Kỷ niệm ngày 8/3 và 40 năm phát động phong trào “Ba đảm đang”

Sức mạnh từ nghị lực và trái tim nhân hậu

Sức mạnh từ nghị lực và trái tim nhân hậu
Sáng 1/3 tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội), TW Hội LHPN Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ gặp mặt những phụ nữ tiêu biểu của phong trào “Ba đảm đang”.

367 đại biểu, đại diện cho những phụ nữ ưu tú, xuất sắc trong phong trào và phụ nữ tiêu biểu tuổi 40 (sinh 1965 - năm phát động phong trào) đã về dự buổi gặp mặt lịch sử đầy ý nghĩa này.

Anh hùng đâu kém mày râu

Trong không khí sôi sục của những ngày Nam- Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, ngày 22/3/1965, TW Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm” với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con đi chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.

Sau đó, phong trào đã được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”. Sau thời điểm phát động 2 tháng, cô gái Ngô Thị Tuyển (Thanh Hoá) với thân hình mảnh dẻ, cân nặng chỉ 42kg nhưng vác được hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể trong trận máy bay Mỹ đánh cầu Hàm Rồng.

Nay cô gái 19 tuổi ấy đã bước vào tuổi 60 và đã là Trung tá Ngô Thị Tuyển. Đời chiến sĩ của vị nữ anh hùng LLVT vang dội là thế nhưng về đời sống riêng tư, hạnh phúc không được vẹn tròn và bà đã vượt lên cũng bằng tinh thần “Ba đảm đang”.

Năm 22 tuổi bà lập gia đình, chồng bà cũng là một người lính. “Chúng tôi mới chung sống với nhau được 5 ngày, anh ở lại chiến trường và đã hy sinh. 10 năm sau tôi lập gia đình với người sĩ quan quân đội là thương binh.

Chúng tôi không có con, hiện nay tôi nuôi 1 cháu gái con liệt sỹ. Gia đình tôi sống rất hạnh phúc trong ngôi nhà do Đảng, chính quyền, đoàn thể và đồng đội giúp đỡ xây dựng nên. Chồng tôi rất thông cảm và hết lòng yêu thương tôi…” Lời tâm sự nghẹn ngào của bà làm bật lên bao tiếng nấc. Rồi cả hội trường lặng đi vì xúc động, khóe mắt nhiều người rưng rưng.

Cũng ở tuổi 19, chị Quàng Thị Lĩnh, dân tộc Thái ở thị trấn Yên Châu (Sơn La) nhiệt tình tham gia phong trào “Ba đảm đang” khi mới phát động bằng cách xung phong vào đội dân quân xã.

Thấy máy bay Mỹ liên tục oanh tạc mảnh đất quê hương, người tiểu đội trưởng tiểu đội nữ dân quân này tức lắm và chị nung nấu quyết tâm “hạ gục” bọn gian ác.

Sau nhiều lần quan sát, chị Lĩnh đã tìm ra quy luật ném bom của máy bay địch. “Trong 1 lần máy bay oanh tạc, đúng lúc chiếc F105 sà xuống thấp, vào tầm ngắm của chúng tôi, tôi đã hạ lệnh: Bắn! Với những viên đạn súng trường của tiểu đội nữ dân quân, tôi và đồng đội đã góp phần bắn rơi máy bay phản lực của địch, mở đầu cho phong trào bắn máy bay địch tầm thấp bằng súng bộ binh ở Sơn La”-Bà Lĩnh kể lại.

Những trái tim luôn thổn thức việc nước, việc nhà

Chuyện về những phụ nữ “Ba đảm đang” thời chiến là vậy, còn thời bình thì sao? Chị Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng trường THPT Định Lương (Yên Định-Thanh Hoá) là gương tiêu biểu của phong trào “Ba đảm đang” trong thời kỳ mới.

Chị Huyền là con gái duy nhất trong gia đình bố là liệt sĩ, mẹ là phụ nữ tiêu biểu trong phong trào “Ba đảm đang”. Chị lớn khôn và trưởng thành nhờ sự hy sinh hạnh phúc riêng tư của người mẹ luôn hết lòng vì con. Là giáo viên, trong suốt hơn 10 năm giảng dạy, chị Huyền luôn đạt giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi, năm 2000 chị  được giao trọng trách hiệu trưởng trường THPT Định Lương. Nhưng thật trớ trêu, niềm vui vừa tới thì bất hạnh mất chồng lại ập đến với chị. Mất mát, đau khổ, chị tưởng chừng như không đủ sức vượt qua. “Chính công việc đã mang lại niềm vui để tôi đứng vững trong cuộc đời, tiếp tục nuôi dạy con cái học hành.

2 con tôi luôn đạt học sinh giỏi và cháu đầu vừa thi đỗ ĐH Cảnh sát TP.HCM” chị Huyền bộc bạch. Giảng dạy đã giỏi, làm công tác quản lý cũng tài: Từ ngày chị làm hiệu trưởng, trường Định Lương luôn đạt tiên tiến cấp tỉnh mà trước đó chỉ đạt cấp huyện, riêng năm 2002, trường nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT… “Sao chị không nhận lời những người đàn ông muốn cùng chia đắng, sẻ bùi?”.

Khẽ gạt những giọt nước mắt trực lăn trên má, giọng chị trầm xuống: “Ngẫm lại mình càng thấy thấu, mẹ mình rồi mẹ chồng đều là vợ liệt sỹ, cả 2 bà đã còm cõi 1 thân nuôi chúng mình nên người. Mình cũng sẽ tiếp bước 2 bà mẹ ở vậy thờ chồng, nuôi  con. Với mình, hạnh phúc luôn bắt nguồn từ sự hy sinh”.

Với chị Bùi Thị Lan- chủ cửa hàng phục vụ ăn uống mỗi năm doanh thu đạt 700 triệu đồng ở phường Chiềng Lề (Sơn La) thì việc kinh doanh luôn đi đôi với chăm sóc gia đình. Chị quê ở Thái Bình và lấy chồng là người dân tộc Thái ở tận Sơn La, nên chị luôn coi thành công lớn nhất là chung sống hoà thuận và được gia đình chồng hết lòng giúp đỡ khi quyết tâm con đường kinh doanh.

Không chỉ làm tốt vai trò người làm kinh tế, người vợ, người mẹ mẫu mực, chị còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội phụ nữ, đóng góp từ thiện, giúp đỡ người nghèo.

Để có được những thành công, những người phụ nữ tiêu biểu ngày hôm nay không phải đấu tranh như những cỗ máy sắt đá mà sức mạnh của họ là ở trái tim nhân hậu, biết trăn trở trước nỗi đau, trước bất hạnh để từ đó có nghị lực vươn lên làm chủ cuộc sống, hợp sức cùng chồng con xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Phương Hiếu

TW Hội LHPN Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho 338 cá nhân điển hình trong phong trào Ba đảm đang và 29 cá nhân tiêu biểu tuổi 40 có thành tích xuất sắc thời kỳ đổi mới. Thời kỳ “Ba đảm đang” có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5000 chị em là chiến sĩ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Phụ nữ Việt Nam xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang chống Mỹ cứu nước”.
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.