<FONT size=2>Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh :</FONT>

"Tác phẩm văn học phải phản ánh sâu sắc khát vọng, lý tưởng của nhân dân, của đại nghĩa dân tộc"

"Tác phẩm văn học phải phản ánh sâu sắc khát vọng, lý tưởng của nhân dân, của đại nghĩa dân tộc"
Ngày 24/4/2005, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu. Sau đây là toàn văn bài phát biểu:

Thưa các vị khách quý,

Thưa các đại biểu Đại hội,

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi xin gửi đến Đại hội lần thứ VII Hội Nhà văn Việt Nam lời chào mừng nhiệt liệt và qua các đại biểu có mặt ở đây, xin gửi đến toàn thể những nhà văn, những người viết văn, những người dạy văn, tất cả những người yêu mến văn học những tình cảm thân thiết và tốt đẹp nhất.

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII diễn ra vào thời điểm cả nước hướng về Ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Trong hơn thế kỷ qua, kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, dân tộc ta đã hy sinh biết bao xương máu, liên tục chiến đấu giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Suốt 30 năm sau ngày nước nhà thống nhất, toàn dân ta hết lòng, hết sức phát huy những thành quả mà cách mạng đã giành được và vững bước tiến lên chặng đường mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt đất nước ta, tăng cường thế và lực, mở ra cục diện mới, tiền đồ mới vẻ vang để xây dựng thành công "một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh" như lời Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, văn hoá Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII và Kết luận của Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã nêu lên những nhiệm vụ cơ bản và cấp bách để xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn chặt nhiệm vụ xây dựng văn hoá, nền tảng tinh thần của xã hội với nhiệm vụ trung tâm xây dựng kinh tế và nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng; bảo đảm đất nước phát triển toàn diện và bền vững trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Văn học là một bộ phận quan trọng của văn hoá. Mỗi nhà văn, mỗi người hoạt động văn hoá cùng với toàn dân có nhiệm vụ phấn đấu kiên trì, bền bỉ nhằm không ngừng phát huy bản sắc, sức mạnh và vẻ đẹp của nền văn hoá dân tộc.

Nền văn học Việt Nam chúng ta có truyền thống lâu đời đáng tự hào. Từ xa xưa, ông cha ta, qua văn học, nghệ thuật, phong tục tập quán... đã luôn khẳng định nước ta là một nước văn hiến. Truyền thống văn học đó, với những tài năng lớn, có những ngôi sao sáng được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh..., không những làm cho văn học Việt Nam phong phú, sâu sắc, đẹp đẽ, giàu chất tư tưởng mà còn làm cho Việt Nam được nhân loại biết đến là một dân tộc văn hoá, nhân ái và quả cảm. Cuộc chiến đấu cho độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc trong thế kỷ qua đã sản sinh ra những tác phẩm văn học lớn, những tác giả lớn, làm nên một giai đoạn văn học lớn của nước nhà. Đó là cống hiến vô giá cho dân tộc, cho sự nghiệp cách mạng, cho văn hoá và tinh thần của nhân dân, là thành tựu đạt được bằng tâm huyết, trí tuệ và cả xương máu của các nhà văn chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hoá của Đảng, của dân tộc, góp phần làm rạng rỡ nền văn hoá thời đại Hồ Chí Minh mà chúng ta quyết gìn giữ và phát huy.

Hội Nhà văn Việt Nam, từ khi thành lập cho đến nay, đã có sức thu hút, tập hợp, hình thành một đội ngũ ngày càng đông đảo, có tiềm lực đáng kể. Chăm lo những tài năng văn học, Hội tiếp tục phát huy khả năng của lớp nhà văn lớn tuổi đã từng trải qua các giai đoạn cách mạng và kháng chiến gian khổ, phát hiện và bồi dưỡng những lớp nhà văn trẻ tham gia vào hành trình rộng lớn của văn chương Việt Nam, văn hoá dân tộc.

Tôi vui mừng nhận thấy rằng, trong những năm vừa qua, nền văn học của chúng ta tiếp tục đổi mới và phát triển, nhà văn các thế hệ ra sức tìm tòi, sáng tạo, cống hiến nhiều tác phẩm mới giàu tính nhân văn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng con người và văn hoá Việt Nam. Tập thể Ban Chấp hành Trung ương năng động, có nhiều biện pháp thúc đẩy sáng tác và chăm sóc, bồi dưỡng đội ngũ nhà văn gồm nhiều thế hệ. Nhân dịp Đại hội trọng thể này, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích và đóng góp có ý nghĩa của các nhà văn và Hội Nhà văn Việt Nam khoá VI.

 Thưa các đồng chí, các bạn,

Ngày nay, đất nước ta đang đứng trước những nhiệm vụ mới to lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên trì con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta đang nỗ lực phấn đấu vượt qua thử thách, quyết tâm xây dựng nước ta trở thành một quốc gia "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", có kinh tế phát triển, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có đời sống văn hoá và tinh thần phong phú. Văn hoá Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ phát huy giá trị và nội lực con người Việt Nam kết hợp với tiếp thu tinh hoa của văn hoá nhân loại, hướng tới Chân-Thiện-Mỹ, phấn đấu sáng tạo những tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật thấm đậm tinh thần nhân văn, dân chủ, góp phần xây dựng con người Việt Nam đáp ứng cuộc đấu tranh cho lý tưởng của dân tộc.

Tôi tin rằng nền văn học, cùng với các nhà văn của chúng ta với truyền thống vẻ vang của dân tộc, kế thừa kinh nghiệm của các lớp người đi trước, ra sức rèn luyện lý tưởng, đạo đức và văn hoá, gắn bó sâu sắc với thực tiễn đất nước trong thời kỳ đổi mới, đi sâu vào đời sống nhân dân, nhất định vượt qua những thách thức trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, viết nên những trang mới có chất lượng cao, đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân và người đọc. Mỗi nhà văn, với lương tâm và trách nhiệm của mình, cần nuôi dưỡng một tâm niệm là mỗi dòng, mỗi chữ trên trang viết đều phải có đích đến, phản ánh những con người Việt Nam kiên cường và giàu sức sáng tạo, từng trải hy sinh và anh dũng đang viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc trong thời kỳ mới. Một khi tác phẩm phản ánh chân thật, sinh động cuộc sống của đất nước, đạt tới giá trị nhân văn - dân tộc sâu sắc thì cũng sẽ gặp được những giá trị chân chính của nhân loại.

Vì thế, Đảng khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo, mọi phong cách và bút pháp, tôn trọng tự do sáng tạo nghệ thuật đi đôi với trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhà văn, tạo điều kiện cho các nhà văn tìm về cội nguồn dân tộc, đồng thời học hỏi kinh nghiệm và tinh hoa văn hoá của thế giới. Đảng mong muốn các tác phẩm văn học phản ánh sâu sắc khát vọng, lý tưởng của nhân dân, của đại nghĩa dân tộc, của con người Việt Nam với chiều sâu và tầm cao của nó.

Hiện nay, chúng ta đang đứng trước tình hình mới, đan xen cả thời cơ và thách thức. Một số thế lực bên ngoài, dưới các lớp vỏ bọc văn hoá, văn học, các nhãn hiệu "dân chủ", "tự do", muốn chuyển đổi tình hình và chế độ chúng ta, tác động để các nhà văn và nền văn học nước ta đi vào quỹ đạo khác. Họ muốn lặp lại cái điều mà các thế lực thực dân, đế quốc đã làm trong gần một thế kỷ qua và cũng đã vấp phải thất bại. Đối với chúng ta, dân chủ và tự do vô vùng đáng quý. Chúng ta đã chiến đấu vì mục tiêu đó và đang tiếp tục phấn đấu để xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà không cần ai ban phát. Tôi tin rằng các nhà văn chúng ta vốn đã qua thử thách của chiến tranh, của đổi mới, sẽ hơn bao giờ hết, khẳng định niềm tin và chỗ đứng của mình.

Thưa các đồng chí, các bạn,

Với những thắng lợi to lớn của sự nghiệp đổi mới, bộ mặt đất nước ta ngày nay đã có nhiều thay đổi; những quan hệ xã hội mới, những tiêu chí tinh thần của con người Việt Nam thời kỳ mới hình thành dần và in bóng vào văn chương, nghệ thuật. Và các nhà văn trong khi làm thư ký thời đại, phản ánh hiện thực, cũng đồng thời là người kiến tạo hiện thực, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện con người Việt Nam, từ lý tưởng, tâm hồn, phẩm chất đạo đức tới năng lực trí tuệ, cảm xúc và lối sống, vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa hiện đại. Các nhà văn, hơn ai hết, phải góp phần xây dựng nhân vật tiêu biểu của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và tinh thần năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới; lấy những nhân tố tích cực đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực đang làm xói mòn những giá trị đạo đức, cản trở sự phát triển của đất nước. Các đồng chí hãy nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp cao cả này. Đảng, Nhà nước và toàn xã hội sẽ hỗ trợ các nhà văn bằng một hệ thống chính sách thực sự khoa học, thiết thực, giúp các nhà văn có điều kiện cần thiết để thâm nhập đời sống thực tế, nghiên cứu và viết nên những tác phẩm có giá trị. Đó là các chính sách về đầu tư sáng tác, chế độ nhuận bút, các hoạt động xuất bản, thư viện, nghiên cứu, phê bình, các giải thưởng, các trại sáng tác... Các địa phương, các ngành cần tạo điều kiện để các nhà văn về cơ sở, tìm hiểu, tiếp cận những vấn đề sôi động của đời sống. Trong hai cuộc kháng chiến trước đây, chúng ta đã làm tốt công tác này, nay càng cần đẩy mạnh ở một chất lượng cao hơn.

Thưa các đồng chí và các bạn,

Tôi tin tưởng rằng Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VII, với việc xác định phương hướng, nhiệm vụ mới và bầu ra một Ban Chấp hành Hội đủ phẩm chất và năng lực, bảo đảm triển khai có kết quả Nghị quyết của Đại hội, sẽ đánh dấu bước phát triển mới của văn học nước nhà, tạo được sự nhất trí cao và niềm hứng khởi mới trong đội ngũ các nhà văn, có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, xứng đáng với con người và văn hoá Việt Nam.

Chúc Đại hội thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.