sung quy định dựa trên kết quả kiểm tra, thanh tra đó, Quốc hội ra quyết định tương ứng: Yêu cầu chấm dứt dự án, yêu cầu Hội đồng thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định giám đốc thẩm có sai lầm nghiêm trọng…” - ông Đương nói.

Liên quan đến vấn đề giám sát của nhân dân, ĐB Đương kiến nghị quy định chế định về trưng cầu ý dân để xác định phúc quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia và hệ quả của trưng cầu ý dân, vì dự thảo mới chỉ nói đến thủ tục và thẩm quyền.

Thu hồi đất: Vênh nhau giữa dự thảo Luật và Hiến pháp

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo đề nghị ĐBQH hết sức lưu ý: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự thảo Luật đất đai sửa đổi (cũng thảo luận tại kỳ họp này) vênh nhau về chế định thu hồi đất.

Cụ thể, ở Khoản 3, Điều 59 dự thảo Hiến pháp quy định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng, có đền bù theo quy định của pháp luật.

Như vậy, dự thảo Hiến pháp quy định chỉ thu hồi đất trong 3 trường hợp (vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia). Trong khi đó, tại dự thảo về sửa đổi Luật đất đai ngoài 3 lý do đó, còn thêm 2 lý do nữa: Đó là vì mục đích phát triển lợi ích công cộng (Điều 53) và điều kiện phát triển kinh tế xã hội (Điều 54).

“Cần có sự thống nhất, bởi hai văn bản này song hành nhưng Luật đất đai dự kiến thông qua vào tháng 5-2013 còn Hiến pháp đến tháng 11-2013 mới thông qua. Nếu Luật đất đai thông qua có 5 trường hợp được thu hồi đất sau đó đến Hiến pháp quy định chỉ có 3 trường hợp như vậy sẽ rất khó xử lý” - ông Thảo kiến nghị.

Khẳng định quyền tài sản về đất đai

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền đề nghị Hiến pháp khẳng định hai vấn đề quan trọng: Thứ nhất, khẳng định quyền sở hữu tài sản là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Hiến pháp của nhiều nước cũng quy định vấn đề này và đây là tư tưởng xuyên suốt để xác định mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, liên quan đến vấn đề sở hữu tài sản.

Thứ hai, đề nghị Hiến pháp nâng tầm quyền sử dụng đất (trong Bộ luật Dân sự hiện hành) và hiến định đó là quyền về tài sản.

“Vấn đề này đã được quy định trong Bộ luật dân sự, nhưng nếu quy định trong Hiến pháp thì nó là một trong những kênh chỉ đạo xuyên suốt để chúng ta hoạch định chính sách liên quan đến những vấn đề về đất đai”- ông Quyền nói.

Làm rõ chế định dân chủ trực tiếp

“Hiến pháp lần này quy định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, làm rõ hơn là dưới phương diện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, những nội hàm của dân chủ trực tiếp còn khá mờ nhạt, mới chỉ có một chế định trưng cầu dân ý. Dân chủ trực tiếp còn thể hiện nhiều khía cạnh, ví dụ như sắp tới chúng ta có tiến tới bầu một số chức danh trong bộ máy nhà nước hay không? Có bầu trực tiếp (do dân bầu) hay không? Phải có quy định mở ra; hoặc dân chủ trực tiếp thông qua quy định tiếp cận thông tin của dân. Cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa chế định về quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong bản Hiến pháp này.

ĐB Nguyễn Đình Quyền
Hà Nội

Đảng hoạt động trong khuôn khổ

Hiến pháp, pháp luật

“Điều 4 quy định về Đảng. Chúng ta có 3 chủ thể: Thứ nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam; Thứ hai là các tổ chức của Đảng; Thứ ba là đảng viên. Nhưng khi thiết kế Điều 4 thì chúng ta bỏ quên chủ thể quan trọng nhất là Đảng cho nên chúng ta chỉ quy định các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều 4 tôi chỉ xin thêm một từ ở đằng trước, tức là “Đảng, các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật” - ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM).

Ng. Tuấn
ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.