Tác nghiệp giữa nỗi đau kép

Tác nghiệp giữa nỗi đau kép
TP - Có lẽ chưa bao giờ một địa phương nhỏ hẹp Quảng Bình lại dồn dập sự kiện, không chỉ mang tầm vóc quốc gia mà cả quốc tế như tháng 10/2013 này. Bão lũ lịch sử, quốc tang của Đại tướng, rồi lốc xoáy kinh hoàng... cứ thế cuốn những người làm báo chúng tôi đi tác nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt.

> Đề xuất chi 800 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà vùng lũ
> Điêu tàn sau cơn bão kép
> Miền Trung thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng vì bão số 11

Không chỉ tác nghiệp viết bài, PV Tiền Phong luôn nỗ lực cứu trợ người dân trong bão lũ

Chiếc thuyền thúng - ý tưởng của Tiền Phong đã giúp người dân hiệu quả trong lũ lụt. Ảnh: Hoàng Nam

Đi trong tâm bão

Sáng 30/9, mưa như trút nước xuống TP Đồng Hới, dấu hiệu của một cơn bão mạnh sắp đổ bộ vào đây. Trong lúc đó, ở xã biển Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, đã có những con sóng cao gần chục mét uy hiếp người dân. Những hộ dân có nhà gần biển, hối hả khuân vác tài sản chạy bão, trước các đợt sóng hung dữ tung bờm trắng xóa, trùm cả lên mái nhà. Một cụ già lắc đầu ngao ngán: “Bão chưa vô mà sóng đã như ri, tí nữa bão vô thì răng nữa hả trời”.

Mới đầu giờ chiều, gió bắt đầu giật liên hồi. Theo thông tin, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ có mặt ở trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình để chỉ huy chống bão. Lúc này đường phố Đồng Hới không một bóng người, nước ngập trắng xóa, cây cối gãy đổ ngổn ngang chắn hết lối đi. Vòng vèo qua mấy con phố trong gió bão, chiếc xe Ford hai cầu tôi trưng dụng của một người bạn không thể di chuyển tiếp, khi chỉ còn cách trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình chừng 300m.

Ngoài trời, ngói, tôn, rồi những tấm pano quảng cáo, cành cây gãy bay như tên bắn. Thông tin liên lạc bị tê liệt hoàn toàn. Không thể bám trụ trong xe vì quá nguy hiểm. Men theo mấy dãy nhà, rồi tôi cũng đến được trụ sở của UBND tỉnh Quảng Bình với đôi chân trần và người ướt sũng. Tại hội trường lớn, có khá đông anh em phóng viên và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Nét mặt ai cũng căng thẳng, lo lắng. Thông tin chuyển về cho biết, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải từ Quảng Trị ra, đang bị mắc kẹt phía Nam cầu Quán Hàu, thuộc huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

Khoảng 16 giờ, gió chuyển hướng từ đông sang tây và giật mạnh hơn trước, không còn là tiếng rít của gió bão, mà cứ ầm ầm như sấm rền. Nhiều đồng nghiệp nhấp nhổm định lao ra ghi lại cảnh gió bão, nhưng vừa hé cửa đã phải thối lui vì gió quật, chưa kịp bấm máy đã bị ướt sũng nước. Cả tòa nhà 4 tầng của UBND tỉnh Quảng Bình rung lên bần bật, toàn bộ cửa kính trang trí phía ngoài vỡ tung. Căn phòng tối om vì mất điện.

Bão tan, nhiều nơi thành đống đổ nát, hoang tàn. Con số báo cáo nhanh khiến ai cũng giật mình: Ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, sức gió đo được giật cấp 15; gần 100% nhà dân ở huyện Quảng Trạch bị sập và tốc mái; hàng trăm tàu thuyền của ngư dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch bị sóng đánh chìm và bốc lên bờ; hơn 10.000ha cao su trên địa bàn bị gãy đổ hoàn toàn...

Hôm đó, các phóng viên phải viết bài ra giấy để đọc cho Tòa soạn chép lại. Ngày tác nghiệp đầu tiên sau bão kết thúc lúc 1 giờ sáng.

Tác nghiệp lúc nửa đêm

Chiều tối ngày 4/10, vừa từ vùng đổ nát sau bão của huyện Quảng Trạch trở về nhà, tôi lặng người khi nghe vợ buồn rầu thông báo: “Bác Giáp mất rồi, em đọc trên facebook”. Vội bốc máy gọi điện ra Tòa soạn xác nhận thông tin và xin ý kiến chỉ đạo. Tòa soạn cho biết: Đại tướng qua đời lúc 18 giờ, 9 phút, ngày 4/10. Tuy nhiên, đang đợi chỉ đạo từ trên, rất có thể hôm nay chưa được đưa thông tin, nhưng phải chuẩn bị tinh thần.

Không chỉ tác nghiệp viết bài, PV Tiền Phong luôn nỗ lực cứu trợ người dân trong bão lũ.
Không chỉ tác nghiệp viết bài, PV Tiền Phong luôn nỗ lực cứu trợ người dân trong bão lũ..

Đang ngon giấc sau những ngày quăng quật vì bão, tôi giật mình tỉnh giấc vì chuông điện thoại réo rắt. Đầu dây bên kia, Tổng thư ký Tòa soạn Minh Toản nói như ra lệnh: “Đã có “tín hiệu” từ trên. Chú phải có ngay một bài về thời khắc đau thương trên quê hương Đại tướng. Cho phép chú trong vòng 30 phút, cả Tòa soạn đang chờ”.

Nhìn lại đồng hồ, đã 23 giờ 45 phút. Không thể chạy 50km để lên Lệ Thủy lúc này, số điện thoại của những người cần thông tin thì không còn sau bao ngày dầm mình trong mưa bão. Gọi điện cho một số đồng nghiệp để xin số điện thoại thì không ai bắt máy. Chẳng lẽ nhiệm vụ này bất khả thi ?!

Chợt nhớ, cách đây 2 năm trong một lần về xã Lộc Thủy, tôi ghi số điện thoại của ông Chủ tịch xã Dương Công Toản vào cuốn sổ tay. Lục tìm trong đống sổ ghi chép cũ nát, may mắn thay vẫn còn. Bấm máy mà cứ hồi hộp, không biết ông còn dùng số này nữa hay không, và vỡ òa khi đầu dây bên kia “A lô, tôi Toản đây!”.

Sau một hồi do dự, ông Toản cho biết: Đã nhận được tin từ huyện báo về, nhưng chưa có chỉ đạo gì. Lãnh đạo xã vừa sang thắp hương ở ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng và bàn với gia đình một số việc. Cả huyện Lệ Thủy mất điện từ sau bão, nên chỉ một số người dân biết thông tin Đại tướng qua đời từ người thân ở xa gọi điện về thông báo. Và họ cũng đã đến thắp hương vái vọng hương hồn Đại tướng.

Thông tin mà ông Toản cung cấp vẫn còn quá mỏng cho một bài viết theo yêu cầu của Tòa soạn. Lại nhớ đến ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông, đang trông coi ngôi nhà tuổi thơ của Đại tướng, nhưng không có cách gì để liên lạc, đành phải cậy nhờ ông Toản. Không quản ngại đêm hôm mưa gió, ông Toản đã nhiệt tình chạy đi tìm ông Hàm cho tôi gặp. Những thông tin từ ông Hàm thật quý giá. Sáng sớm hôm sau, thông tin về cái thời khắc đau thương ấy trên quê hương của Đại tướng được đăng trang trọng trên trang nhất và chỉ có báo Tiền Phong đăng tải kịp thời.

“Tiền Phong đã cứu nhiều mạng dân chúng tôi”

Đúng sau nửa tháng kể từ sau bão số 10, Quảng Bình lại hứng chịu một trận lũ lịch sử và lốc xoáy kinh hoàng do hoàn lưu bão số 11 gây ra. Ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch mực nước cao hơn cơn lũ lịch sử năm 2010 trên 1m, nặng nhất là thôn Thành Sen.

Bằng mọi giá phải đến Thành Sen - nơi đang bị nước lũ nhấn chìm, cô lập. Đường bộ thì không thể, cậy nhờ gần 300 thuyền du lịch của Phong Nha - Kẻ Bàng nhưng không ai giúp, vì họ sợ nguy hiểm. Rất may, anh Ngô Văn Tam, ở thôn Hạ Vàng, xã Sơn Trạch - người được mệnh danh là Anh hùng sông Son, khi cứu gần 400 người dân trong trận lũ lịch sử năm 2010 đã nhận lời đưa chúng tôi vào tâm lũ.

Con thuyền của anh Tam chỉ rộng khoảng 80 phân, dài chừng 6m. Trên thuyền, anh Tam còn chở thêm vợ và con trai học lớp 6. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ngần ngại, anh Tam giải thích: Chỉ có thuyền nhỏ mới đi lại được lúc này, và một mình anh không thể điều khiển con thuyền trong nước lũ.

 Tiền Phong đã cứu nhiều mạng dân chúng tôi lắm đó. Nếu không có mấy cái thuyền thúng của Tiền Phong mua cho thì đúng là chịu chết.

Ông Nguyễn Văn Lân

Anh Tam phụ trách quay máy, vợ cầm lái, còn cậu con trai thường trực để lấy cỏ rác bị cuốn vào chân vịt. Tất cả các công đoạn chỉ diễn ra trong vòng 20 giây mỗi khi thuyền bị chết máy, nếu không sẽ rất nguy hiểm, nước lũ có thể xô lật thuyền. Chúng tôi len lỏi trong những con đường làng ngập nước, cây cối đổ rạp, vòng vèo bám theo triền núi đá đầy kiến và rắn rết. Với hai lần vượt sông Son trong nước lũ đục ngầu chúng tôi mới đến được thôn Thành Sen. Những dấu hiệu để lại cho thấy lũ ở đây đã rút hơn 1m, nhưng nước vẫn còn chạm mái nhà dân. Mọi người phải trèo lên mái nhà trú ngụ, đói khát bủa vây người dân Thành Sen.

Trong lúc đó ở hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch, lốc xoáy kinh hoàng lúc nửa đêm đã san phẳng 4 ngôi làng: Minh Tiến, Nam Minh Lệ, Hà Sơn và Linh Cận Sơn. Hàng trăm ngôi nhà bị lốc xoáy quật đổ, hàng chục người dân bị chết và trọng thương. Gặp lại nhau sau mấy năm kể từ trận lũ năm 2010, ông Nguyễn Văn Lân, trưởng thôn Hà Sơn cứ nắm chặt tay tôi xuýt xoa: “Tiền Phong đã cứu nhiều mạng dân chúng tôi lắm đó. Nếu không có mấy cái thuyền thúng của Tiền Phong mua cho thì đúng là chịu chết”.

Ông Lân kể: Lốc xoáy đi qua cũng là lúc nước lũ lên ngập làng. Tiếng kêu cứu la hét khắp làng. Những chiếc thuyền thúng làm bằng nhựa composite đã được huy động để chở người bị thương, trẻ em, người già đến nơi cao ráo, sau đó tiếp tục vượt sông Nan để đưa các nạn nhân đi viện.

Còn nhớ, sau cơn lũ 2010, chứng kiến trưởng thôn Cồn Nâm, xã Quảng Minh Nguyễn Văn Sơn người đầy thương tích. Hỏi ra mới biết, lũ lên, thuyền lớn không thể di chuyển, anh Sơn đã dầm mình bơi trong nước để cứu người và tiếp tế lương thực cho dân nên bị gai góc đâm đầy người. Từ kinh nghiệm của người dân sông nước, PV Tiền Phong đã đề xuất với Ban Biên tập tặng thuyền thúng làm bằng composite cho người dân vùng rốn lũ. Ý tưởng này được Cty CP sữa Việt Nam Vinamilk tài trợ. 30 chiếc thuyền thúng đã được trao cho người dân các vùng cồn nổi trên sông Gianh của huyện Quảng Trạch, trong đó có thôn Hà Sơn, của xã Quảng Sơn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG