Tác hại của cò

Tác hại của cò
TP - Hàng loạt Cty chuyên môi giới xuất khẩu lao động đem trả lại giấy phép hoạt động. Chuyện nghe đột ngột, nhưng ngẫm ra, đây là kết cục khó tránh khỏi.

>> Đồng loạt trả giấy phép XKLĐ

Với sự kiện này, các cơ quan quản lý trong lĩnh vực xuất khẩu lao động gặp khó khăn gì?

Có lẽ chẳng có gì khó khăn, ngoại trừ công việc của họ nhàn đi hơn trước.

Các doanh nghiệp thì ít nhiều có ảnh hưởng. Không xuất khẩu lao động (XKLĐ), họ sẽ phải chuyển đổi lĩnh vực khác. Thu nhập không thể giống thời vàng son mỗi ngày hàng trăm lao động đi ra sân bay, lương cán bộ mấy chục triệu đồng một tháng.

Thiệt thòi nhất là người lao động. Họ vẫn đang có nhu cầu đi ra nước ngoài, khi mà trong nước tìm kiếm việc làm rất khó khăn, nếu có được công việc thì đồng lương đủ sống đã là may, mơ gì đến chuyện tích lũy, làm giàu.

Ngay cả khi XKLĐ đang thời vàng son, người lao động vẫn là đối tượng bị thiệt thòi. Dù họ xuất khẩu sang nước nào, mức lương bao nhiêu, đã có một luật bất thành văn: Một phần hai thu nhập trong thời gian họ lao động ở nước ngoài chỉ đủ để trả cho chi phí họ đã chi ra, phần lớn trong đó là chi cho “cò”.

Tôi chưa thấy người ta tổ chức hội thảo nào về đề tài: Làm gì để hạn chế để chấm dứt được nạn “cò” khiến chi phí đi XKLĐ cao ngất ngưởng?

Tuy nhiên, tôi từng biết một số Cty môi giới XKLĐ chia “thưởng” cho CBCNV bằng các “suất” đi Hàn Quốc. Tiếng là dành cho con, em của CBCNV Cty, nhưng hầu hết người lĩnh “thưởng” bán lại ngay cho “cò” năm mươi triệu đồng một “suất” (thời giá 2003). Các “cò” lại bán tiếp bảy, tám chục triệu đồng, và khi đến người lao động, một “suất” đi Hàn Quốc ngày ấy lên tới cả trăm triệu đồng.

Đôi khi, các doanh nghiệp môi giới XKLĐ còn “thưởng” cho những người họ cần đối ngoại. Giống như thời bao cấp, người ta bán lại tem phiếu cho “con phe”, những người nhận quà cũng đem bán lại những “suất” này cho “cò”.

Hậu quả của những hành vi buôn bán trên lưng người lao động, đương nhiên sẽ có lúc, người lao động không còn tin vào những lời đường mật của “cò” nữa. Họ đặt phép tính đơn giản, đi lao động mà không trốn ra ngoài làm thêm, không tìm cách ở lại, thì chỉ đủ tiền trả cho “cò”.

Trong bài viết của tác giả Phong Cầm, cán bộ tuyển dụng lao động đến các địa phương, nói đến “vã bọt mép” mà cán bộ và người dân không tin, vì họ sợ bị lừa.

Để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực XKLĐ, không thể né tránh nhìn thẳng vào tệ nạn có quá nhiều kẻ trung gian ăn chặn tiền người lao động, coi những “suất” đi XKLĐ là những món hàng có thể mua đi bán lại, đẩy giá lên bao nhiêu cũng được.

Phải hạn chế, phải triệt tiêu được tệ nạn này, khi đó XKLĐ mới thực sự là lĩnh vực kinh doanh đem lại hiệu quả “dân giàu, nước mạnh”. 

MỚI - NÓNG