'Tái cơ cấu nền kinh tế, cần đạt kết quả cụ thể'

'Tái cơ cấu nền kinh tế, cần đạt kết quả cụ thể'
TP - Vừa tái lập được một năm, Ban Kinh tế Trung ương theo phương châm “Làm nhiều nhưng nói ít” - Trưởng Ban Kinh tế, Ủy viên Trung ương Đảng, ông Vương Đình Huệ chia sẻ.

Cùng đó, ông đưa ra những suy nghĩ trong điều hành kinh tế đất nước nhân bước sang một mùa xuân mới.

Bức tranh kinh tế: đã sáng hơn

Năm 2013 qua đi, nền kinh tế vẫn còn nhiều bộn bề. Từ góc độ Trưởng ban Kinh tế Trung ương, tham vấn cho Đảng đường hướng, chiến lược về kinh tế, ông có nhận xét gì?

Trong ba năm vừa qua, chúng ta đã hết sức nỗ lực để thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Có 3 điểm then chốt trong bức tranh kinh tế đó là: (1) Kiềm chế lạm phát năm sau thấp hơn năm trước; hết năm nay, giờ này chỉ ở khoảng hơn 6% là mức thấp nhất trong 10 năm; (2) Tăng trưởng GDP 3 năm đạt ở mức 5,6%, riêng 2013 đạt 5,42% cao hơn năm trước (5,25%); (3) Lãi suất giảm mạnh, thanh khoản ngân hàng, xuất khẩu tăng trưởng, thu hút FDI, ODA, cán cân thanh toán tổng thể khả quan, dự trữ ngoại hối tăng.

Tổng quát lại, tuy một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch nhưng so với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và an sinh xã hội thì đất nước đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực và đúng hướng.

Tuy nhiên, còn một số chỉ tiêu như tăng trưởng GDP; tổng đầu tư toàn xã hội và giải quyết việc làm chưa đạt mục tiêu. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn có nguy cơ tăng trở lại trong thời gian tới, tái cơ cấu tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp nhà nước chậm và còn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu có giảm nhưng vẫn còn cao, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động…

Như thế, có thể thấy là bức tranh kinh tế vẫn khó khăn, thậm chí có điểm nghẽn. Theo ông chúng ta có thể đưa ra những lối thoát nào?

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Hội nghị Trung ương ba khóa XI xác định vừa tái cấu trúc nền kinh tế một cách tổng thể, vừa xác định 3 khâu trọng tâm đột phá là: tái cơ cấu về đầu tư công, tái cơ cấu về hệ thống tài chính ngân hàng, tái cơ cấu về doanh nghiệp nhà nước.

Để vừa giải quyết các khó khăn trước mắt, vừa đảm bảo cho nền kinh tế phát triển, tăng trưởng bền vững, chúng ta phải nhất quán và kiên trì thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Việc thực hiện đề án này cùng với các đề án thành phần về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu.

Đáng chú ý là Chính phủ đã ban hành và triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trung ương cũng đang sơ kết việc thực hiện nghị quyết hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chúng ta sẽ có những quyết sách mới về “tam nông”. Việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp, dịch vụ cũng sẽ được triển khai. Đến 2015, cần phải đạt được những kết quả cụ thể và rõ nét về tái cơ cấu nền kinh tế.

Nợ xấu và tập đoàn: Ứng xử thế nào?

Nói về nợ xấu, có nhiều cách ví von: Nào là cục máu đông, nào là hòn đá tảng chặn đường phát triển. Xử lý cục nợ như thế nào là cả một câu chuyện. Nếu không rốt ráo, xử lý triệt để rất dễ chúng ta rơi vào tình trạng đảo nợ từ “túi này sang túi nọ”. Về định hướng, nên như thế nào để căn cốt, thưa ông?

Tháo nút thắt, điểm nghẽn của nền kinh tế, tồn kho cao, nợ xấu, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, vừa lo dài hạn vừa lo trước mắt. Năm vừa qua tập trung những việc đó, Công ty Quản lý và khai thác tài sản (VAMC) đã thành lập và đi vào hoạt động.

Đó là giải pháp cần thiết để giải quyết nhanh nợ xấu khu vực ngân hàng, tạo điều kiện cho ngành ngân hàng tiếp tục cho vay, đưa tín dụng ra cho nền kinh tế. Theo tôi, tới đây cần tiếp tục hoàn thiện mô hình này, không chỉ bằng giải pháp kỹ thuật mà cũng cần có nguồn lực thực để xử lý nợ xấu và nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện, chức năng nhiệm vụ của VAMC.

Về giải quyết bài toán tiếp cận vốn của doanh nghiệp, của nền kinh tế; chúng ta phải chú trọng giải pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng nhưng không hạ thấp tiêu chuẩn, điều kiện tín dụng để tránh phát sinh nợ xấu mới. Ngân hàng và doanh nghiệp cần ngồi với nhau để tính kỹ. Cần nghiên cứu hình thức cho vay thế chấp bằng dự án sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp Nhà nước được coi là trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động chưa thực sự hiệu quả, còn không ít yếu kém. Công tác cán bộ ở khối này dư luận cho là có vấn đề. Có cách nào để chúng ta xây dựng nguồn lực mạnh tăng cường cho khối DNNN những năm tới, thưa ông?

Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý, lãnh đạo cho khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, là vấn đề căn cốt. Việc đầu tiên các tập đoàn cần làm là phải thực hiện quyết liệt cho đúng với các đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Đồng thời, cần tăng cường trách nhiệm triển khai của từng bộ và phối hợp giữa các bộ, ngành trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp nhà nước v.v…

Điều có thể làm ngay là phải thực thi hiệu quả hơn các quy định về quản trị công ty theo tiêu chuẩn tiên tiến, tự các doanh nghiệp phải làm. Cụ thể cần sắp xếp hợp lý tổ chức bộ máy và nhân sự, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết; sắp xếp, bố trí lại lao động, giải quyết lao động dôi dư.

Tái cấu trúc phải thực hiện đồng bộ vừa trên phương diện vĩ mô và từng tập đoàn, tổng công ty cụ thể, có ưu tiên tập đoàn lớn hoặc một số đơn vị còn có yếu kém, có rủi ro. Với việc thực hiện nguyên tắc “thị trường, đảm bảo hiệu quả và minh bạch”, việc cổ phần hóa và thoái vốn ra khỏi những ngành không then chốt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn.

Vậy theo ông, đâu sẽ là chế tài thực hiện cách quản lý các tập đoàn?

Mỗi tập đoàn lớn sẽ có nghị định riêng về tổ chức hoạt động, quy định rõ trách nhiệm lãnh đạo tập đoàn nếu 2 năm liên tiếp bị thua lỗ. Các quy chế giám sát tài chính, quy định diện kiểm soát đặc biệt là những chế tài cần thiết để ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu ở các doanh nghiệp nhà nước.

Chứng khoán, bất động sản: sẽ khởi sắc

Năm 2014, ông có nhận xét gì về các thị trường như chứng khoán, bất động sản. Về điểm nghẽn, tồn kho bất động sản, gói 30.000 tỷ đồng, đến thời điểm này còn chậm, chúng ta có cách gì giải quyết hanh thông?

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm qua phục hồi tích cực, tăng trưởng mạnh, chỉ số VN-Index tăng 22% so với năm 2012, giao dịch mỗi phiên tăng 31% so với 2012. Thị trường trái phiếu được đánh giá tăng trưởng tốt nhất châu Á, toàn thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong 10 thị trường phục hồi tốt nhất trên thế giới.

Dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 tuy ít có khả năng tăng trưởng đột phá do còn những khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng sẽ tiếp tục phục hồi và khởi sắc hơn 2013.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ .

 Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là cán bộ quản lý, lãnh đạo cho khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, là vấn đề căn cốt. Việc đầu tiên các tập đoàn cần làm là phải thực hiện quyết liệt cho đúng với các đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt. 

Trưởng ban Kinh tế Trung ương
Vương Đình Huệ 

Nhìn chung thị trường bất động sản năm 2013 vẫn trầm lắng, dự báo năm 2014 có thể có khởi sắc hơn do kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng khả quan hơn; giá bất động sản cũng sẽ phù hợp hơn với sức mua của người dân, đã có các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến dự án đang triển khai, góp phần kích thích thị trường; tồn kho BĐS, nhất là phân khúc nhà ở chung cư giá rẻ sẽ giảm mạnh do nhu cầu thực sự của người dân còn lớn và giá đã ở mức khá hợp lý. Đầu tư BĐS sẽ từng bước hấp dẫn trở lại do các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm sẽ khó khăn hơn.

Ban Kinh tế Trung ương được thành lập, công luận kỳ vọng nhiều vào một bước đột phá mới trong tham vấn những vấn đề kinh tế đất nước. Đầu xuân, ông có thể chia sẻ đôi điều với bạn đọc Tiền Phong?

Vừa tái lập được một năm, Ban Kinh tế Trung ương theo phương châm “làm nhiều nhưng nói ít” - Trong một năm qua, Ban Kinh tế Trung ương đã và đang hình thành tổ chức, bộ máy, tuyển dụng nhân sự, đồng thời thực hiện công tác nghiên cứu, đề xuất, thẩm định, kiểm tra, giám sát theo nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương giao. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng có thể nói, hiện Ban Kinh tế Trung ương đã bắt nhịp được với nhiệm vụ được giao, năm tới đây sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Xin cảm ơn ông.

Khánh Huyền
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG