Cử tri tỉnh Đắk Lắk:

Tách nhập nhiều cơ quan nhưng hiệu quả không cao

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Cử tri tỉnh Đắk Lắk cho rằng, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính chưa có sự đột phá, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, việc tách và sáp nhập nhiều nhưng hiệu quả đem lại không cao và làm phình bộ máy. Cử tri đề nghị có giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nhằm kiện toàn bộ máy tinh gọn hơn.    

Chuyển giao phần mềm thi tuyển cho địa phương

Theo tập hợp kiến nghị cử tri của Ban Dân nguyện gửi Quốc hội, cử tri tỉnh Cao Bằng đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định mới có tính khả thi cao về thu hút nhân lực tài năng, cần mô tả rõ khái niệm thế nào là nhân sự tài năng, tránh hình thức như bằng cấp, danh hiệu thi đua hàng năm...mà cần có tiêu chí đánh giá những người có tài năng thực sự.

Cử tri đề nghị việc tuyển dụng người tài năng không phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế được giao cho đơn vị cần tuyển và có cơ chế riêng khuyến khích người tài năng về công tác tại các tỉnh miền núi, địa bàn khó khăn.

Về việc này, Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Nội vụ đã xây dựng Đề án về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ trình Bộ Chính trị thông qua.

Theo đó, Bộ Chính trị đã cho chủ trương thực hiện một số chính sách đột phá trong việc thu hút, bố trí, sử dụng cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, trong đó có chính sách phát hiện ngay từ cơ sở đào tạo và thực tiễn công tác; chính sách tuyển dụng trực tiếp không qua thi tuyển... Hiện nay, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ xem xét, ban hành văn bản quy định cụ thể để triển khai thực hiện.

Cùng với đó, cử tri tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, chuyển giao phần mềm thi tuyển công chức để các địa phương áp dụng, tổ chức thi tuyển, thi nâng ngạch công chức hàng năm, hỗ trợ các kỹ năng để quản lý thống nhất các máy tính trong phòng thi, nhằm bảo đảm tính thống nhất, tính chuẩn xác và hạn chế các rủi ro trong quá trình tổ chức thi.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện ngân hàng đề thi trên máy tính và tiến đến việc công khai toàn bộ ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm chuyên ngành, tin học, ngoại ngữ trước kỳ thi để các thí sinh ôn tập và tích lũy kiến thức phục vụ kỳ thi.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang chủ động tổ chức triển khai thực hiện việc tổ chức thi trên máy vi tính trong các kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch công chức theo thẩm quyền.

“Trường hợp bộ, ngành, địa phương có khó khăn, vướng mắc trong quá trình tố chức thực hiện thì đề nghị trao đổi cụ thể với Bộ Nội vụ để phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để đơn vị thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức”, Bộ Nội vụ cho hay.

Cũng theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức thì việc xây dựng đề thi thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng công chức.

Tách, nhập nhiều nhưng hiệu quả không cao

Cử tri tỉnh Đắk Lắk cho rằng, công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính chưa có sự đột phá, bộ máy vẫn còn cồng kềnh, việc tách và sáp nhập nhiều nhưng hiệu quả đem lại không cao và làm phình bộ máy. Cử tri đề nghị có giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nhằm kiện toàn bộ máy tinh gọn hơn.

Về việc này, Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ được giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tổ chức hành chính. Theo đó, đối với mỗi nhiệm kỳ Chính phủ, Bộ Nội vụ có trách nhiệm tham mưu, giúp Chính phủ việc triển khai, đánh giá và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ.

Đánh giá chung, qua 3 nhiệm kỳ Chính phủ (khóa XI, XII, XIII), tổ chức bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở đã được sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối và hợp lý hơn. Trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn theo hướng:

Đối với cơ cấu tổ chức của Chính phủ (khóa XIV): Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và văn bản số 1416-CV/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Bộ Chính trị: Trước mắt giữ ổn định tổ chức của Chính phủ như hiện nay.

Theo đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Chính phủ để trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 09/2016/QH14 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV theo hướng giữ ổn định như khóa XIII, với 22 bộ, cơ quan ngang bộ, gồm: 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Ngoài ra, có 8 cơ quan thuộc Chính phủ.

Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó đã hoàn thiện các quy định để tăng cường quản lý chặt chẽ về cơ cấu tổ chức của bộ và tổ chức thuộc tổng cục, cục, vụ và tương đương thuộc bộ.

Trên cơ sở Nghị định 123 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tiến hành đánh giá, rà soát và xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, bảo đảm yêu cầu: Hạn chế việc thành lập mới các tổng cục, cục thuộc bộ; không duy trì cơ quan đại diện của bộ đặt tại thành phố Hồ Chí Minh.

Quản lý chặt chẽ số lượng phòng và chi cục thuộc cục thuộc bộ, phòng trong vụ thuộc bộ (theo hướng cơ bản không để cấp phòng trong vụ, chỉ thành lập phòng trong vụ có nhiều mảng công tác hoặc khối lượng công việc lớn); chi cục thuộc cục của tổng cục thuộc bộ (trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của tổng cục và tổ chức tương đương).

Đối với tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện: Thực hiện chủ trương cải cách tổ chức tổ chức bộ máy theo Kết luận số 64- KL/TW, Nghị quyết số 39-NQ/TW, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được nghiên cứu trong quá trình xây dụng các dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, nội dung dự thảo các Nghị định theo hướng:

Rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định khung số lưọng cơ cấu tổ chức, biên chế, cấp phó các cơ quan chuyên môn (kể cả của tổ chức trực thuộc cơ quan chuyên môn) thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp với đặc điểm của chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo và theo phân loại đơn vị hành chính.

Nghiên cứu hợp nhất một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau, rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của các Sở, ngành, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Căn cứ quy định khung của Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện quyết định thành lập, hợp nhất hoặc không thành lập một số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm phù họp với tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương.

“Hiện nay, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đang chỉ đạo xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII. Sau khi Đề án được thông qua, các nội dung liên quan đến cải cách tổ chức bộ máy hành chính sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện theo kế hoạch”, Bộ Nội vụ nêu rõ.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.