Sức trẻ hiến dâng cho mùa xuân Tổ quốc

TPO - Đã có những cán bộ, chiến sĩ mãi nằm lại với vùng biển thiêng liêng DK1 của Tổ quốc, bồi đắp thêm truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, để những thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương.

Vượt lên gian khó, hiểm nguy

DK1 có bao nhiêu nhà giàn? Không ít phóng viên báo chí và đông đảo người dân có lẽ đã từng đặt câu hỏi. Những bãi cạn mang tên Quế Đường, Phúc Nguyên, Tư Chính, Ba Kè, Phúc Tần, Huyền Trân… từ đâu mà có. Trong cuộc họp đoàn trước chuyến đi thăm, tặng quà Tết, theo chia sẻ của đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, khu vực biển DK1 nằm ở phía Đông Nam bờ biển Nam Bộ nước ta, độ sâu vùng biển trung bình từ 700 – 1.000 mét.

Xuất phát từ nhận thức vị trí, tầm quan trọng của vùng biển DK1 và tình hình phức tạp trên biển Đông, Việt Nam đã xây dựng Cụm kinh tế - Khoa học – Dịch vụ tại khu vực các bãi đá ngầm thuộc đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo (gọi tắt là DK1) nhằm đặt giàn đèn biển, các trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn, các trạm nghiên cứu khoa học về biển và cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá.

Sức trẻ hiến dâng cho mùa xuân Tổ quốc ảnh 1

Nhà giàn DK1 – Vững vàng nơi đầu sóng. Ảnh: Trường Phong

Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bão to, sóng lớn, có 5 nhà giàn đã bị đổ. Các cán bộ, chiến sĩ DK1, đã kiên cường bám trụ trên thềm lục địa phía Nam, dũng cảm vượt qua những mùa giông bão, gió mùa với những cơn sóng cao hàng chục mét và luôn phải đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài.

Cũng phải nói thêm, tên các bãi ngầm ở vùng biển DK1 cũng nhiều tầng ý nghĩa. Cụm Phúc Tần, một trong 7 cụm kinh tế - khoa học – dịch vụ thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được mang theo tên Nguyễn Phúc Tần, người có công giúp nhà Nguyễn mở rộng lãnh thổ. Bãi Phúc Tần cùng hợp với bãi Huyền Trân - mang theo tên Huyền Trân công chúa - người cũng giúp mở mang bờ cõi nước ta thời nhà Trần - thành một nhóm có chiều dài khoảng 28km, chiều rộng lớn nhất khoảng 26km, độ sâu từ 15,5 đến 200 mét. Rồi cụm Phúc Nguyên mang tên Nguyễn Phúc Nguyên, người có công giúp nhà Nguyễn khai phá trấn ải vùng đất miền Trung. Đây là bãi thoải không đều có độ sâu từ 18 – 200 mét...

Giữa sóng gió DK1, câu chuyện về những người “nằm xuống” khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc gây xúc động mạnh. Vào thời khắc giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, Quân chủng Anh hùng, bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Một cái chết để muôn ngàn lần sống, một cái chết rực khí phách kiên cường, sáng lên lòng quả cảm, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, trong trắng, thủy chung, sáng ngời phẩm chất bộ đội cụ Hồ - chiến sĩ hải quân trong thời đại mới.

Chúng ta quên sao được tấm gương hy sinh anh dũng và cao đẹp của Thượng úy Trần Hữu Quảng, đã nêu cao vai trò người Bí thư chi bộ, động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội để rồi thanh than đi vào cõi vĩnh hằng.

Xin tạc lòng ghi nhớ gương hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/6 cụm Phúc Nguyên, trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8/1998, nhà giàn bị nghiêng, lắc dữ dội nhưng các anh vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trần cuồng phong, giữa đêm đen mịt mùng, với tinh thần còn người, còn nhà trạm…

Nhà giàn bị đổ, cả 9 cán bộ, chiến sĩ bị hất tung xuống biển. Lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp là Đại úy, trạm trưởng Vũ Quang Chương, Chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, Chuẩn úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn hóa thân vào sóng nước đại dương.

Chúng ta quên sao được tấm gương hy sinh anh dũng của Liệt sỹ - Chuẩn úy Lê Đức Hồng, anh đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng. Khi nhà giàn DK1/6 Phúc Nguyên bị đổ, chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” để rồi thanh thản ra đi, mãi nằm lại với biển khơi, bồi đắp vững chãi thêm tượng đài chủ quyền giữa biển trời Tổ quốc…”, lời điếu văn hòa theo sóng nước.

Xin cứ yên tâm!

Trong khi chúng tôi đi theo tàu KN261 thăm, tặng quà các nhà giàn ở các cụm Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Ba Kè thì một đoàn phóng viên, báo chí đi theo tàu KN263 theo hướng còn lại, tặng quà cho các nhà giàn ở cụm Phúc Nguyên, Tư Chính, bãi cạn Cà Mau và Côn Đảo.

Kết thúc chuyến đi, phóng viên Hằng Nga – Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, vẫn cứ ấn tượng mãi với những nhà giàn giữa biển, sự dữ dội của biển cả và quyết tâm, ý chí của con người Việt Nam.

Sức trẻ hiến dâng cho mùa xuân Tổ quốc ảnh 2

Hai anh em Nguyễn Đình Nhật (trái) và Nguyễn Đình Đức bàn phương án lên nhà giàn. Ảnh: Hằng Nga

Theo phóng viên Hằng Nga, sóng to, gió lớn cũng khiến cả việc tặng quà, đưa người lên nhà giàn tuyến này đều gặp khó khăn. Cán bộ, chiến sĩ ra nhận nhiệm vụ cũng phải theo phương án bơi vào nhà giàn.

Hằng Nga bảo, ấn tượng nhất có lẽ là câu chuyện về hai anh em trai trên cùng chuyến tàu KN263 ra nhận nhiệm vụ ở Nhà giàn DK1/12. Trung úy Nguyễn Đình Nhật, Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/12 là em trai của Thuyền phó KN263 Nguyễn Đình Đức. Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Đình Đức bảo, đây là một chuyến công tác đặc biệt, lần đầu tiên anh được làm công tác vận chuyển hàng hóa ra nhà giàn, và cũng là chuyến tàu tiễn em trai đi công tác. “Hai anh em đều có nhiệm vụ riêng, thành ra muốn gần em thêm một chút cũng khó”, anh Đức nói.

Do gió to, sóng lớn, hai anh em phải bàn bạc mãi mới quyết định thống nhất phương án bơi vào nhà giàn. Anh Nhật cũng đã đi mấy "tăng" ở nhà giàn, nên việc bơi theo dây thừng lên là chuyện không mấy khó khăn.

“Anh em lâu ngày không gặp nhau, mà phải chia tay đúng lúc mùa xuân sắp đến nên hơi buồn. Em vào nhà giàn rồi, tôi thấy nhớ lắm. Tôi muốn nhắn đến em là hãy cố gắng công tác tốt, giữ gìn sức khỏe và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên giao, để mãi là niềm tự hào của anh và gia đình cũng như bạn bè, đồng chí, đồng đội”, anh Đức nói.

Anh Đức tiết lộ, vợ anh Nhật sinh em bé khi anh Nhật vẫn đang còn công tác ngoài nhà giàn. Lúc về, con mới được ba tháng tuổi. “Nghỉ phép được 20 ngày thì em lại lên đường làm nhiệm vụ. Vừa rồi, hai anh em có về thăm cha mẹ và thăm cháu trước khi đi”, anh Đức nói.

Chia sẻ cảm xúc của mình, anh Nhật bảo, rời đất liền, đi công tác ở nhà giàn dịp Tết không ai tránh khỏi cảm xúc buồn. Nhưng vì nhiệm vụ của Tổ quốc, của đơn vị giao, anh quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Chúng tôi xin hứa với toàn thể nhân dân trong đất liền, ở ngoài này chúng tôi vững chắc niềm tin, giữ vững chủ quyền, bảo vệ mùa xuân cho đất nước. Xin được gửi lời chúc năm mới, chúc sức khỏe đến nhân dân trong đất liền, cũng như gửi đến niềm tin, mong mọi người hãy tin tưởng chúng tôi, luôn sẵn sàng bảo vệ biển trời Tổ quốc”, anh Nhật nói.

Theo Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, hiện nay trên cụm Tư Chính có 3 nhà giàn DK1/11, DK1/12, DK1/14. Bãi Tư Chính là bãi ngầm lớn nằm cạnh đường hàng hải quốc tế, có vị trí rất quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc.

Cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, thềm lục địa tại các nhà trạm thuộc cụm Tư Chính còn nhiều khó khăn, gian khổ. Giữa biển Đông mênh mông sóng dữ, không một phút giây yên tĩnh, suốt 24 giờ liên tục hàng ngày là tiếng gió gào, sóng thét, là phải thường xuyên đối mặt với âm mưu rình rập, chiếm đóng của nước ngoài, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên các nhà trạm vẫn xác định tốt trách nhiệm, hăng say huấn luyện, học tập, rèn luyện, kỷ luật đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị; kiên cường bám trụ, xử lý tốt các tình huống, ngày đêm canh giác, theo dõi, phát hiện ngăn chặn và xua đuổi kịp thời các tàu thăm dò, trinh sát, đánh bắt trộm hải sản của nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển nước ta…

MỚI - NÓNG