Tái canh cà phê trên giấy

Kiểm tra việc thu gom gốc rễ cà phê, chuẩn bị đất tái canh cà phê
Kiểm tra việc thu gom gốc rễ cà phê, chuẩn bị đất tái canh cà phê
TP - Tiến độ tái canh cây cà phê ở Kon Tum vẫn rất chậm, người dân chưa tiếp cận được nguồn vốn cho dù gói tín dụng 12.000 tỷ đồng từ ngân hàng cho nhu cầu tái canh ở Tây Nguyên theo chủ trương của Chính phủ được thông báo từ lâu.

Doanh nghiệp nỗ lực tiếp cận vốn

Theo kế hoạch, từ năm 2015-2020, tỉnh Kon Tum tái canh 2.180 ha cà phê (1.430 ha cà phê vối, 750 ha cà phê chè). Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum, quy trình tái canh cà phê vối đã được Cục Trồng trọt ban hành từ năm 2013, nhưng quy trình tái canh cà phê chè hiện vẫn chưa có.

Đến vườn cà phê của Cty TNHH MTV Cà phê 734 trên 30 năm tuổi ở xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà (Kon Tum), chúng tôi thấy một số diện tích vườn cây đã được người công nhân thu gom gốc rễ cà phê thành từng đống. Trên mặt đất, lú nhú mầm ngô và cây họ đậu.

Sốt sắng với việc tái canh cà phê, ông Nguyễn Mạnh Hùng, công nhân đội 2 băn khoăn: “Nhà tôi nhận khoán 1,4 ha cà phê trồng từ năm 1994, trong đó có 0,9 ha năng suất thấp, chỉ đạt 7-8 tấn tươi/ha, không đủ chi phí, lỗ nặng. Tôi đã đăng ký và được Cty THHH MTV Cà phê 734 đứng ra lo vay vốn giúp. Ở nơi đã bứng cà phê cỗi, tôi trồng ngô cùng cây họ đậu để cải tạo đất, dự kiến sang năm sẽ tái canh”. 

Nhiều lô khác, chủ rẫy đã dọn sạch cà phê già cỗi, đào hố chờ lâu nên cây cỏ mọc đầy, chờ đến tháng 7 sẽ xuống giống tái canh cà phê.  Trong thời gian tái canh, công nhân sẽ trồng đậu, ngô, lấy ngắn nuôi dài để có thu nhập.  Sau khi cà phê cao sản tái canh cho thu hoạch trở lại, lợi nhuận sẽ cao hơn trước.

Ông Nguyễn Văn Thái - Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê 734 khẳng định với giá cả hiện nay, năng suất cà phê phải đạt 2,5 tấn nhân/ha trở lên, người lao động mới có lãi. Tuy nhiên, việc tái canh cà phê phải có lộ trình. Kế hoạch năm 2014-2020, Cty tái canh 367 ha cà phê. Theo phương án tái canh đã được Tổng Cty Cà phê Việt Nam phê duyệt, chi phí đầu tư tái canh 1 ha cà phê hết 234 triệu đồng trong 5 năm, Cty đã lập hồ sơ gửi Chi nhánh Agribank tỉnh Kon Tum vay vốn.

Nông dân ngoài cuộc

Gặp gỡ nông dân có nhu cầu tái canh cà phê, chúng tôi được biết nông dân vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Tại xã Ia Chim ngoại thành Kon Tum, ông Lê Thế Trình - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, giai đoạn 2015-2020, nông dân xã Ia Chim có nhu cầu tái canh khoảng 200 ha cà phê. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân vẫn chưa tiếp cận được gói tín dụng lãi suất ưu đãi của Agribank. Hội Nông dân xã Ia Chim đã mời Hội Nông dân thành phố Kon Tum và cán bộ Agribank - Chi nhánh Lê Lợi bàn cách tháo gỡ, nhưng chưa… gỡ được.

Tại huyện Đăk Hà, cùng thời điểm, nông dân cũng muốn tái canh 645 ha cà phê. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tường Thắng-Trưởng phòng NN&PTNT, Phó ban Chỉ đạo tái canh cà phê huyện cho biết: Đến thời điểm này, Agribank chi nhánh huyện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn mức vay, thời hạn vay và lãi suất vay. Mặt khác, nhiều người còn băn khoăn về việc cây cà phê tái canh rất dễ bị bệnh tuyến trùng hại rễ gây hại.

Nhằm khắc phục tình trạng kế hoạch tái canh cà phê nằm yên trên giấy, ông Trần Văn Chương-Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban Chỉ đạo tái canh cà phê tỉnh Kon Tum cho biết: Mới đây tỉnh đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng liên quan, hỗ trợ cả doanh nghiệp lẫn nông dân tháo gỡ các vướng mắc, triển khai tái canh cà phê cho hiệu quả.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.