Sửa đổi Nghị định 67 để ngư dân bám biển: Tàu phải đủ sức vươn khơi

Hàng loạt tàu cá của ngư dân Bình Định bị hư hỏng đang chờ sửa chữa. Ảnh: Hoài Văn.
Hàng loạt tàu cá của ngư dân Bình Định bị hư hỏng đang chờ sửa chữa. Ảnh: Hoài Văn.
TP - Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thuỷ sản, trong đó, thay vì hỗ trợ lãi suất như trước đây, sẽ hỗ trợ một lần sau đầu tư (mức tối đa 8 tỷ đồng). Cùng đó, Nghị định có chính sách đầu tư cho hạ tầng cảng cá, khu neo đậu, đào tạo ngư dân… đồng bộ với đội tàu hiện đại.

Hỗ trợ ngay khi đóng tàu 6,7- 8 tỷ đồng

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 67, tới đây, việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới sẽ không phải thông qua lãi suất như trước, mà tập trung hỗ trợ một lần sau đầu tư.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là chủ tàu đóng mới (vỏ thép hoặc composite) và tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có tổng công suất máy chính 800 CV trở lên. Với tàu cá công suất từ 800 CV đến dưới 1.000 CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị tàu đóng mới, nhưng không vượt quá mức hỗ trợ tối đa 6,7 tỷ đồng/tàu. Tàu công suất 1.000 CV trở lên, được hỗ trợ 35% giá trị con tàu, nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.

Chính sách mới sẽ hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro, không bao gồm bảo hiểm ngư lưới cụ)…

Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ vụ hàng loạt tàu cá vỏ thép nằm bờ vừa qua, dự thảo nghị định lần nay sẽ  “cài” nội dung: Chủ tàu phải có trách nhiệm giám sát thi công trong suốt quá trình đóng tàu mới, cải hoán, duy tu, sửa chữa tàu cá. Nếu chủ tàu không có năng lực giám sát, chi phí thuê tư vấn phải tính vào giá trị con tàu.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, từ nguyên vật liệu, quá trình đóng cho đến khi hoàn thiện con tàu, không nên để ngư dân “đơn thương độc mã”. “Sở NN&PTNT phải được tham gia vào quá trình đóng tàu để hỗ trợ cho ngư dân, làm sao cuối cùng để con tàu đảm bảo chất lượng tốt vươn khơi”- ông Châu nêu quan điểm.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định ủng hộ  chính sách đóng tàu mới cần hỗ trợ một lần sau đầu tư: “Ngư dân có thể vay của ai, đóng tàu ở đâu là tùy lựa chọn, khi hoàn thành sẽ được hỗ trợ một lần, như vậy, sẽ tiện cho cả ngư dân, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Châu nói.

Đồng tình với cơ chế trên, nhưng ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa lưu ý, không nên để ngư dân “rờ” vào tiền mặt. “Ngư dân có thể đóng ở đâu, mua thiết bị chỗ nào, ngân hàng sẽ chi đến đó, chứ để ngư dân cầm tiền mặt, dễ bị mất cán bộ”- ông Thiên lo ngại.

Ông Thiên kiến nghị, cần hỗ trợ cho ngư dân mua ngư lưới cụ, vì họ đang phụ thuộc vào vốn vay “chợ đen” để mua sắm. Có tàu, máy tàu, trang thiết bị…nhưng không có ngư cụ thì ngư dân lấy đâu tiền trả nợ, nên phải đưa mục này vào Nghị định 67 sửa đổi.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết, tàu đóng theo Nghị định 67 đều là những tàu hiện đại, cần có trình độ để điều khiển hiệu quả nhất. “Cần phải miễn học phí đào tạo kỹ sư khai thác hải sản,vì hiện hầu như không có học sinh theo học ngành này. Cứ như hiện nay, rồi ai sẽ xuống tàu ra khơi, con em ngư dân, nông dân họ cũng chuyển đổi nghề nhiều rồi”- ông Thiên cảnh báo.

Hạ tầng đồng bộ với đội tàu

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, chích sách mới sẽ tiếp tục hiện đại hoá đội tàu chứ không làm tăng thêm tàu cá trên biển, vì nguồn lợi hải sản cũng tới hạn. Theo ông Tám, hiện Việt Nam có 30.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), tuy nhiên, một số nghề như lưới kéo, giã cào… rất nguy hiểm với hệ sinh thái. Do vậy, khoảng 12.000 tàu lưới kéo công suất trên 90CV tới đây sẽ hạn chế, thậm chí sẽ cho giải bản số tàu này. Những nghề được khuyến khích  phát triển mới là lưới vây, nghề câu, chụp, dịch vụ hậu cầu… Về vốn tín dụng lưu động, dự thảo Nghị định mới tăng cho vay tối đa theo hình thức vay tín chấp, có thể thanh toán từng năm, chứ không phải trả cả gốc và lãi sau từng chuyến biển rườm rà như trước đây.

“Đây cũng là chính sách hợp lý, vì hầu hết các tàu khai thác trước khi ra khơi, ngư dân thường vay lãi suất cao của các nậu vựa (đầu nậu cho vay mua nước đá, xăng dầu - PV) từ đó nậu vựa chi phối, ép giá, bất lợi cho ngư dân”- ông Tám nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian qua, hệ thống hạ tầng nghề cá xuống cấp, chưa được đầu tư tương xứng với sự phát triển của đội tàu. Do vậy, Nghị định 67 sửa đổi tập trung đầu tư cho hạ tầng (cảng cá, bến cá, khu neo đậu, 5 trung tâm nghề cá…) để đồng bộ với đội tàu hiện đại. Do đó, những hạng mục này, ngân sách T.Ư sẽ đầu tư 100%. Cùng với đó, nghị định sẽ tập trung cho “phần mềm”, phải đào tạo, tập huấn cho ngư dân, có thể sử dụng hiệu quả tàu hiện đại. Ngài ra, Bộ NN&PTNT cũng trình Chính phủ đóng tàu viễn dương, hợp tác với các nước để đánh bắt hải sản trên các vùng biển quốc tế.

Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư cho rằng, Nghị định 67 như một cú hích với ngành thủy sản, đặc biệt là đội tàu trên biển, cơ cấu lại và nâng cao năng lực đội tàu. Theo ông, với khoảng 800 tàu, mới đóng, nâng cấp, trong đó hơn 300 tàu vỏ thép, công suất lớn vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu của Nghị định 67 là 2.284 tàu.

Ông Phát cho rằng, để chương trình phát huy hiệu quả, cần thiết chế rõ các hợp phần, nguồn lực, bộ máy chỉ đạo, với trách nhiệm rõ ràng hơn. Cùng với việc hiện đại đội tàu, cần hạn chế tàu đánh bắt ven bờ, vì hiện đã quá nhiều. Cần ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư cho cơ sở hạ tầng, như: Cảng cá, khu neo đậu, hệ thống thông tin, giám sát tàu cá trên biển… tương thích với đội tàu mới. “Tàu ngư dân đang hoạt động ở Hoàng Sa, nếu chúng ta gọi về thì họ sẽ mất ngay 100 triệu. Vì thế, có thiết bị để cảnh báo chính xác rất quan trọng”- ông Phát nói.

Ngoài ra, ông Phát đề nghị Bộ Tài chính cần chỉ đạo rà soát chính sách bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, vì “nếu công đoạn này trục trặc, sẽ ảnh hưởng công đoạn khác”. Về bảo hiểm, Bộ NN&PTNT kiến nghị cần phải sửa đổi, vì trước đây, có địa phương chỉ định một công ty bảo hiểm, ngư dân không có nhiều lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm cũng như các hình thức bảo hiểm.

Sở NN&PTNT phải được tham  gia vào quá trình đóng tàu để hỗ trợ cho ngư dân, làm sao cuối cùng để con tàu đảm bảo chất lượng tốt vươn khơi”- ông Trần Châu, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.