Tái cấp phép cho nhạc điện tử: Bịt khe hở trách nhiệm ra sao?

Việc cấp phép cho nhạc điện tử tiếp tục chờ cơ quan quản lý
Việc cấp phép cho nhạc điện tử tiếp tục chờ cơ quan quản lý
TP - Sự kiện “Trip to the moon” khiến 7 người tử vong, 5 người nhập viện vì sốc ma túy vào tháng 9/2018 khiến toàn bộ các sự kiện nhạc điện tử và DJ bị tạm dừng. Đến nay, việc cấp phép trở lại như thế nào để đảm bảo không xảy ra sự cố đáng tiếc như vậy vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời giải.

Sau thời gian chấn chỉnh lại hoạt động của các lễ hội âm nhạc, ngày 15/1, Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội đã có công văn gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc cấp giấy phép tổ chức biểu diễn cho các chương trình nhạc điện tử. Trong đó nêu: Sau khi tạm dừng cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật đối với các chương trình nhạc hội điện tử, Sở đã nhận được nhiều ý kiến từ các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ trình diễn nhạc điện tử (DJ) và các khán giả trẻ trình bày nhu cầu, nguyện vọng sớm được cấp phép trở lại cho các chương trình nhạc điện tử trên cơ sở đảm bảo an ninh tuyệt đối, trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ theo đúng quy định của pháp luật.

“Qua đó Sở VHTT đề xuất Chủ tịch UBND thành phố xem xét, cho phép Sở tiếp tục cấp giấy phép tổ chức loại hình này trên cơ sở đơn vị tổ chức chương trình và chủ địa điểm biểu diễn chịu trách nhiệm liên hệ và được sự phối hợp của chính quyền địa phương, cùng các lực lượng chức năng đảm bảo tuyệt đối an ninh trật tự, an toàn, phòng chống cháy nổ cho chương trình theo đúng quy định của pháp luật”.

Trước đó, trong một số hội nghị giao ban của UBND thành phố, Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động đã nhiều lần kiến nghị về việc cấp phép lại đối với các chương trình âm nhạc điện tử có DJ. “Sự cố tại lễ hội âm nhạc không phải do công tác cấp phép hay tổ chức của Sở VHTT mà là do công tác đảm bảo an ninh không được kiểm soát. Vì thế, không thể vì vấn đề đó mà dừng cấp phép quá lâu đối với các chương trình âm nhạc điện tử, trong khi dịp gần Tết, nhu cầu thưởng thức các chương trình giải trí rất nhiều. Với tư cách là cơ quan văn hóa, chúng tôi kiến nghị tới thành phố để các đơn vị biểu diễn có những hoạt động phục vụ công chúng”, ông Tô Văn Động nói.

Ðặt an ninh lên hàng đầu

Trở lại thời điểm ngừng cấp phép nhạc điện tử, giới trẻ đã cùng nhau chia sẻ những thông diệp “Save EDM Festival” mang ý nghĩa bảo vệ âm nhạc điện tử. Lời kêu gọi này đã nhận được hàng nghìn lượt ủng hộ. Đại diện Cty M.M (chuyên tổ chức nhạc điện tử) cho biết, EDM là dòng nhạc văn minh, hiện đại mang ý nghĩa tích cực với giới trẻ. “Giá trị mà các lễ hội âm nhạc mang lại có thể thấy rõ, ngay cả những người đam mê nhạc EDM đa số là những thanh niên văn minh. Không thể vì một con sâu làm rầu nồi canh được”, vị này bày tỏ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở VHTT Hà Nội cho rằng, sở là đơn vị cấp phép chỉ đơn thuần về chuyên môn: Bài hát, ca sĩ có được phép hay không. Đối với những địa điểm biểu diễn chuyên nghiệp như: rạp hát, cung văn hóa… thì đương nhiên sẽ rất dễ dàng. Giám đốc nhà hát, cung văn hóa… sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ về khâu an ninh trật tự, phòng cháy sau khi được cấp phép nội dung từ Sở VHTT.

Vấn đề là hiện nay, có nhiều nơi không phải địa điểm chuyên tổ chức biểu diễn như công viên, sân vận động thì nguyên tắc chủ cơ sở phải đồng ý. Chủ cơ sở đó đủ tư cách pháp nhân để đảm bảo an ninh trật tự và chịu trách nhiệm về những hoạt động xảy ra trong khuôn viên của mình.

Đối với những địa điểm công cộng, đơn vị tổ chức nhạc EDM phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia đề xuất của Sở VHTT Hà Nội vừa qua chưa khắc phục được khe hở về quản lý với các sự kiện âm nhạc điện tử, vẫn theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không có sự hậu kiểm toàn bộ quy trình tổ chức sự kiện. “Cần tham khảo cách làm trong cấp phép xây dựng. Muốn có giấy phép xây dựng thì đất phải có sổ đỏ, có thiết kế được duyệt, có thỏa thuận quy hoạch, phòng cháy...và khi cấp phép xây dựng thì là công đoạn cuối để hậu kiểm lại các quy trình trước đó. Nếu không làm như vậy thì đơn vị tổ chức biểu diễn hoàn toàn có thể “lách” qua nhiều khâu mà vẫn có giấy phép”, một chuyên gia về tổ chức biểu diễn nói.

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài kiến nghị: “Nếu cấp phép lại nhạc điện tử cần phải chặt chẽ, kỹ càng hơn”. Sở VHTT có thể không chỉ cấp phép về mặt nội dung nữa mà cần khảo sát, nắm rõ điều kiện cơ sở có đảm bảo hay không trước khi cấp phép. Lãnh đạo quận đề xuất nên có một bản kế hoạch tổng thể dựa vào đó chính quyền địa phương mới có thể phối hợp, kiểm soát an ninh trật tự tốt hơn. Trong trường hợp UBND quận yêu cầu dừng một chương trình cũng rất khó nếu không có vấn đề gì đặc biệt, có thể còn bị doanh nghiệp kiện lại.

Trước đó, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân cũng chia sẻ với báo chí về sự kiện âm nhạc khiến 7 người chết. Ông Quân cho rằng, các đại nhạc hội nhạc trẻ, nhạc điện tử bung ra không gian mở có sức chứa hàng nghìn người, nhưng hiện nay các quy định về cấp phép chưa theo sát thực tế.

Nhiều người đề xuất cần cấp phép các chương trình âm nhạc điện tử như một chương trình lễ hội, nhằm kiểm soát các sự kiện hoạt động kèm theo, chứ không chỉ cấp phép đơn thuần cho chương trình nghệ thuật.

Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã có phản hồi công văn của Sở VHTT về việc tiếp tục cấp phép cho nhạc điện tử. Qua đó đề nghị giao lại cho Sở VHTT tiếp tục bàn bạc, thống nhất với Công an thành phố về những phương án cụ thể để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những sự kiện âm nhạc điện tử, có sự tham gia của DJ.

MỚI - NÓNG