Sửa luật để phạt nặng và siết chặt việc cấp bằng lái

Sửa luật để phạt nặng và siết chặt việc cấp bằng lái
TP - Sau khi đọc hai bài báo về tai nạn giao thông của hai vị giáo sư (một của Việt Nam, một của Mỹ), tôi thiết nghĩ chúng ta cần phải có báo động đỏ về ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Theo tôi, để ngăn chặn và hạ thấp tỷ lệ tai nạn giao thông, chúng ta cần phải sửa luật để xử phạt nghiêm và nặng những trường hợp vi phạm, vì hiện nay những chế tài xử phạt những hành vi vi phạm Luật Giao thông là quá nhẹ (xe máy vượt đèn đỏ cũng chỉ bị phạt dưới 100 ngàn đồng…).

Ngoài ra, cần hạn chế mật độ phương tiện lưu thông trên đường và về lâu dài cần thực hiện việc giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông.

Chúng ta có thể thực hiện được bằng việc nâng cao việc học, sát hạch và cấp bằng lái xe. Tôi nhận thấy, việc cấp giấy phép lái xe máy, xe ô tô của chúng ta còn quá dễ dàng và buông lỏng. Đây có thể coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lộn xộn trong giao thông hay nói đúng hơn là thiếu văn minh khi tham gia giao thông.

Ví dụ ở Pháp, để có bằng lái xe, trung bình mỗi người mất khoảng 4 tháng học lý thuyết và thực hành lái. Kỳ thi lý thuyết và thực hành được thực hiện rất gắt gao. Những người thi đậu bằng lái ngay lần đầu tiên chỉ khoảng 50%.

Sau khi có bằng lái, họ giữ gìn rất cẩn thận bằng việc chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, bởi việc xử phạt vi phạm Luật Giao thông rất nghiêm và nặng.

Bằng lái bên Pháp tính bằng điểm (cả ô tô và xe máy), người mới có bằng lái được 6 điểm, sau mỗi năm mà không vi phạm luật được cộng 3 điểm và điểm tối đa là 12.

Bạn có thể lấy lại mỗi 2 điểm đã mất bằng việc lái xe an toàn trong hai năm và qua khóa học và thực hành trong vòng 3 tháng.

Hay như việc xử phạt tại Pháp: Nếu bạn vi phạm vượt đèn đỏ, sẽ bị phạt 95 euro và bằng lái bị trừ đi ít nhất là 4 điểm. Nếu bạn bị phát hiện nồng độ cồn trong máu cao hơn cho phép, bạn sẽ bị trừ 6 điểm.

Nếu bạn lái xe quá tốc độ cho phép trong vòng 10km/h, bạn sẽ bị trừ 1 điểm và bị phạt 90 euro; với vi phạm cao hơn sẽ bị phạt nặng hơn và có thể bị thu giấy phép lái xe, ra tòa và bị cấm lái xe một năm hay nhiều hơn tùy mức độ vi phạm.

Khi lái xe ô tô, bạn không thắt dây an toàn sẽ bị phạt 135 euro. Khi đi xe máy, bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm... Chính vì như vậy, bạn sẽ cảm thấy thực sự an toàn mỗi khi ra đường.

Tất nhiên, mỗi nước, mỗi quốc gia có tình trạng giao thông khác nhau nhưng tất cả đều có điểm giống nhau là ai cũng có tinh thần, thái độ và trách nhiệm của người tham gia giao thông và người điều hành giao thông.

Nếu tinh thần và trách nhiệm của người tham gia giao thông cũng như người điều hành giao thông được nâng cao, giao thông sẽ an toàn và có trật tự hơn, tai nạn giao thông sẽ giảm.

Ở nước ta, chính việc buông lỏng quản lý và thiếu tinh thần trách nhiệm của những người điều khiển giao thông đã dẫn đến tình trạng giao thông hỗn loạn như hiện nay.

Tôi nhận thấy, cứ khi có Tháng An toàn giao thông, lực lượng chức năng mới đồng loạt ra quân và điều hành giao thông với trách nhiệm cao, nên tình hình giao thông trật tự hơn. Nhưng khi kết thúc, mọi việc lại như cũ. Điều này rất nguy hiểm, nó tạo tâm lý cho người tham gia giao thông coi thường pháp luật.

Lê Hùng
(Hà Nội)

MỚI - NÓNG