Gian nan làng mới

Tái định cư trên bãi bom

Tái định cư trên bãi bom
TP - Khu tái định cư làng Kênh Chong, tỉnh Gia Lai, sau khi san ủi đất, dựng nhà gặp cơn mưa, bom mìn trồi lên như khoai lang.

Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư thôn 5, xã Ia Le (Chư Sê, Gia Lai) do UBND Huyện Chư Sê làm chủ đầu tư được UBND Tỉnh Gia Lai phê duyệt ngày 21/7/2008.

Tái định cư trên bãi bom ảnh 1
Bom nổi lên trên khu dân cư mới

Dự án có tổng kinh phí gần 6,2 tỷ đồng bao gồm: nhà ở cho 98 hộ (giai đoạn 2 sẽ tăng lên 200 hộ), khai hoang xây dựng khu dân cư 60,5 ha, khai hoang đất sản xuất 98 ha (mỗi hộ một ha), làm các hạng mục hạ tầng như giao thông, điện sinh hoạt, trường học, công trình nước…

Thời gian hoàn thành làng tái định cư theo dự án từ năm 2008 đến 2009.

Đến nay làng Kênh Chong đã quy hoạch sử dụng và phân lô xong 98 lô đất ở, mỗi lô 1.500m2, làm nhà ở 98 căn mỗi căn rộng 23,5m2; đường giao thông nội vùng, điện sinh hoạt cơ bản đã đến từng nhà.

Tuy nhiên, một điều hết sức bất ngờ là, sau khi khai hoang hơn 60 ha tiểu khu 1138A xã Ia Le để làm khu dân cư, một bãi bom hiện ra. Những quả bom bi chưa nổ nằm rải rác khắp vùng. Vì thế đến nay mới có 60/98 hộ đến nhận nhà, nhận vườn.

Chúng tôi đến tận nơi, chứng kiến khá nhiều quả bom lăn lông lốc trên những thửa đất đã san ủi lập vườn. Ngay trước nhà thôn trưởng Rmal Chek cách chừng 20m có quả bom bi như nắm tay chưa nổ trồi lên mặt đất. Rmal Chek cho biết, sau khi phát hiện vùng này nhiều bom mìn còn sót lại, UBND Huyện Chư Sê đã thuê Tỉnh Đội Gia Lai rà phá. Đã có một số bom được thu gom kích nổ.

Phó Chủ tịch UBND Huyện Chư Sê Lưu Trung Nghĩa cho rằng, việc chọn địa điểm lập làng tái định cư này có sự thống nhất cao từ già làng đến đại diện Ủy ban Dân tộc Chính phủ. Trước khi lập làng UBND Huyện Chư Sê không hề có thông tin rằng nơi đây từng là căn cứ quân sự.

Gian nan làng mới

Theo Rmal Chek, trong số 98 hộ về định cư ở đây, làng Kênh Chong, xã Ia Blưh có 19 hộ; làng Puối A có 33 hộ và 46 hộ làng Puối B (xã Ia Le) đưa dân sang. Vị trí lập làng mới thuận lợi về giao thông, thương mại song là vùng đất quá cằn cỗi, sỏi đá.

Đất này về mùa mưa nhão rất nhanh, song mùa nắng thì khô cằn. Đào xuống 7-10m là gặp đá nên bà con không tự đào giếng được, đồng thời nước khu vực này rất nhiều chất vôi. Hiện, nước giếng khoan của dự án bà con chỉ sử dụng sinh hoạt chứ ăn uống thì lấy nước mưa hoặc nước từ làng cũ mang về.

Căn nhà rộng chưa đến 24m2, chật, thấp lại không có nhà bếp nên bất tiện cho dân trong sinh hoạt. Những người về đây đều là dân nghèo, khó có vốn liếng đầu tư thêm nhà bếp, nhà vệ sinh.

Tuy nhiên, khó khăn lớn mà làng tái định cư Kênh Chong đối mặt lại là đất sản xuất. Theo dự án, lẽ ra 89ha đất sản xuất sẽ được lấy tại tiểu khu 1138A là diện tích rừng nghèo đã giao khoán cho một số hộ nhận chăm sóc.

Thế nhưng, ngày 15/6/2009, UBND Tỉnh Gia Lai đã không đồng ý với đề nghị của UBND Huyện Chư Sê, Sở Tài nguyên & Môi trường về việc thu hồi 98 ha đất rừng đã giao cho bảy hộ để sản xuất nông nghiệp đồng bào dân tộc thiểu số tại khu tái định cư làng Kênh Chong. Giao Sở Tài nguyên chủ trì tìm khu đất khác phù hợp hơn.

Chủ tịch UBND Huyện Chư Sê, ông Nguyễn Văn Lành cho rằng, việc tìm quỹ đất  mới là rất gian nan. Tuy nhiên, huyện sẽ thực hiện, còn kết quả thế nào không dám chắc.

Được biết, vài năm trở lại đây, UBND Tỉnh Gia Lai giao hàng chục ngàn hécta rừng cho nhiều doanh nghiệp tư nhân khảo sát và chuyển sang trồng cao su tại xã Ia Le và Ia Blưh.

Vì thế đất tốt để sản xuất nông nghiệp gần làng tái định cư cho dân xem như không còn. Đưa dân đi tái định cư tốn nhiều tỷ đồng song những người tự nguyện về làng mới đang khó khăn chồng chất. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.