Suy ngẫm từ Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ đến dự định mở rộng Hà Nội

Suy ngẫm từ Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ đến dự định mở rộng Hà Nội
TP - Năm 1010, Lý Thái Tổ quyết định rời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (tức Hà Nội ngày nay). Trong Chiếu dời đô, sau khi phân tích vì sao cần phải chọn Đại La làm kinh đô của nước Đại Việt thì cuối cùng Lý Thái Tổ đã có một câu, đó là: “Khanh đẳng dĩ vi hà như”.

>> Lùi thời điểm mở rộng Hà Nội

Suy ngẫm từ Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ đến dự định mở rộng Hà Nội ảnh 1
Hồ Gươm. Ảnh: Hồng Vĩnh

Câu này tạm dịch là: “Ý các khanh thấy thế nào?”. Đây là một trường hợp chưa từng có trong lịch sử phong kiến nước ta (và có lẽ cả ở Trung Quốc) bởi lẽ khi vua đã ban chiếu chỉ thì bao giờ ở cuối cũng có câu “Khâm thử” có nghĩa là bản chiếu này của vua  phải được thực hiện ngay và không thay đổi.

Như vậy, Lý Thái Tổ đã thay “khâm thử” bằng câu hỏi ý kiến của các quần thần. Vào thời phong kiến cực thịnh mà có một vị vua dân chủ đến thế thực là hiếm có.

Bây giờ, dự kiến mở rộng thủ đô Hà Nội bằng cách lấy đi toàn bộ tỉnh Hà Tây với hơn 2.000 km2 và 2,6 triệu dân cũng nên được coi như một việc quan trọng ngang với cuộc “thiên đô” trước đây. Tuy nhiên, việc mở rộng này hiện đang gây rất nhiều dư luận trái chiều, đến nỗi nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã phải lên tiếng không đồng tình.

Đúng là chỉ nên coi việc mở rộng Hà Nội là một ý tưởng, và để thực hiện ý tưởng đó cần phải có một lộ trình thích hợp, đó là: Người dân phải được biết, được bàn; phải có ý kiến của các nhà văn hóa, các bậc thức giả...

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trả lời một số báo chí rằng, việc này đã được bàn từ lâu, đã được hội đồng nhân dân các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc... đồng thuận, và coi tiếng nói của HĐND là quyết định của toàn tỉnh.

Nhưng không ai biết rằng, trước khi HĐND tỉnh Hà Tây họp để biểu quyết về việc đồng ý để tỉnh mình nhập vào Hà Nội thì phần đông các vị đại biểu HĐND có thể đã được quán triệt một cách sâu sắc và hình thức biểu quyết là giơ tay chứ không phải bỏ phiếu kín. Với cách làm ấy, chắc là sẽ có những vị đại biểu không muốn giơ tay tán thành nhưng không giơ lại không tiện.

Xóa đi một tỉnh có truyền thống văn hóa riêng, có phong tục tập quán mang đậm bản sắc của một vùng quê xứ Đoài là điều hoàn toàn không đơn giản như ông Trần Văn Tuấn đã giải thích với báo chí.

Việc nhập Hà Tây vào Hà Nội thậm chí được coi như đã rồi, còn việc Quốc hội bàn như thế nào thì cũng coi như là khâu thủ tục. Vì thế mà đã chuẩn bị từ tháng 7/2008, bộ máy của chính quyền Hà Nội mới đi vào hoạt động.

Vua Đường Cao Tổ của Trung Quốc có một câu rất hay: “Soi vào tấm gương bằng đồng thì thấy được râu tóc, mặt mũi của ta. Còn soi vào tấm gương của lịch sử thì thấy việc ta làm hôm nay đúng hay sai”.

Cách đây 30 năm, chúng ta đã có một cuộc nhập tỉnh ồ ạt và sau đó hậu quả là như thế nào? Sau hơn 10 năm “chung sống” theo kiểu “cưỡng hôn” từ năm 1989 các tỉnh lại lần lượt tách ra và trở về như cũ.

Ai cũng nhận thấy rằng từ khi tách tỉnh thì nội bộ chính quyền các địa phương đoàn kết hơn, sự phát triển kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Vì sao việc nhập tỉnh lại thất bại? Hậu quả của việc nhập tỉnh đã kéo lùi sự phát triển kinh tế của các tỉnh như thế nào? Đã có ai phải chịu trách nhiệm về việc này? Tất cả những câu hỏi đó chắc chắn chả có ai trả lời.

Mở rộng vùng không gian Hà Nội lên tới hơn 3.000 km2 như quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký là hoàn toàn chính xác và hợp lý nhưng mở rộng địa giới hành chính thủ đô Hà Nội bằng cách xóa đi một tỉnh thì cần phải cân nhắc.

Ai cũng thấy Hà Nội chật chội và đều cảm thấy cần phải đất đai để phát triển. Nhưng, Hà Nội chật bởi những chủ nhân của nó chưa biết cách quản lý, sắp xếp. Nhiều năm nay họ đã để một Hà Nội phát triển về kiến trúc đô thị hỗn loạn, vô tổ chức.

Chính vì thế mà Hà Nội đã chật lại càng chật thêm, giống như một căn nhà mà chủ nhân không biết cách sắp xếp đồ đạc. Với cung cách quản lý như thế này thì dù có mở rộng thêm Hà Tây, chứ có thêm cả tỉnh Hòa Bình nữa cũng chưa chắc đã thấy rộng rãi hơn.

Với vùng không gian Hà Nội được mở rộng ra 7 tỉnh xung quanh thì Hà Nội chỉ cần là một hạt nhân và các tỉnh xung quanh là những thành phố vệ tinh. Đã đến lúc phải xây dựng Hà Nội trở thành một trung tâm văn hóa, tài chính, dịch vụ, du lịch, có một nền kinh tế trí thức phát triển... chứ không phải xây dựng Hà Nội thành một thủ đô “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Một thủ đô mà công nghiệp hóa thì làm sao giảm được ô nhiễm môi trường, làm sao giảm được làn sóng người nhập cư. Và như vậy thì bao giờ mới có một thủ đô văn minh sạch đẹp?

MỚI - NÓNG