Tai nạn đường sắt liên tiếp: Phải hạ cấp bậc, xử lý cán bộ làm gương

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt tại ga Núi Thành (Quảng Nam). Theo Bộ trưởng GTVT, vụ tai nạn có lỗi do điều hành, quản lý của ngành. Ảnh: Hoài Văn.
Hiện trường vụ tai nạn đường sắt tại ga Núi Thành (Quảng Nam). Theo Bộ trưởng GTVT, vụ tai nạn có lỗi do điều hành, quản lý của ngành. Ảnh: Hoài Văn.
TP - “Người đứng đầu ngành đường sắt, thậm chí cả Bộ trưởng GTVT nếu để xảy ra liên tiếp nhiều vụ TNGT nghiêm trọng cần phải xem xét trách nhiệm. Không thể đổ lỗi cho hạ tầng yếu kém, ý thức người dân thấp. Cần điều tra, xem xét, có thể hạ cấp bậc người đứng đầu ngành đường sắt để làm gương cho cấp dưới”, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy bình luận.

Hạ tầng quá lạc hậu

Bàn về việc liên tiếp 4 vụ tai nạn đường sắt xảy ra trong 4 ngày gần đây, TS Nguyễn Xuân Thủy, cho rằng, trước đây đường sắt là chủ đạo nhưng khoảng 10-15 năm trở lại đây, đường sắt xuống cấp trầm trọng. “Hệ thống hạ tầng đường sắt ở Việt Nam được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, đã hơn 1 thế kỷ trôi qua nhưng không thay đổi. Đường sắt chủ yếu đường đơn, trong khi thế giới hầu hết đường đôi. Với hệ thống đường đơn, các đoàn tàu ngược chiều chỉ có thể tránh nhau ở ga, năng suất kém, khả năng xảy ra tai nạn rất cao”, vị chuyên gia phân tích.

Đáng chú ý, theo TS Thủy, trong vận hành đường sắt, dung sai giữa bánh xe và đường ray rất quan trọng. Nếu hệ thống đường ray mòn, bánh xe mòn sẽ khiến dung sai lớn, đoàn tàu dễ trật đường ray.

Vị chuyên gia cũng chỉ rõ thực trạng hệ thống thông tin tín hiệu (báo tin đầu này đầu kia, giờ tàu chạy, tốc độ tàu,...) của Việt Nam đã quá lạc hậu, trong khi nước ngoài đều đã tự động hóa. Hơn nữa, tàu hỏa các nước đều đã điện khí hóa, trong khi Việt Nam vẫn chạy bằng dầu Diesel, tốc độ chậm.

Một điều hết sức quan trọng khác, chính là hành lang an toàn đường sắt bị xâm phạm. “Đường sắt Việt Nam đi qua gần 6.000 đường ngang. Trong số này, chỉ có vài trăm đường ngang, đường gom chính thức, còn lại là đường dân sinh tự phát. Do đó, xác suất xảy ra tai nạn cực kỳ cao. Có thể xảy ra bất kỳ lúc nào”.

Để hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, ngành đường sắt cần tiến tới trang bị khoa học công nghệ mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang hướng tới. Từ đó, sẽ kiểm soát được một cách tổng thể, kịp thời phát hiện ra những bộ phận mắc lỗi để điều chỉnh. Ngoài ra, cần đầu tư để đảm bảo sự tự động hóa các quy trình điều độ, điều hành chạy tàu đảm bảo sự liên thông, nhịp nhàng. Khi đó mới có thể giảm thiểu tối đa những vụ tai nạn giao thông do lỗi từ con người.

Xử nghiêm trách nhiệm

Xét ở góc độ chủ quan, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, 4 vụ tai nạn liên tiếp vừa qua thể hiện sự yếu kém trong khâu quản lý, giám sát, vận hành, kỷ luật lao động của ngành đường sắt. Dẫn chứng vụ tàu chở khách đi từ Hà Nội - TPHCM đâm vào xe ben chở đá cắt ngang qua đường ray ở xã Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hoá) ngày 24/5, ông Thủy cho rằng có hiện tượng người gác đường ngang không làm tròn trách nhiệm, ngủ quên dẫn tới không kịp đóng barie khi tàu sắp tới.

Với vụ tai nạn hai tàu hàng đi ngược chiều đâm nhau ở Ga Núi Thành (Quảng Nam), vị chuyên gia cho rằng chưa từng có tiền lệ nào với ngành đường sắt. “Xét cả mấy vụ tai nạn vừa rồi, nguyên nhân chính vẫn do sự yếu kém trong quản lý, vận hành của ngành đường sắt. Hạ tầng yếu kém nhưng nếu không kiểm tra thường xuyên, không giám sát, bảo dưỡng, sửa chữa thì nguy cơ xảy ra tai nạn càng cao”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nói.

Trước thực trạng trên, ông Thủy kiến nghị, Nhà nước cần có phương án đầu tư cho ngành đường sắt. Do ngân sách khó khăn nên phương án hợp lý nhất là đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, làm từng đoạn. “Nên nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại từ đường đơn thành đường đôi, đường rộng 1m thành đường rộng 1,435m. Chúng ta làm từng đoạn, ví dụ Hà Nội – Vinh, Vinh – Đồng Hới...Trong khoảng 3-5 năm sau, chúng ta sẽ có một tuyến đường sắt hợp lý, hiện đại để khai thác chở cả hàng hóa, giảm tải cho đường bộ”, vị chuyên gia phân tích.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy cho rằng Chính phủ cần truy trách nhiệm của người đứng đầu ngành giao thông vận tải. “Người đứng đầu ngành đường sắt, thậm chí cả Bộ trưởng GTVT nếu để xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng cũng phải xem xét trách nhiệm. Không thể đổ lỗi cho hạ tầng yếu kém, ý thức người dân thấp. Cần điều tra, xem xét, có thể hạ cấp bậc của người đứng đầu ngành đường sắt để làm gương cho cấp dưới”, ông Thủy bình luận.

Theo ông Thủy, người phụ trách ngành giao thông - tư lệnh một ngành phức tạp như vậy không thể để xảy ra tình trạng bê trễ. “Tư lệnh ngành cần phải nghiên cứu, xem xét có những giải pháp, chiến lược nào hợp lý để nâng cấp ngành đường sắt, đào tạo nghiệp vụ, đạo đức cho cán bộ cấp dưới...”, ông Thủy bày tỏ.

Về trách nhiệm của người đứng đầu địa phương để xảy ra tai nạn giao thông, ông Thủy cho rằng, việc của họ chủ yếu phải chịu trách nhiệm về hành lang an toàn giao thông đường sắt. Song, việc này hiện rất khó khăn do hệ thống đường ngang dân sinh tự phát ngày càng nhiều, việc giải tỏa hành lang rất khó khăn, không có ngân sách để bồi thường.

Sau khi Tiền Phong có bài “Bộ trưởng ở đâu khi tai nạn đường sắt liên tiếp xẩy ra?”, sáng sớm 28/5, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đi cùng VTV có mặt tại hiện trường vụ tai nạn 2 tàu hàng tại ga Núi Thành (Quảng Nam).

Theo hình ảnh VTV, ông Thể đi cùng Chủ tịch Tổng Cty Đường sắt Vũ Anh Minh đứng trước hiện trường vụ 2 tàu chở hàng đâm nhau. Ông Thể đánh giá đây là vụ tai nạn nghiêm trọng. Bản thân bộ trưởng cũng nhận định: Tai nạn xảy ra có thể do lỗi con người.

MỚI - NÓNG