Tách tạm giam khỏi cơ quan điều tra để chống bức cung

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, có tách quản lý tạm giữ, tạm giam khỏi cơ quan điều tra thì mới ngăn chặn, hạn chế được tình trạng bức cung, nhục hình. Ảnh: Như Ý.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, có tách quản lý tạm giữ, tạm giam khỏi cơ quan điều tra thì mới ngăn chặn, hạn chế được tình trạng bức cung, nhục hình. Ảnh: Như Ý.
TP - Chiều 14/10, thảo luận về Dự thảo Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, đa số các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng cần có sự tách bạch tương đối độc lập về mặt tổ chức giữa cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra, tránh việc bức cung, dùng nhục hình.

Độc lập để chống bức cung

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, qua thảo luận một số đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) đề nghị cần tổ chức lại Nhà tạm giữ, Trại tạm giam theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ trung ương tới địa phương để bảo đảm tính độc lập, tránh việc Cơ quan điều tra lạm dụng việc quản lý để bức cung, dùng nhục hình.

Đối với 4 Trại tạm giam đang do Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra quản lý, ông Hiện cho là chưa phù hợp, cần phải tách ra và giao cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự (Tổng cục VIII) của Bộ Công an quản lý. “Tách bạch mới bảo đảm hoạt động tạm giam độc lập với Cơ quan điều tra, nhằm phòng chống bức cung, dùng nhục hình” , ông Hiện nói.

“Tại sao công an còng được, còn cơ quan điều tra VKSNDTC lại không còng được, nếu người ta rút súng ra thì tính sao? Đây là quyền lực thì phải quy định cho đảm bảo”. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Ông Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng cho rằng, nên giao 4 trại tạm giam trên cho Tổng cục VIII quản lý. “Thực tế đây cũng là đơn vị thuộc Bộ Công an. Nhưng giao như thế thì mới thống nhất một đầu mối quản lý trong việc tạm giữ, tạm giam. Đồng thời sẽ khắc phục, hạn chế được tình trạng bức cung nhục hình”.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay, trong lịch sử, việc tạm giam, tạm giữ vốn do cơ quan điều tra giữ (từ cấp huyện đến cấp bộ) quản lý. Tuy nhiên sau đợt giám sát của Quốc hội về tình trạng bức cung nhục hình, oan sai, thì Bộ Công an có chủ trương tách tạm giam ra, giao cho Tổng cục VIII quản lý  để tránh tình trạng bức cung, nhục hình.

 “Giờ cấp huyện có Đội thi hành án hình sự và bổ trợ tư pháp quản cái này, tỉnh cũng vậy. Riêng bộ còn 4 trại tạm giam do Văn phòng Cơ quan điều tra, Bộ Công an phụ trách. Giờ đề xuất không giao cho Văn phòng cơ quan điều tra nữa mà giao cho 2 tổng cục An ninh và Cảnh sát quản lý, tôi cho rằng cũng không phù hợp. Vì các Tổng cục trên vẫn phụ trách điều tra. Nên đưa về Tổng cục VIII quản lý thống nhất, một đầu mối là phù hợp”, ông Quyền nói.

Tại sao công an được dùng còng còn VKSNDTC thì không?

Về Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, ông Hiện cho biết, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, dự thảo Luật đã bổ sung quyền hạn điều tra của cơ quan Kiểm ngư. “Hiện nay tình hình đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo nên việc giao cho cơ quan Kiểm ngư thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra là đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn”, ông Hiện nói. 

Riêng với các cơ quan khác như Thuế, Ủy ban Chứng khoán, ông Hiện cho rằng không nên bổ sung thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo đó, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho Cơ quan điều tra chuyên trách để xem xét xử lý là phù hợp với tình hình thực tế.

Về quyền hạn của cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC), ông Nguyễn Hải Phong, Phó viện trưởng tỏ ra không hài lòng khi Dự thảo luật quy định quyền hạn quá mờ nhạt “Cơ quan điều tra VKSND Tối cao hiện nay đến bắt người cũng không có cả cái còng số 8. 

Bây giờ bắt người, VKSND Tối cao chỉ dùng dây  thừng thôi. Tại sao cùng là cơ quan điều tra thì cơ quan này khi bắt người được dùng còng số 8, cơ quan khác dùng dây thừng? Không thể vì cơ quan điều tra VKSND Tối cao chỉ điều tra một số tội xâm phạm hoạt động tư pháp, giới hạn như vậy không sòng phẳng”, ông Phong nói.

Đáp lại, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay: “Tất cả những trường hợp bị bắt không nhất thiết lúc nào cũng phải dùng còng. Còng đề phòng anh chạy trốn, trốn chạy. Cái đó phải rõ. Cái đó nằm trong công cụ hỗ trợ, cũng chẳng ai cấm các anh trang bị cái đó cả”. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nếu súng không có, còng không có, dây không có, thì khó có thể bắt người được. “Tại sao công an còng được, còn cơ quan điều tra VKSNDTC lại không còng được, nếu người ta rút súng ra thì tính sao? Đây là quyền lực thì phải quy định cho đảm bảo”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.