Tá hỏa vì “quả bom” trans fat

Tá hỏa vì “quả bom” trans fat
TP - Tại hội thảo về dầu bơ thực vật do Báo Khoa học & Đời sống tổ chức hôm qua ở Hà Nội, nhiều người không khỏi giật mình trước những thông tin ban đầu về sự chậm trễ phổ biến cho công chúng một hoạt chất độc có trong một số loại dầu thực vật tiêu thụ ở Việt Nam cũng như trong việc áp dụng các chế tài để nhanh chóng loại nó ra khỏi thực đơn.

Từ loạt bài đăng tên Tiền Phong đầu tháng 5-2010 “Sự thật về dầu bơ thực vật”, hầu như tất cả các báo cáo khoa học đều tập trung giải thích, nhấn mạnh đến trans fat, cảnh báo nguy cơ từ trans fat, và khuyến cáo các cơ quan quản lý phải sớm ra tay.

Với không ít quốc gia, cụm từ trans fat gần như đồng nghĩa với sự chết chóc ấy bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa thực phẩm có sử dụng dầu thực vật, phải công bố hàm lượng của nó có trong sản phẩm là bao nhiêu để người tiêu dùng lựa chọn.

Trong khi đó, tại Việt Nam, một mặt, người tiêu dùng không được khuyến cáo nguy cơ của trans fat và, mặt khác, chưa có bất cứ doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm nào bị buộc phải công bố thành phần trans fat trên nhãn hàng hóa và, theo luật hiện hành của Việt Nam, không ghi cũng chẳng bị phạt.

Nhiều nhãn thực phẩm dùng dầu thực vật ghi hẳn dòng chữ “zero trans fat” hoặc “no trans fat” (không có chất béo chuyển hóa)
Nhiều nhãn thực phẩm dùng dầu thực vật ghi hẳn dòng chữ
“zero trans fat” hoặc “no trans fat” (không có chất béo chuyển hóa).


Kẻ thù giấu mặt

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, chất béo chuyển hóa hay trans fat, giống như chất béo bão hòa (saturated fat), làm tăng cao mức lipoprotein và triglycerid, tăng hàm lượng cholesterol xấu (LDL-C) và làm giảm lượng cholessterol tốt (HLD) trong máu, gây nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch. Một quá trình làm cho các động mạch vành bị tắc nghẽn, giảm lưu lượng máu nuôi tim, dẫn đến tình trạng xảy ra các cơn đau thắt ngực, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, và các bệnh mãn tính khác như tiểu đường, v.v.

Nghiên cứu còn cho biết, so với chất béo bão hòa (vốn không có lợi cho sức khỏe), trans fat hay chất béo chuyển hóa gây độc hại gấp đôi cho tim. Chẳng hạn, nếu nạp 20% năng lượng từ trans fat vào cơ thể, nguy cơ mắc chứng tắc nghẽn động mạch vành tim tăng 23%.

Người Mỹ tiêu thụ lượng chất béo bão hòa và trans fat (chất béo chuyển hóa) chiếm 4-5% lượng calorie cần thiết trong mỗi bữa ăn, hơn gấp đôi mức khuyến cáo của Hội Tim mạch Mỹ. Vì vậy, mỗi năm, nước Mỹ có 12,5 triệu người mắc bệnh động mạch vành tim và trên 500.000 người chết vì bệnh tim mạch.

Đầu năm 2006, Cơ quan Quản lý Thuốc&Thực phẩm Mỹ (FDA) buộc các nhà sản xuất thực phẩm phải liệt kê đầy đủ trans fat hay chất béo chuyển hóa trong “bảng thông tin dinh dưỡng” (nutrition facts) trên bao bì các loại thực phẩm này.

Tại Việt Nam thì sao?

Theo PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật ATVSTP, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam (ATTP), thị trường đang lưu hành khá nhiều sản phẩm có thể chứa chất béo chuyển hóa do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hoặc nhập từ nước ngoài, và nhiều nhà sản xuất, nhập khẩu không ghi thành phần trans fat trên nhãn hàng hóa do luật pháp Việt Nam chưa quy định.

Có thể nói rằng, trans fat hiện nay bị thả nổi, hầu như không được cơ quan nghiên cứu nào khuyến cáo, không bị cơ quan quản lý nào kiểm soát. PGS Sửu lo ngại bản thân bà và các thành viên trong Hội ATTP thực tình không biết bơ thực vật nhập vào Việt Nam được chế biến bằng cách nào, bằng ester hóa hay bằng hydro hóa, quá trình làm phát sinh chất béo chuyển hóa hay trans fat. “Có hay không khả năng họ trộn các sản phẩm này với nhau? Hội chúng tôi từng đề cập đến vấn đề này nhưng chẳng thấy phản hồi gì”, PGS Sửu nói.

Th.S Đào Thị Nguyên, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Dầu thực vật, Viện Công nghiệp Thực phẩm, Bộ Công Thương, nhận định, nhà máy dầu thực vật T., một trong những nhà máy sản xuất dầu thực vật lớn nhất ở Việt Nam hiện vẫn dùng công nghệ cũ do Mỹ để lại từ trước năm 1975, là công nghệ hydro hóa, khiến cho sản phẩm của nhà máy này có hàm lượng trans fat lên đến 25-30%, trong khi các nước khác quy định hàm lượng đó không được quá 2%(!).

Tá hỏa vì “quả bom” trans fat ảnh 2Tá hỏa vì “quả bom” trans fat ảnh 3
Tá hỏa vì “quả bom” trans fat ảnh 4
Tá hỏa vì “quả bom” trans fat ảnh 5


Quản lý, không làm hoặc làm quá chậm

Theo nhà khoa học, đã đến lúc, cơ quan quản lý phải yêu cầu nhà sản xuất và nhập khẩu công bố cách thức chế biến dầu và bơ thực vật bởi, dựa vào cách chế biến, cũng có thể suy đoán thành phần trans fat trong sản phẩm. Người ta hoài nghi lượng trans fat trong các sản phẩm có dùng dầu thực vật ở Việt Nam hiện nay không dưới 5%, thậm chí lên đến 20-30%.

Quả bom trans fat thực ra được báo chí các nước phương Tây bàn đến đã bốn năm nay và, vừa mới đây, được đề cập khá hệ thống trên loạt bài đăng trên Tiền Phong. Các nhà khoa học thực phẩm ở một hội nghề nghiệp hàng đầu về an toàn vệ sinh thực phẩm là Hội ATTP khoe là họ cũng biết câu chuyện về trans fat từ bốn năm nay qua kênh báo chí nước ngoài.

Tuy nhiên, tại hai hội thảo bàn về dầu bơ thực vật sau loạt bài trên Tiền Phong, chuyên gia Hội ATTP không hề cho biết hội đã tác động gì đến cơ quan quản lý, đã làm gì để bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kể từ khi biết tin. “Chúng tôi có ba bài báo đăng trên tạp chí của Hội”, PGS.TS Phan Thị Sửu, nói. Xem kỹ thì thấy đấy chỉ là ba bài báo dịch và tổng hợp từ báo chí nước ngoài từ bốn năm nay.

Một cách lựa chọn dầu thực vật đơn giản để giảm thiểu nguy cơ chứa chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa, theo PGS.TS Phan Thị Sửu, nếu thấy bình dầu trong suốt, không bị đông đặc hoặc nổi váng đặc, dù để trong môi trường mát và lạnh là tạm yên tâm

Không chỉ PGS Sửu, bản thân PGS.TS Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVS Thực Phẩm, Bộ Y tế, cũng cho rằng Bộ Y tế phải sớm vào cuộc. Nói cách khác, câu chuyện độc hại của trans fat dường như mới chỉ dừng ở các nghiên cứu và hầu như chưa hề trở thành vấn đề nóng trên bàn quan chức quản lý ngành y tế.

Theo bà Lê Việt Nga, Trưởng phòng Quản lý ATTP, Bộ Công Thương, mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ 700.000 tấn dầu thực vật và 100.000 tấn bơ thực vật (margarine). Đáng chú ý, phần lớn sản phẩm được sản xuất theo công nghệ nội địa, trong khi 95% nguyên liệu là nhập khẩu mà thông tin về nguyên liệu đầu vào lại không được đầy đủ.

Về chất béo chuyển hóa (trans fat), bà Nga cho biết, ba năm nay, Bộ Công Thương phối hợp với Codex Việt Nam, đã tiến hành đàm phán về việc ghi chỉ tiêu trans fat trên nhãn. Tháng 6-2010, Bộ Công Thương sẽ tham gia hội thảo khu vực tổ chức tại Malaysia để bàn tiếp về vấn đề này trên cơ sở thống nhất chung của các nước trong khu vực. Bà Nga hy vọng việc bắt buộc doanh nghiệp ghi lên nhãn thực phẩm có dùng dầu thực vật hàm lượng trans fat sẽ sớm được thực hiện trong một hai năm tới ở Việt Nam.

Tuy nhiên, quy định hàm lượng thế nào, Bộ Công Thương không thể làm được nếu không có sự hợp tác của Bộ Y tế. Mà nghiên cứu về tác hại của trans fat hay chất béo chuyển hóa lên sức khỏe người tiêu dùng ở Việt Nam, đến thời điểm này, vẫn gần như là số không. Kể cả kế hoạch khuyến cáo giới hạn trans fat trong sản phẩm liên quan, cũng chưa thấy ai động đến. Không biết bao nhiêu cơ quan nghiên cứu sức khỏe, thực phẩm, và dinh dưỡng của Bộ Y tế làm những việc gì bao lâu nay?

Trans fat là gì?

Chúng tôi để cụm từ tiếng Anh trans fat tên tít bài chỉ muốn lưu ý đấy là cụm từ cần phải đọc kỹ khi mua sản phẩm có sử dụng dầu thực vật của nước ngoài và, đối với sản phẩm trong nước, cần phải có trên nhãn hàng hóa càng sớm càng tốt vì sức khỏe người tiêu dùng.

Trans fat còn có một tên khác là trans fatty acid. Tiếng Việt có nghĩa là acid béo chuyển hóa hay acid béo dạng trans hay acid béo đồng phân nhân tạo. Có nhà khoa học gọi nó bằng một cái tên đúng với bản chất của nó: Acid béo xấu.

* Theo tài liệu do Hội ATTP Việt Nam cung cấp, thông tin thực về trans fat hay chất béo chuyển hóa lúc đầu cũng bị che giấu cho đến tháng 6-2006 nhờ sự phanh phui của báo chí. Hồi đó, tạp chí New Scientist có bài mô tả kết quả một thí nghiệm tiến hành trong bảy năm ở Bắc Caroline, Mỹ, theo đó, đàn khỉ 51 con nuôi bằng thực phẩm có chất béo chuyển hóa (trans fat) phát phì với tốc độ cực nhanh. Sau đó, tất cả số khỉ đó đều phát bệnh tiểu đường và tình trạng sức khỏe nói chung tệ hơn nhiều so với nhóm không dùng thực phẩm có trans fat.

 
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.