Tái định cư, vì sao dân cứ phải long đong...

Tái định cư, vì sao dân cứ phải long đong...
TP- Hứa bố trí tái định cư (TĐC) tại chỗ nhưng sau đó buộc dân nhận tiền tự lo chỗ ở, cấp suất TĐC vượt tiêu chuẩn nhưng sau khi thất hứa lại không chịu bồi hoàn phần chênh lệch...

Thậm chí bị tòa án xử thua song địa phương vẫn không chịu thi hành bản án khiến nhiều hộ dân phải sống long đong, tạm bợ chờ TĐC hơn 10 năm trời.

Thực trạng ấy đã được làm rõ tại hội nghị tham vấn ý kiến người dân về nhà tái định cư do HĐND TPHCM tổ chức tại quận Bình Thạnh vào ngày 1/10.

Tái định cư, vì sao dân cứ phải long đong... ảnh 1

Ông Vũ Đức Tảo (89 tuổi) vẫn sống tạm cư trong khu nhà lụp xụp

Tuổi xế chiều vẫn chưa “an cư”

Ông Vũ Đức Tảo (SN 1929) - thương binh bậc 2/4 (có 2 anh, em trai và một người cháu ruột là liệt sĩ) đã lênh đênh tại khu tạm cư dưới đường điện cao thế thuộc phường 13, quận Bình Thạnh từ nhiều năm nay và đang phập phồng chưa biết sẽ đi đâu.

Theo hồ sơ của Phòng LĐTBXH quận, năm 1979, ông Tảo tình nguyện đăng ký và được cử làm bí thư Đảng ủy vùng kinh tế mới thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai (nay thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Năm 1981, vùng kinh tế mới giải thể, ông Tảo quay về TPHCM nương nhờ nhà người bạn và xin nhập hộ khẩu nhưng không được giải quyết vì chưa có nhà.

Không thể nương nhờ mãi, năm 1982, ông Tảo đưa gia đình đến khu đất hoang cạnh Bến xe miền Đông (phường 26) che căn chòi để ở cho đến khi bị giải tỏa và được bố trí tạm cư tại khu đường điện cao thế cho đến nay. Đại biểu Đặng Văn Khoa - người đã phát hiện trường hợp ông Tảo, chua xót: Ở cái tuổi xế chiều, nhưng lúc nào ông Tảo cũng nơm nớp lo mất chỗ ở.

Vì sao? Theo báo cáo của UBND quận Bình Thạnh, Khu tạm cư dưới đường điện cao thế có 54 hộ dân đang sử dụng 55 căn nhà tạm cư do Cty Phát triển nhà Bình Thạnh quản lý. Phần lớn các hộ nói trên thuộc diện lấn chiếm đất công, sông rạch, lòng lề đường nên không có tiêu chuẩn tái định cư hoặc không đủ khả năng mua trả góp căn hộ chung cư.

Do đó, địa phương đang băn khoăn, không rõ có phải giải quyết nơi ở cho các hộ khi xóa khu tạm cư. Tại Thông báo số 145 (ngày 25/3) vừa qua của Văn phòng UBND TP đã giao các sở chức năng nghiên cứu, đề xuất chính sách giải quyết cho các hộ tạm cư nói trên, trình UBND TP phê duyệt.

Quýt làm, cam chịu!

Ngày 12/3/2008, UBND TP đã có công văn chấp thuận giao quận Bình Thạnh 60 căn hộ chung cư Bình Trưng Đông (quận 2) để bố trí cho các hộ bị giải tỏa trong các dự án của Cty Thanh niên xung phong (TNXP).

Tuy nhiên, khi mới bố trí được cho 33 hộ bị giải tỏa khu dạ cầu Sài Gòn và đang xúc tiến cho 28 hộ còn lại bốc thăm chọn nhà thì Sở Xây dựng đã điều chuyển số căn hộ còn lại cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc hai dự án kênh tàu Hủ - Bến Nghé và đại lộ Đông Tây.

Đại diện Sở XD cho biết nguyên nhân do quận Bình Thạnh quá chậm chạp, trong khi thành phố đang rất cần quỹ nhà để bố trí TĐC cho các dự án cấp bách khác.

133 hộ dân thuộc diện giải tỏa tại các dự án do Cty TNXP làm chủ đầu tư đã rất bức xúc vì chờ đợi ròng rã để được bố trí nền TĐC tại chỗ thì bất ngờ nhận được thông báo chuyển đổi sang phương thức nhận tiền tự lo chỗ ở mới.

Theo thừa nhận của lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh, ban đầu thành phố và quận cam kết và dự kiến giao nền cho các hộ tại khu quy hoạch TĐC lô 13 -14 (giai đoạn 1) nhưng do dự án TĐC tại đây còn hơn 100 hộ chưa giải tỏa.

Mặt khác, theo điều chỉnh quy hoạch chung của quận được phê duyệt sau đó thì khu này là phần trung tâm thành phố, việc phân lô, bố trí nền không còn phù hợp nên địa phương đã bù chênh lệch giá và yêu cầu các hộ dân tự tìm chỗ ở.

Đáng lưu ý, có 9 hộ thuộc diện có tiêu chuẩn TĐC bằng nền, trước đây được Ban chỉ đạo phê duyệt vượt diện tích, số nền so với quy định hiện nay.

Ngày 10/6 vừa qua, UBND TP đã có thông báo không bù chênh lệch đối với phần diện tích ngoài tiêu chuẩn (dôi dư) theo quy định. 8/9 hộ dân đã khiếu nại, không đồng ý với cách giải quyết này vì cho rằng họ không tự tiện chiếm dụng mà được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Cũng vì chuyện hoán đổi phương thức TĐC này mà cả UBND quận Bình Thạnh và người dân đều khổ. Theo giải trình của ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch UBND quận, vừa qua, hộ bà Nguyễn Thị Hải thuộc diện giải tỏa dự án lô A - B - C đã kiện UBND quận ra tòa, yêu cầu thu hồi quyết định hành chính về thu hồi nền vì cho rằng không đúng quy định của chính sách bồi thường.

Tại bản án phúc thẩm số 504 ngày 26/5 vừa qua, đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và tuyên hủy quyết định của UBND quận về thu hồi 3 nền đất đã bố trí cho hộ bà Nguyễn Thị Hải.

Trong 58 hộ dân bị giải tỏa trong các dự án của Cty TNXP chưa được giải quyết TĐC thì có đến 19 hộ có nguồn gốc đất, cơ sở pháp lý tương tự hộ bà Hải.

 “Việc giải quyết của tòa án đối với trường hợp bà Hải khác với nguyên tắc giải quyết bồi thường của UBND TP. Quận Bình Thạnh đã có văn bản báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND TP và đang chờ kết luận của thành phố đối với trường hợp của bà Hải mới có thể triển khai giải quyết cho các trường hợp khác” - Ông Hùng cho biết.

Theo ông Phạm Văn Hải - Phó Chủ tịch UBMTTQ TP, phê duyệt quá diện tích dẫn đến việc xem xét lại đã kéo dài thời gian tạm cư không phải là lỗi của người dân mà từ phía chính quyền địa phương nên cần xử lý các cán bộ đã thụ lý. “Bản án đã tuyên là có hiệu lực thi hành ngay. Còn việc xem xét chủ trương, chính sách là công việc của các cấp hành chính, không thể lẫn lộn thành một” - ông Hải khẳng định.

MỚI - NÓNG