Tái định canh thủy điện Đồng Nai 3: Làm để bỏ!

Tái định canh thủy điện Đồng Nai 3: Làm để bỏ!
TP- Hơn hai trăm tỷ đồng xây dựng khu tái định canh và tái định cư cho các hộ dân vùng ngập lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 có khả năng bị lãng phí vì vùng đất này không thể canh tác, nhưng chủ đầu tư vẫn tiến hành làm.

Dự án Tổ hợp Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 được công bố từ lâu. Đến nay, dân xã Đăk B’lao huyện Đăk G’long tỉnh Đăk Nông thuộc vùng ngập lòng hồ của thủy điện này có gần 20 năm sống thấp thỏm chờ ngày giải tỏa.

Ông K’lớ, Chủ tịch UBND Xã Đăk B’lao, cho biết, chúng tôi thật khổ sở, cây không dám trồng, nhà không dám xây, cứ phải sống tạm bợ suốt hàng chục năm qua. Xã có hàng ngàn ha đất canh tác, trong đó có hơn 100 hecta ruộng nước, nhưng vẫn  có đến hơn 30 phần trăm số dân thuộc diện hộ nghèo.

Đến năm 2008, theo kế hoạch, dân Đăk B’lao được phân đất tái định canh, nhưng chờ mãi không thấy. Hàng trăm hộ dân bỏ làng vào vùng rừng đặc dụng của tỉnh Lâm Đồng để phá rừng lập làng mới. Chính quyền hai tỉnh Đăk Nông và Lâm Đồng mất rất nhiều công sức và tiền của để đưa những hộ dân này quay lại Đăk B’lao.

Cuối tháng 3/2009, sau nhiều lần trễ hẹn, khu tái định canh và tái định cư vùng ngập lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 được xây dựng trên hơn 1.000ha tại xã Quảng Khê, huyện Đăk G’long, tỉnh Đăk Nông hoàn thành khâu khai hoang san ủi mặt bằng.

Nhân dân Đắk B’lao hồ hởi kéo nhau đến nhận đất tái định canh. Nhưng khi được chỉ đất sản xuất nằm trên những quả đồi cao chót vót, cằn cỗi.

Ông Nông Văn Mèn, Phó Bí thư đảng ủy Xã Đăk B’lao, cho hay, tất cả các hộ dân ở Đăk B’lao đều quyết không nhận đất tái định canh, bởi vùng này đất quá dốc, xấu và không có nước suối.

Lãnh đạo huyện Đăk G’long cũng ngao ngán, nếu đưa dân về đây, chắc chắn chính quyền sẽ phải gồng mình cứu trợ dài dài, vì đất này chỉ thích hợp với việc trồng rừng, trong khi đất sản xuất hoa màu mới là thứ dân cần để đảm bảo cuộc sống.

Khảo sát khu tái định canh Đăk G’long, ông K’Beo, Chủ tịch HĐND Tỉnh Đăk Nông, cũng nhận định: Nếu khéo vận động, dân vùng ngập lòng hồ thủy điện sẽ tái định canh ở đây, nhưng rồi họ cũng sẽ sớm bỏ đi vì không thể sản xuất được.

Vẫn phải ném tiền qua cửa sổ?

Tổ hợp thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 có tổng công suất 520 MW, tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 sẽ phát điện cuối năm 2009 và một năm sau sẽ đến lượt Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện một số hạng mục công trình bị chậm, thời hạn phát điện của hai nhà máy này phải lùi lại một năm.

Tổ hợp thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 không thể chậm thêm nữa. Vì vậy, mặc dù có nhiều ý kiến xung quanh khu tái định canh và tái định cư tại xã Quảng Khê huyện Đăk G’long, Ban Quản lý dự án cho biết, hạng mục này vẫn phải được hoàn tất trong vài tháng tới để bảo đảm kịp tiến độ ngăn dòng vào tháng 6/2010.

Theo đó, các gói thầu xây hơn 400 căn nhà tái định cư, làm đường sản xuất, các hồ nước phục vụ sản xuất và các công trình công cộng khác trị giá hơn 200 tỷ đồng đang tiếp tục được gấp rút bán ra và phải hoàn thành thi công chậm nhất là trong vòng 360 ngày tới.

Ông Lê Xuân Thành, Phó phòng Đền bù Tái định cư của Dự án Tổ hợp Thủy điện Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 cho biết, việc chọn địa điểm tái định canh và tái định cư là do chính quyền tỉnh Đăk Nông thực hiện, chúng tôi chỉ có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, nếu sau này khu tái định canh không phát huy tác dụng, tỉnh Đăk Nông sẽ phải tìm cách khắc phục dần, chứ hiện nay không còn cách giải quyết nào khác là chúng tôi phải tiếp tục tiến hành xây dựng ở đây.

Một người Đăk B’lao ngậm ngùi: “Một mai, nước hồ chứa thủy điện Đồng Nai dâng lên, không còn cách nào khác là chúng tôi phải ra đi”. Không thể định canh nơi nhà nước chỉ định, họ lại phải lén lút phá rừng ở những nơi xa xôi và sẽ tiếp tục sống cảnh đời của những người di cư tự do.

MỚI - NÓNG