Tai nạn 8 người chết và mất tích: Nước mắt vùng biển

Anh Lê Văn Thiện thoát chết trong tai nạn trên biển. Ảnh: Hoàng Lam.
Anh Lê Văn Thiện thoát chết trong tai nạn trên biển. Ảnh: Hoàng Lam.
TP - Suốt mấy ngày qua, không khí đau buồn bao trùm xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) khi tai nạn trên biển ngày 8/1 khiến cho 3 tàu cá của ngư dân địa phương bị chìm, 10 người được cứu sống, 8 người mất tích ngoài biển.

Chưa hết hoang mang, thoát chết sau vụ tai nạn, anh Lê Văn Thiện (SN 1991, thôn Thanh Xuyên l) kể: “Chỉ vài phút sau khi sóng đánh tung mỗi người một nơi, chúng tôi gào thét để nghe tiếng của nhau rồi bơi lại gần nhau, giữ lấy nhau. Cả 7 người còn lại ôm phao, ngâm dưới nước giá lạnh. Không lâu sau đó, một số người không thể trụ được buông tay khỏi phao. Biết cơ hội sống sót không cao, lúc đó, chúng tôi chỉ mong có cái gì đó buộc lấy cơ thể chúng tôi lại để chẳng may không thể chống cự được thì mọi người tìm thấy thi thể”.

Thiện nghẹn ngào khi nhớ lại cảnh người bố ruột của mình là ông Lê Văn Thực, cũng là chủ tàu gặp nạn TH-91552TS dần buông tay khỏi phao do không thể chống lại giá rét và sóng lớn giữa biển khơi. Ngay lúc đó, đánh cược với tính mạng của mình, Thiện bàn với những người còn lại đang túm nhau rằng, mình sẽ bơi đến điểm có ánh sáng phía xa kia xin cứu hộ. Vì nếu cứ để trôi lơ lửng như thế giữa thời tiết đang bất thường thế này thì cơ hội sống sẽ không có.

Thiện tách nhóm, cứ hướng về phía ánh đèn tàu gần nhất. Lợi dụng những đợt sóng xô, Thiện dùng hết sức lực của mình. Mất chừng 5 hải lý (khoảng 9,5 km), Thiện gặp được tàu mang số hiệu TH 91208 TS. Khi được đưa lên tàu sơ cứu, Thiện chỉ nói được vài tiếng xin cứu hộ một số người đang còn ở phía dưới kia.

Chiếc tàu TH 91208TS nhanh chóng quay lại nhưng chỉ còn thấy 2 người bám trên phao là Vũ Văn Sanh và Nguyễn Văn Long. Những người trên tàu tập trung hô hấp giành giật sự sống cho nạn nhân Sanh và Long rồi đưa vào đất liền cấp cứu. Những người mất tích khác được các tàu bạn tiếp tục tìm kiếm. Hiện Thiện đã tạm ổn sức khỏe về làm lễ tang cho bố tại nhà, còn ông Sanh và anh Long vẫn đang được cấp cứu, điều trị tại bệnh viện.

Tang thương xóm biển

Người dân xã Hải Thanh cho biết, hàng chục năm qua, chưa có đợt nào tai nạn trên biển lại cướp đi nhiều mạng người của xã như thế. Cũng trong đêm 8/1, 2 tàu cá khác của ngư dân Hải Thanh bị sóng biển đánh chìm đó là tàu TH – 90804 TS có công suất 110 CV làm nghề câu mực, chủ tàu là Nguyễn Văn Xuân ở thôn Thanh Đình, có 5 người trên tàu bị trôi trên biển, may mắn được cứu vớt đưa vào bờ lúc 15h ngày 9/1. Tàu TH 1288 TS có công suất 60CV, làm nghề câu mực, chủ tàu là Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Thanh Nam, có 5 người, 2 người được cứu vớt đưa vào bờ lúc 20h ngày 9/1, còn 3 người mất tích.

Vụ tai nạn khiến gia đình anh Lê Văn Thiện mất đi 5 người đều là anh em, họ hàng. Ngoài ông Thực (bố Thiện) bị mất tích còn có Lê Văn Đạt và Bùi Bá Thắng là cháu ruột, Trần Thân Từ là em rể, Nguyễn Văn Nguyên là cậu của ông Thực.

Mỗi gia đình các nạn nhân có những khó khăn riêng, việc chưa tìm thấy thi thể của các nạn nhân khiến cho cả xã Hải Thanh chìm trong tang tóc đau thương. Trong số những nạn nhân mất tích, hoàn cảnh gia đình của Bùi Bá Thắng (SN 1980, thôn Thanh Đình, xã Hải Thanh) vô cùng éo le. Bố Thắng trước đây bị chết do tai nạn trên biển, anh trai bị chết do tai nạn giao thông còn chị gái chết do đuối nước. Trong nhà Thắng chỉ còn người mẹ bệnh tật Vũ Thị Bản (SN 1960).

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vào tối ngày 8/1, do đợt gió mùa Đông Bắc  mạnh tràn xuống Bắc bộ và Trung bộ gây gió mạnh, khiến cho 3 tàu cá của ngư dân xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) bị sóng đánh chìm, khiến cho 18 ngư dân gặp nạn. Hiện đã đưa 10 ngư dân vào đất liền an toàn, còn 8 ngư dân đang mất tích.  Nạn nhân mất tích gồm: Lê Văn Sơn (50 tuổi), Trần Văn Tiệp (40 tuổi), Hoàng Văn Khâm (hơn 40 tuổi), Nguyễn Văn Nguyên (62 tuổi), Lê Văn Thực (53 tuổi), Bùi Văn Thắng (37 tuổi), Trần Thân Từ (51 tuổi) và Lê Văn Đạt (21 tuổi).

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.