Tai nạn giao thông chực chờ người dân… vì một công trình “rùa”

Tai nạn giao thông chực chờ người dân… vì một công trình “rùa”
TP - Đường vành đai Khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo (tuyến song hành S – giai đoạn 2) có chiều dài 1.378,6m kết nối giao thông giữa KCN và Quốc lộ 1A.
Tai nạn giao thông chực chờ người dân… vì một công trình “rùa” ảnh 1
Đường vành đai chưa liên thông nên xe tải trong KCN Tân Tạo nối đuôi rẽ sang QL 1A

Dù có vai trò quan trọng như giảm lưu lượng xe và đảm bảo an toàn giao thông cho cả khu vực nhưng dự án có tiến độ thực hiện chậm đến mức khó tin.

Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, QL 1A - đoạn qua Khu công nghiệp Tân Tạo được liệt vào danh sách các “điểm đen” về tai nạn giao thông.

Nguyên nhân chủ yếu làm tình hình giao thông trở nên phức tạp là do lưu lượng người và phương tiện giao thông ở khu vực này dày đặc, trong khi số lượng xe tải ra vào khu công nghiệp mỗi ngày lên đến hơn 1.000 chiếc vẫn chưa có đường dành riêng.

Theo số liệu của Cty TNHH đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Tân Tạo (sau đây gọi tắt là Công ty TNHH KCN Tân Tạo), KCN hiện có 194 Cty đang hoạt động với tổng số lao động lên đến gần 15.000 người, chưa kể hơn 50.000 công nhân đang làm việc tại Cty POUYEN (nằm đối diện với KCN Tân Tạo).

Việc xây dựng tuyến đường song hành với QL 1A dành riêng cho xe tải lưu thông là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của UBND thành phố.

Ngày 6/6/2002, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai KCN Tân Tạo do Cty TNHH KCN Tân Tạo làm chủ đầu tư đã chính thức được phê duyệt  với tổng kinh phí thực hiện gần 31 tỷ đồng

Để tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, UBND thành phố đã quyết định bố trí vốn ngân sách hỗ trợ toàn bộ kinh phí đền bù giải tỏa. Theo dự kiến, công trình đường vành đai KCN Tân Tạo sẽ hoàn thành trong thời gian 6 tháng. Thế nhưng…

Năm năm mới hoàn thành… 15,55% khối lượng!

Theo kết quả giám sát mới đây của Ban Kinh tế - Ngân sách (KT-NS) HĐND TPHCM, tính đến giữa tháng 2/2007, công trình ĐVĐ mới chỉ hoàn thành 15,55% khối lượng.

Theo báo cáo của Cty TNHH KCN Tân Tạo, trở ngại chính trong việc thực hiện dự án là công tác giải tỏa, bồi thường. Để thi công tuyến đường trên, chủ đầu tư phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và di dời 46 hộ dân với tổng diện tích đất cần thu hồi là hơn 43.200m2.

Tuy nhiên, có 22 hộ dân dù đã hiệp thương nhiều lần vẫn không chấp nhận phương án đền bù nên không giao đất. Số hộ nói trên lại ở xen kẽ với các hộ dân đã nhận tiền bồi thường và di dời nên Cty không thể tiếp tục thi công.

Đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan đơn vị liên quan trong việc để dự án kéo dài, ông Huỳnh Công Hùng, Phó ban KT-NS khẳng định: Lãnh đạo Cty TNHH KCN Tân Tạo thiếu kinh nghiệm, không đủ thẩm quyền và thiếu sự phối hợp với UBND huyện Bình Chánh (nay là quận Bình Tân) trong công tác đền bù giải tỏa.

Trong khi đó, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) và UBND huyện lại thiếu quan tâm hỗ trợ chủ đầu tư, dẫn đến dự án kéo dài, công tác đền bù giải tỏa trở nên khó khăn.

“Ban KTNS đã kiến nghị UBND thành phố giao Ban BTGPMB và chủ đầu tư lập danh sách, điều tra, phân tích đề xuất giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ cụ thể đối với 22 hộ chưa di dời để đẩy nhanh tiến độ dự án” – Ông Hùng nói.

MỚI - NÓNG